Ngày 28-9, luật sư của bị cáo Thào Thị Mai (41 tuổi, trú xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, Hà Giang) cho biết bị cáo này đã gửi đơn kháng cáo kêu oan đến TAND huyện Đồng Văn, Hà Giang liên quan đến vụ án trộm cắp tài sản mà Mai vừa là đồng bị hại vừa là bị cáo.
Trước đó, xử sơ thẩm vào tháng 9-2020, TAND huyện Đồng Văn đã tuyên phạt bị cáo Sùng Mí Nô (34 tuổi, trú xã Sà Phìn) 36 tháng tù về tội trộm cắp tài sản (theo điểm a khoản 3 Điều 173 BLHS). Đồng thời, tòa cũng tuyên phạt Mai chín tháng cải tạo không giam giữ về tội không tố giác tội phạm (theo khoản 1 Điều 390 BHLS).
Công an điều tra, kẻ trộm mang tiền trả lại
Theo bản án sơ thẩm, sáng 31-5-2019, Nô (vốn quen biết từ trước) biết vợ chồng Mai đi chợ xa nên lẻn vào nhà trộm cắp tài sản. Nô lấy đi hơn 300 triệu đồng. Phát hiện tài sản bị mất, gia đình Mai trình báo cơ quan công an.
Chiều 1-6, tức một ngày sau, Mai gọi điện thoại cho Nô, nói về việc nhà Mai bị mất tiền, hiện công an đang lấy lời khai của Mai. Lúc này, Nô nói tiền đang ở chỗ Nô, Nô sẽ đến gặp để trả cho Mai. Mai nói: “Nô lấy tiền ở đâu thì Nô tự đem trả vị trí cũ, Mai không có thời gian”.
Khoảng 19 giờ 30 cùng ngày, Nô mang số tiền trộm cắp được để tại vị trí bếp gas trong gian bếp của gia đình Mai. Nửa tiếng sau, Mai về đến nhà, phát hiện số tiền này nên nói với chồng. Tiếp đó, chồng Mai báo với Công an huyện Đồng Văn. Số tiền được tạm giữ, niêm phong để phục vụ điều tra.
Ngày 25-6, Nô đến cơ quan công an đầu thú, sau đó bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản.
Quá trình điều tra, Nô khai có quan hệ tình cảm với Mai, việc trộm cắp tiền có sự bàn bạc, thống nhất giữa hai người. Sau khi sự việc bị phát giác, Nô và Mai thống nhất đem tiền trả lại vị trí cũ và xóa dấu vết để tránh bị phát hiện.
Tuy nhiên, Mai phủ nhận toàn bộ lời khai của Nô, chỉ thừa nhận có gọi điện thoại cho Nô vào chiều 1-6 và được Nô nói đã trộm tiền nhưng không báo với cơ quan có thẩm quyền mà yêu cầu Nô trả lại tiền ở vị trí cũ.
Sau đó, Mai bị khởi tố về tội không tố giác tội phạm.
Vừa là bị hại vừa là bị cáo
Tại tòa, Nô giữ nguyên lời khai, tiếp tục cho rằng Mai là người chỉ đạo vụ trộm tiền. Ngược lại, Mai kiên quyết phủ nhận. Mai khai khi Nô nói mình trộm tiền thì bị cáo cứ nghĩ rằng đây chỉ là trêu đùa. Mai không trực tiếp nhận tiền từ Nô đem trả mà chỉ thấy tiền trong bếp nên không khẳng định chắc chắn có phải Nô là thủ phạm hay không.
Đáng chú ý, công an có trưng cầu giám định và dịch một số đoạn ghi âm cuộc gọi thu được từ điện thoại của Nô, cho thấy giữa Nô và Mai có nhiều lần nói chuyện với nhau.
Mai thừa nhận giọng nữ trong các đoạn ghi âm là của mình nhưng không hiểu vì sao lại có các đoạn trao đổi này. Bị cáo khẳng định không có quan hệ tình cảm gì với Nô.
Người bào chữa cho Mai cho rằng Nô khai báo gian dối, vu khống Mai. Khi phát hiện mất tiền, Mai đã nói cho chồng mình để trình báo tới cơ quan công an; Mai không hề biết ai là người trộm tiền nên chỉ tố giác về một tội phạm đã được thực hiện… Mai không thể vừa là bị hại trong vụ trộm cắp tài sản lại vừa là bị cáo trong vụ không tố giác tội phạm.
Lập luận kết tội của tòa
Đưa ra nhận định, HĐXX TAND huyện Đồng Văn cho rằng Nô khai mọi việc đều do Mai chỉ đạo nhưng qua đối chất giữa hai người tại cơ quan điều tra không thể làm rõ nội dung này nên không có cơ sở kết luận.
Về lời khai “nghĩ rằng Nô nói đùa” của Mai, HĐXX khẳng định điều này là không phù hợp thực tế. Bởi lẽ Nô biết rõ công an đang điều tra vụ việc, nếu ai đó nhận lấy số tiền thì ngoài việc phải trả lại số tiền lớn (hơn 300 triệu đồng) còn phải chịu trách nhiệm hình sự. “Không một ai không thực hiện hành vi mà lại tự nhận mình thực hiện để phải chịu nhiều bất lợi cho bản thân như vậy” - HĐXX lập luận.
Ngoài ra, theo HĐXX, lời khai tại tòa cho thấy Mai mong muốn lấy lại số tiền và tìm xem thủ phạm là ai. Tuy nhiên, Mai không giải thích được vì sao lại không trực tiếp đến gặp Nô (theo gợi ý của Nô) hoặc bố trí người thân (chồng, con) cùng với mình đi lấy lại số tiền. Khi đó Mai có thể vừa lấy lại được tiền, vừa biết chính xác Nô có phải là thủ phạm hay không.
Việc Nô mang trả tiền trên bàn bếp gas rồi 30 phút sau Mai phát hiện là phù hợp với thực tế khách quan, đúng với nội dung Nô và Mai đã trao đổi về việc “lấy tiền ở đâu thì tự đem trả ở vị trí cũ”. Đến lúc này, Mai vẫn đưa ra lý do không nhận tiền trực tiếp từ Nô nên không biết chính xác Nô có phải là thủ phạm hay không, không dám nói với ai là không phù hợp logic.
Đối với lời khai của Nô về việc hai người có quan hệ tình cảm, căn cứ vào kết luận giám định các đoạn ghi âm cuộc gọi cho thấy Nô và Mai nhiều lần nhắc đến chuyện tình yêu.
Tòa cũng nhận định có cơ sở đối với lời khai của Nô về việc sau khi Nô đem trả lại tiền, giữa hai người đã gọi điện thoại bàn bạc phương án đối phó với gia đình Mai và cơ quan công an để làm sao cho vừa không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình hai bên, vừa để cơ quan điều tra không tiếp tục điều tra nữa hoặc hạn chế mức thấp nhất trách nhiệm hình sự…
Tòa cũng bác quan điểm của người bào chữa, vì thực tế Mai đã biết Nô trộm cắp tiền của mình từ chiều 1-6 (cuộc gọi của Mai cho Nô), thông tin này được củng cố hơn khi vào 20 giờ cùng ngày, Mai nhận lại đúng số tiền mà gia đình bị mất (như lời Nô hứa sẽ đem trả). Và đến ngày 11-6, Mai đã biết chắc chắn việc này (thể hiện qua các đoạn ghi âm cuộc gọi do Nô ghi lại).
Tuy nhiên, do có tình cảm cá nhân với Nô nên mặc dù có đầy đủ điều kiện và cơ hội nhưng Mai không những không tố giác với cơ quan chức năng mà còn muốn che giấu hành vi phạm tội của Nô…
Tội không tố giác tội phạm 1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của bộ luật này thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt. (Điều 390 BLHS) |