Sau hơn một tuần Ngân hàng Nhà nước tăng tỉ giá thêm 1%, nới biên độ tỉ giá lên 3%, đến nay một số mặt hàng nhập khẩu rục rịch tăng giá.
Nơi tăng ngay, nơi tăng từ từ
Theo khảo sát của chúng tôi, tại Siêu thị Metro, giá một số loại thịt nhập khẩu từ Mỹ tăng nhẹ. Chẳng hạn sườn bò Mỹ có xương giá từ 399.000 đồng/kg tăng lên 404.000 đồng/kg; đùi bít tết từ 23.990 đồng/kg lên 24.490 đồng/kg.
Trong khi đó ở các chợ lẻ, cửa hàng tạp hóa gần đây giá một số mặt hàng sữa cũng tăng, trong đó có loại tăng 30.000 đồng hộp (900 g).
Tổng Giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười cho hay tỉ giá biến động thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến việc nhập khẩu các mặt hàng hương vị, gia vị vì phải thanh toán bằng đồng USD. Ví dụ trước đây khi tỉ giá chưa thay đổi, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 210.000 đồng để nhập 1 kg gia vị, nay phải bỏ ra hơn 220.000 đồng.
“Hiện nay, mỗi tháng chúng tôi mất vài trăm triệu đồng vì USD tăng giá” - ông Mười nói. Riêng với các mặt hàng thịt nhập khẩu, ông Mười thông tin hiện tại những đơn vị nhập khẩu trực tiếp đều phải mua hàng với giá đắt hơn trước khi điều chỉnh tỉ giá, kéo theo giá bán trên thị trường tăng.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho hay hiện nay họ chưa tăng giá bán hàng hóa trên thị trường nhưng với việc tỉ giá biến động thì việc phải điều chỉnh tăng giá bán trong thời gian tới là không tránh khỏi. Việc tăng tỉ giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá hàng nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu để chế biến các sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước.
“Các mặt hàng chịu ảnh hưởng bởi tỉ giá tăng chiếm khoảng 10% trong hệ thống ngành hàng của siêu thị - 90% hàng Việt Nam, 10% còn lại hàng nhập khẩu từ các nước. Đối với các sản phẩm nhập khẩu tại siêu thị phải mất một khoảng thời gian lựa chọn hàng hóa, hợp đồng mua, chốt giá đặt hàng, vận chuyển… trước khi nhập vào hệ thống. Do đó những biến động trực tiếp lên sản phẩm trước mắt chưa chịu ảnh hưởng nhiều nhưng tới đây sẽ ảnh hưởng” - ông Ngô Tuấn Cường, Giám đốc ngành hàng thực phẩm khô Siêu thị Lotte Mart Việt Nam, nói.
Người tiêu dùng đang mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN
Cắn răng chịu đựng
Trong khi nhiều đơn vị tăng giá bán hàng hóa sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỉ giá thì nhiều đơn vị khác cho biết họ chấp nhận cầm cự, thậm chí lỗ chứ không dám tăng giá vì nhu cầu thị trường yếu, nếu tăng sẽ mất khách hàng.
Một công ty chuyên nhập bò Úc chia sẻ vừa nhập bò Úc (bốn tàu) về Việt Nam thì gặp ngay việc điều chỉnh tỉ giá khiến công ty lỗ hàng chục tỉ đồng. “Dù lỗ nhưng công ty chưa dám tăng giá bán thịt bò vì thời điểm này sức mua còn yếu và các doanh nghiệp cạnh tranh nhau” - đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Ông Hồ Hữu Lộc, đại diện Công ty Du lịch Vietran tour, kể vừa qua công ty ký hợp đồng với đoàn gồm 40 khách du lịch, khởi hành từ Việt Nam đi Singapore vào ngày 20-9. Thời điểm ký hợp đồng tỉ giá tăng nên tính sơ bộ công ty lỗ cả chục triệu đồng. “Chịu lỗ chứ chúng tôi không dám tăng giá tour vì sợ khách sẽ hạn chế hoặc không đi nữa. Để giảm thiểu thiệt hại và giữ khách hàng, công ty phải cắt giảm nhiều chi phí, đồng thời thương lượng với đối tác để có mức giá tour phù hợp, chấp nhận giảm lợi nhuận, bán bằng giá vốn…” - ông Lộc giải thích.
Tương tự, ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing khu mua sắm Đệ nhất Phan Khang, nói ngày 17-8 khi vừa chốt một hợp đồng lô đèn LED nhập từ Đài Loan trị giá 300.000 USD thì tỉ giá USD tăng. Dù hàng chưa nhập về nhưng đã nhìn thấy lỗ trước mắt cả chục ngàn USD rồi. Sau này khi hàng về đến nơi, giá cả cũng được tính toán lại.
“Đối với các mặt hàng linh phụ kiện nhập chắc chắn cũng sẽ tăng giá, dự báo sẽ tăng khoảng 10%-15%. Tuy vậy, các doanh nghiệp đang dòm ngó nhau, cộng với sức mua thấp nên việc tăng giá là không dễ” - ông Phong nhấn mạnh.
Thép, may mặc không tăng Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thép Khương Mai, cho biết nguồn nguyên liệu thép nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc mà nước này lại giảm giá nhân dân tệ (tương đương khoảng 350.000 đồng/tấn thép) nên có lợi cho việc nhập thép. Song việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng tỉ giá lên thì coi như là “vừa”, không lợi nữa nên doanh nghiệp không tăng cũng không giảm giá bán thép trong nước. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi, cho rằng không có công thức chung cho việc tăng giảm giá hàng hóa theo sự điều chỉnh tỉ giá. Khi Trung Quốc vừa phá giá đồng nhân dân tệ thì thị trường bông thế giới tăng giá, sau một thời gian ngắn bông lại giảm giá thê thảm. Điều này cũng ảnh hưởng đến giá sợi, vải, các thành phẩm khác. Hơn nữa, doanh nghiệp mua nguyên vật liệu từ rất nhiều nguồn và tùy từng nguồn mà giá tăng, giá giảm khác nhau. Đồng thời còn tùy vào nhu cầu thị trường nên thành phẩm may mặc khó có chuyện tăng theo tỉ giá. Bất động sản có thể sẽ tăng Những dự án bất động sản đã và đang xây dựng có thể không chịu nhiều tác động của biến động tỉ giá do chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu tại các dự án này thường thực hiện từ trước khi có điều chỉnh tỉ giá. Do vậy, giá bất động sản loại này khó tăng. Thêm vào đó, hiện nay các doanh nghiệp đang đẩy mạnh giải quyết hàng tồn kho, việc tăng giá sẽ càng làm khó cho họ. Ngoài ra, đối với những dự án có tính thanh khoản còn thấp, việc tăng giá bán là không khả thi. Tuy nhiên, các dự án mới trong tương lai phải nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ chịu áp lực tăng giá bán do chi phí tính bằng USD. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội |