Chương trình do đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (Anh) hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện, Công ty sân khấu nghệ thuật Thái Dương TP.HCM biểu diễn.
Người lớn cũng ngả nghiêng cười
Sáng 29-4, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM, Phòng GD-ĐT quận 8, huyện Bình Chánh cùng thầy cô, ban giám hiệu 21 trường tiểu học tại TP.HCM đã có những giây phút thư giãn, ngả nghiêng cười khi xem vở kịch Kẻ thù tí hon trong buổi công diễn đầu tiên tại sân khấu Idecaf. Buổi công diễn nhằm lấy ý kiến các thầy cô giáo và lên kế hoạch để vở kịch chính thức đến với học sinh tiểu học của TP.
Những tưởng kịch về bệnh thì lấy gì để vui, để thư giãn, nhưng lạ một điều khán phòng toàn người lớn cũng nghiêng ngả cười khi xem. Những chú muỗi đủ sắc màu từ đen trắng (muỗi vằn), xanh lá (muỗi cỏ), xanh đậm (muỗi nước) đến trắng tuyết (muỗi tuyết) với những đối thoại ngộ nghĩnh kiểu trẻ thơ khiến câu chuyện được dẫn dắt không hề nhàm chán. Kiểu như các loài muỗi bàn với nhau bây giờ phải đổi tiếng kêu cho “hot”, nhưng rồi chúng nhận ra vẫn phải kêu “o, o” mới đích thực là của giống loài. Hay nữ chúa muỗi chuyên chích máu người giương oai diễu võ bằng những từ: “Ôi, ta thích săn mồi... buổi tối nhưng ban ngày không ngủ mùng thì ta cũng chích, chích vào là hết nhúc nhích”!
Đặc biệt, những hình ảnh gần gũi với trẻ em thành phố hiện nay như siêu nhân trong phim hoạt hình và cô tiên ở truyện cổ tích cũng được đan vào giấc mơ của cô bé Việt. Siêu nhân “vợt điện” (vợt muỗi bằng điện) xuất hiện giữa lúc bầy muỗi tung hoành nhưng chẳng làm được gì vì vợt hết pin, hay việc cô tiên (bác sĩ) xuất hiện để đuổi bầy muỗi nhưng lại quên đũa phép, gây những tràng cười tự nhiên để câu chuyện dung dị đi vào lòng khán giả.
Khoa học dễ “thấm” nhờ nghệ thuật
Theo đạo diễn Hồng Phước, không dễ dàng khi viết kịch sân khấu lồng ghép nội dung khoa học mà hấp dẫn được học sinh. Cái khó là nội dung phải chính xác vì dính dáng đến bệnh, cách phòng bệnh. Khi viết vở Kẻ thù tí hon, chị phải lên mạng, đọc khá nhiều tài liệu để hiểu thêm về sinh sản của muỗi, cách diệt muỗi thông dụng hiện nay. Những thông tin này sau đó được chuyển cho cơ quan chuyên môn y tế xem xét lại. Những diễn viên biểu diễn trong vở kịch phải thuộc lòng từng lời.
Ông Nguyễn Văn Nguyện, phó Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh - người đã xem buổi công diễn đầu tiên của vở kịch Kẻ thù tí hon sáng 29-4, nhận xét: “Tôi xem vở kịch mà có những lúc nắc nẻ cười. Vở diễn hay, phong thái biểu diễn rất phù hợp học sinh tiểu học. Dù những kiến thức khoa học về bệnh sốt xuất huyết đã được thầy cô dạy trong bài học, nhưng nghệ thuật kịch nói kết hợp không khí vui nhộn, màu sắc bắt mắt... sẽ giúp học sinh nhớ kiến thức lâu hơn và có kỹ năng phòng bệnh cho mình...”. Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh đã chọn mười trường tiểu học thuộc những vùng có nguy cơ dịch bệnh nhiều để triển khai chương trình Nhà hát khoa học.
Ông Nguyễn Quang Vinh (trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết các loại nghệ thuật như kịch nói, rối nước, văn hóa dân gian... đều có cách riêng để đi vào lòng khán giả. Chương trình Nhà hát khoa học là một hoạt động ngoại khóa. Khi xem kịch, học sinh vừa được củng cố kiến thức trong nhà trường nhưng lại mang đến niềm vui cho các em, giúp tiếp thu nhẹ nhàng... học mà cứ như chơi, giải trí. Những câu chuyện khoa học bằng hình thức kịch này từ mỗi học sinh sẽ đến với gia đình và lan tỏa ra cộng đồng.
Vui nhộn, đầy màu sắc thiếu nhi Kẻ thù tí hon là vở kịch vui nhộn, đầy màu sắc thiếu nhi, xoay quanh chuyện cô nữ sinh đang ở lứa tuổi khăn quàng đỏ tên Việt cùng bạn tên Nam, người thành phố về quê nội chơi. Hai trẻ được thỏa thích chơi đùa cùng mưa và hứng những lu nước to để xung quanh nhà làm... của để dành. Về quê, được nội chiều chuộng, thích thú, hai trẻ rong chơi thoải mái và bỗng nhiên đầu Việt nóng hầm hập. Đầu tuy rất nóng nhưng Việt lại cảm thấy lạnh buốt, muốn đắp chăn. Trong cơn mê sảng vì sốt của mình, Việt thấy một cô tiên áo trắng hiện ra chỉ cho Việt biết bệnh tình của mình, cách phòng tránh cũng như nguyên nhân gây bệnh... |
Xem kịch để phòng chống bệnh Vở kịch Kẻ thù tí hon dự kiến công diễn ở 21 trường tiểu học cho hơn 35.000 học sinh của TP.HCM. Vở kịch lồng ghép kiến thức về sức khỏe, khoa học thường thức, giúp học sinh nâng cao hiểu biết để phòng, tránh các bệnh thông thường. Trước khi xem kịch, học sinh sẽ nhận được một tờ giấy A4 in nội dung chín câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến nội dung khoa học của vở kịch như: Muỗi thường xuất hiện vào mùa nào? Tên thường gọi của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết? Nơi ẩn nấp của muỗi vằn?... Tờ giấy này sẽ được giáo viên thu lại sau buổi xem kịch để biết được kiến thức của học sinh. Ngoài ra, học sinh còn được phát sổ tay về chương trình Nhà hát khoa học, trong đó có những câu đố vui về y tế, trò chơi... Học sinh cũng sẽ trả lời trực tiếp các câu hỏi thông qua phần giao lưu với diễn viên sau mỗi buổi công diễn. |
Theo MỸ DUNG (TTO)