Nhà hát 200 tỉ đồng dùng thiết kế của 12 năm trước, ở sát biển lại lợp tôn

(PLO)- Công trình này có rất nhiều ý kiến trái chiều khi sử dụng lại thiết kế từ 12 năm trước (2007) và sát biển nhưng lại lợp tôn, bắn vít mà PLO đã rất nhiều bài viết phản ảnh.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản trả lời cử tri liên quan đến việc xây dựng Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận hơn 200 tỉ đồng để phục vụ hoạt động văn hóa Năm Du lịch quốc gia do Bình Thuận đăng cai tổ chức đầu năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Phối cảnh công trình.

Công trình này có rất nhiều ý kiến trái chiều khi sử dụng lại thiết kế từ 12 năm trước (2007) và sát biển nhưng lại lợp tôn, bắn vít mà PLO đã từng phản ảnh.

Theo cử tri Bình Thuận việc kéo dài công trình này sẽ làm tăng vốn đầu tư, ảnh hưởng mỹ quan và đề nghị UBND tỉnh cho biết trách nhiệm thuộc cơ quan, đơn vị nào; hướng khắc phục trong thời gian tới; dự kiến thời gian hoàn thành công trình?

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, Trong quá trình thi công Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận, do công trình có tính chất phức tạp nên cần phải xử lý kỹ thuật nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Cụ thể, hồ sơ thiết kế công trình được lập tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Tuy nhiên, thực tế thị trường hiện nay không đáp ứng được một số vật tư, thiết bị theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, phải nghiên cứu xử lý trong thời gian dài.

Công trình liên tục được kiểm tra và đã hai lần gia hạn. Ảnh PĐ.

Trong quá trình thi công, công trình có một số biện pháp thi công đặc biệt phải tiến hành thẩm tra, thẩm định trước khi triển khai (biện pháp thi công phần ngầm, biện pháp thi công giàn không gian mái...).

Một số kết cấu phải tiến hành thử tải, kiểm định để đảm bảo an toàn chịu lực trước khi đưa vào sử dụng theo kiến nghị của cơ quan thẩm định thiết kế bản vẽ thi công – dự toán (thử tải dầm dự ứng lực, kiểm định giàn không gian mái…).

Trong khi công trình Nhà hát là công trình dân dụng cấp I, nên các đơn vị thực hiện các công việc nêu trên đòi hỏi phải có năng lực phù hợp. Do đó quá trình lựa chọn mất nhiều thời gian, phải lựa chọn các đơn vị ngoài tỉnh dẫn đến việc phối hợp thực hiện cũng khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung hoàn thành công trình.

Quá trình thi công có nhiều nội dung trong hồ sơ thiết kế phải thực hiện làm rõ, điều chỉnh, xử lý kỹ thuật cho phù hợp thực tế thi công, công nghệ và thị trường vật tư, vật liệu tại thời điểm thi công và để đảm bảo công năng, điều kiện sử dụng lâu dài cho công trình.

Công trình hiện rất ngổn ngang.

Một số nội dung điều chỉnh phức tạp phải lấy ý kiến các sở ngành, xin chủ trương của cấp có thẩm quyền; đồng thời phải tổ chức thẩm tra, trình thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai thi công theo quy định nên dẫn đến thời gian đợi kéo dài như: Điều chỉnh thiết kế mái, bổ sung giàn thép trên trần khu vực khán đài của khán phòng Nhà hát…

“Hiện nay, một số nội dung điều chỉnh, bổ sung đã cơ bản hoàn thành và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất. Dự kiến cuối tháng 05-2023 hoàn thành đưa vào sử dụng”, văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận nêu.

Trước khi khởi công công trình này, dư luận địa phương chưa bằng lòng với cả vị trí lẫn thiết kế của công trình. Ngoài việc sử dụng hồ sơ thiết kế công trình từ năm 2007, vị trí xây dựng công trình lại quá nhỏ, giao thông xung quanh khó khăn, phức tạp. Khi tổ chức sự kiện lớn sẽ không đủ sức chứa khối lượng khán giả tham dự.

Điều khá ngạc nhiên là công trình trên 200 tỉ đồng nhưng lại sử dụng vật liệu mái lợp bằng… tôn thép liên kết đinh vít. Cách này vừa mất thẩm mỹ, vừa nhanh hư hỏng do đặc thù khí hậu địa phương là miền biển trong khi đây là công trình vĩnh cửu. Đó là chưa nói tới mái tôn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến âm thanh của nhà hát.

Các kiến trúc sư ở Phan Thiết cũng cho rằng đối với công trình là nhà hát thì ngoài thiết kế, vị trí, công năng, ý nghĩa truyền tải về mặt kiến trúc đối với người dân địa phương và du khách là hết sức quan trọng.

Do đó, họ đều đề nghị UBND tỉnh hết sức thận trọng, tính toán toàn diện khi sử dụng thiết kế cũ, vật liệu sẽ xung đột với khí hậu và cả vị trí của công trình văn hóa này. Tuy nhiên sau đó công trình này vẫn được khởi công.

Phần mái đang được điều chỉnh thiết kế.

Được biết, những cảnh báo mà trước đây mà dư luận quan tâm như mái lợp tôn bắn đinh vít hiện nay phải điều chỉnh thiết kế lợp mái, bổ sung vật liệu để che các khoảng hở giữa các lớp mái với tường và bổ sung xà gồ thay đổi từ bắn vít sang bắt ngàm của mái tôn…

Đây được xem là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, khởi công tháng 11-2019, thời gian thực hiện hợp đồng là 16 tháng. Lẽ ra đã hoàn thành từ tháng 3-2021 nhưng đã được gia hạn lần 1 vào ngày 17-11-2021; gia hạn lần 2 đến ngày 30-4-2022 và đến nay vẫn chưa xong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới