Áp lực về tỉ giá và lãi suất được xem là một trong nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp FDI trong năm 2023. Đó là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo "Đón đầu cơ hội - Mở lối đầu tư" do Ngân hàng ACB tổ chức sáng nay, ngày 25-11.
Tiền mặt là vua
Đánh giá về những thách thức mà doanh nghiệp FDI cần phải quan tâm nhất trong năm 2023, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên trưởng Fulbright Việt Nam cho biết: "Nền kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều thách thức. Đó là sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Mỹ, hoặc dự báo kinh tế khu vực châu Âu có khả năng rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, nhìn vào nội tại của nền kinh tế Việt Nam, tôi cho rằng những yếu tố căn bản của nền kinh tế của chúng ta vẫn rất vững chắc. Ví dụ như nguồn cung lao động dồi dào, chi phí để tuyển dụng và đào tạo lao động không quá cao. Người lao động hiện nay đang rất cần việc làm để khôi phục lại khoản thu nhập đã bị bào mòn trong giai đoạn Covid-19".
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi kể trên thì Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức. Thứ nhất, những doanh nghiệp FDI phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ bên ngoài thì phải chủ động ứng phó với các rủi ro về tỉ giá. Trong bối cảnh FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thì sức ép lên lãi suất và tỉ giá ở Việt Nam là cao. Do đó, doanh nghiệp FDI phải có phương án phòng ngừa rủi ro tỉ giá bằng các hợp đồng phát sinh.
Thứ hai, doanh nghiệp FDI cần tiếp cận vốn trong nước sẽ phải lưu ý về chi phí vốn do mặt bằng lãi suất phải gồng gánh trước sức ép của tỉ giá, trong khi room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn được điều hành theo hướng rất thận trọng.
Để kiểm soát vĩ mô thì khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự báo cũng khoảng 14% như năm nay. Như vậy, khi room tín dụng cấp cho các ngân hàng thương mại không hào phóng thì doanh nghiệp FDI cần phải chủ động tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Ông Nguyễn Hiếu Nhân, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp – ngân hàng ACB cho biết: "Về mặt chi phí, giai đoạn sắp tới thanh khoản có thể sẽ căng thẳng. Vì vậy, các doanh nghiệp càng phải dự trù một nguồn kinh phí để ứng phó khẩn cấp.
Thực tế trong năm 2022, doanh nghiệp dù khó tiếp cận vốn vay ngân hàng nhưng vẫn vượt qua được là do đã dự trù một phần thanh khoản nào đó. “Tiền mặt là vua” và trong giai đoạn này thì câu nói đó càng quan trọng hơn nữa”.
Lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bị giảm mạnh do các khoản lỗ từ chênh lệch tỉ giá. |
Chọn thời điểm vàng để tránh rủi ro tỉ giá
Đứng từ góc độ của ngân hàng, ông Nguyễn Hiếu Nhân cho biết: Để giúp doanh nghiệp FDI ứng phó với những rủi ro về tỉ giá và lãi suất trong năm 2023 thì ngay từ bây giờ chúng tôi đã lên kế hoạch thiết kế một số gói sản phẩm.
Bảo lãnh tỉ giá có 2 gói, thanh toán quốc tế có 3 gói và sắp tới sẽ có cơ chế về lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Trong đó, chúng tôi sẽ ưu tiên cho các dòng vốn FDI theo hướng "xanh", tức là phục vụ phát triển bền vững đang hướng vào Việt Nam.
Giải đáp thắc mắc về việc doanh nghiệp FDI làm sao tận dụng cơ hội ngay trong bối cảnh biến động tỉ giá, ông Nhân nói thêm: "Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu thì luôn phải xây dựng giá ngân sách (butget price) sát với thực tế. Khi thấy tỉ giá biến động theo xu hướng giảm thì mua, ngược lại nếu tỉ giá tăng thì mình bán. Điều này cần doanh nghiệp phải bám sát diễn biến của tỉ giá để đưa ra chiến thuật phù hợp”.
Ông Huỳnh Duy Sang – Phó Giám đốc tài chính khối thị trường tài chính ngân hàng ACB nêu quan điểm: "Dự báo tỉ giá là chuyện rất phức tạp. Ví dụ đầu năm nay chúng ta đã biết là Cục trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất đồng đô la và biết chắc tỉ giá sẽ tăng.
Tuy nhiên, diễn biến tỉ giá không đi theo một đường thẳng. Do đó, với những rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, doanh nghiệp nên tìm đến sự tư vấn từ phía ngân hàng để chi phí bảo hiểm tỉ giá không tăng lên đột biến.
Khi tỉ giá biến động mạnh, doanh nghiệp luôn muốn sử dụng công cụ bảo hiểm tỉ giá nhưng thực tế là khi đó chi phí bảo hiểm tỉ giá cũng tăng tương ứng. Đôi khi bảo hiểm tỉ giá đúng lúc tỉ giá tăng cao chưa chắc đã là giải pháp hoàn hảo".