Nhà không cháy vẫn bị phá cửa kiểm tra

Ông Nguyễn Văn Công, ngụ số 6 Lưu Xuân Tín, phường 10, quận 5 (TP.HCM) đến báoPháp Luật TP.HCM phản ánh: Khoảng 18 giờ ngày 29-11, cả gia đình ông đi ăn tiệc bên ngoài, trước khi đi đã khóa hết cửa. Một tiếng sau thì có người hàng xóm gọi điện thoại báo nhà ông bị cháy. Cả gia đình ông hốt hoảng chạy về nhà.

Nhà này nướng sò, nhà kia bị phá cửa

Đến nhà, ông Công thấy điện đã bị cắt, lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) quận 8, Công an phường 10 (quận 5) đang có mặt.

“Lên kiểm tra căn nhà thì tôi phát hiện cánh cửa tầng hai đã bị phá vỡ, còn tầng một thì bị lục tung. Hàng xóm bảo cháy nhưng chẳng thấy một ngọn lửa nào mà nhà thì bị phá cửa. Tôi thắc mắc thì được lực lượng PCCC giải thích vì có người dân báo cháy, khi lực lượng xuống thì thấy khói bốc trong khu vực nhà tôi, cộng thêm ánh đèn nhấp nháy nên công an và lực lượng PCCC phải phá cửa vào nhà để kiểm tra. Khi kiểm tra thì không có cháy” - ông Công kể.

Theo ông Công, đáng lẽ cảnh sát PCCC phải có biện pháp nghiệp vụ để xác định rõ có cháy hay không, vị trí cháy phát ra từ đâu. “Hơn nữa, luồng khói bốc lên từ bếp nướng thức ăn nhà bên cạnh chứ đâu phải từ nhà tôi mà nghi bên trong có cháy rồi phá cửa xông vào? Cứ cho rằng việc kiểm tra như vậy là để đảm bảo an toàn cháy nổ nhưng khi phát hiện không cháy thì phải xin lỗi chúng tôi một tiếng chứ. Đằng này phá cửa nhà người ta vào kiểm tra xong không thấy cháy là về luôn, để lại hậu quả cho dân gánh chịu” - ông Công bức xúc.

Người dân khu phố 7 cho biết khoảng 19 giờ ngày 29-11, một số người dân phát hiện có một đám khói bay lên, mọi người hoảng hốt chạy ra bên ngoài. Vài phút sau thì lực lượng PCCC và công an phường đến kiểm tra. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì không phát hiện cháy mà khói kia là của nhà bên cạnh nướng thức ăn.

Ông Nguyễn Văn Công bức xúc vì nhà bị phá cửa kiểm tra cháy nhưng sau đó không được xin lỗi. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Cửa lầu 2 nhà ông Công, nơi lực lượng PCCC phá khóa để vào nhà kiểm tra. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Có quyền phá cửa kiểm tra nếu có dấu hiệu cháy

Trung tá Đoàn Trung, Trưởng Công an phường 10, quận 5, xác nhận: Tin báo cháy ở nhà số 6 Lưu Xuân Tín là không đúng, vì đây chỉ là khói bốc lên từ bếp nướng sò, mực từ nhà bên cạnh. Khi phá cửa để kiểm tra, công an chỉ phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 chứ không trực tiếp thực hiện. Việc phối hợp này để bảo vệ tài sản cho người dân.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tham mưu Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết đây là trường hợp người dân báo cháy khi họ nghi ngờ có cháy. Khi lực lượng PCCC xuống kiểm tra thì phát hiện có khói. Theo nguyên tắc, khi lực lượng PCCC đến thì sẽ có công an phường, tổ dân phố cùng tham gia để bảo vệ tài sản cho người dân.

“Điều 38 Luật Phòng cháy chữa cháy quy định người chỉ huy chữa cháy có quyền quyết định phá dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong trường hợp trên, do nghi ngờ có dấu hiệu cháy (có khói) nên lực lượng PCCC có quyền phá cửa để kiểm tra. Nếu không có khói và không có dấu hiệu cháy thì lực lượng PCCC không có quyền phá cửa vào nhà người dân để kiểm tra” - Đại tá Nhật cho biết.

Báo cháy giả có thể bị phạt đến 5 triệu đồng

Theo Đại tá Nhật, thỉnh thoảng Trung tâm Chỉ huy PCCC TP.HCM hoặc Phòng Cảnh sát PCCC quận/huyện cũng gặp trường hợp báo cháy giả do người dân gọi chọc phá chơi. “Sau khi biết tin báo cháy giả, chúng tôi báo cho Sở TT&TT cùng Công an TP.HCM truy tìm chủ thuê bao số điện thoại, xác định người báo cháy giả để xử phạt hành chính. Việc xử phạt có thể lên đến 5 triệu đồng theo khoản 3 Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP” - Đại tá Nhật chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng PCCC TP.HCM đã tiếp nhận hơn sáu vụ báo cháy giả. Gần đây nhất, lúc 1 giờ ngày 18-9, Cảnh sát PCCC TP.HCM nhận được tin báo từ số điện thoại 0126.7772xxx báo tại nhà 36 Xóm Chiếu, phường 13, quận 4 có cháy. Trên đường đi, lực lượng PCCC liên lạc với số điện thoại trên, người này vẫn báo có cháy và có người già kẹt trong nhà nhưng khi đến nơi thì… không có gì. Ngoài ra, khi kiểm tra trên tổng đài 114 thì số điện thoại trên còn báo bốn vụ cháy giả. Hiện người báo cháy giả này đã bị xử phạt hành chính.

Hay như ngày 3-11 có người gọi từ số điện thoại 0931.804xxx báo nhà 121 Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp có cháy nhưng khi lực lượng PCCC đến nơi thì không có. Hiện cảnh sát PCCC đang truy tìm chủ nhân của thuê bao trên để xử phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới