Sáng 22-3, đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018” của Quốc hội thăm và làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), tỉnh Quảng Ngãi.
Bà Lê Thị Nga (chỉ tay) dẫn đầu đoàn công tác làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: TẤN VIỆT
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Lê Xuân Huyên, Chủ tịch HĐQT BSR, cho hay đơn vị đã tích cực triển khai, thực hiện nghiêm túc và tuân thủ hoàn toàn các quy định, chính sách của Nhà nước về công tác an toàn PCCC trong việc thiết kế, xây dựng và vận hành nhà máy.
Định kỳ hàng quý, BSR tổ chức các buổi họp mặt toàn công ty để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC. BSR cũng thường xuyên đào tạo, nâng cao kỹ năng, ý thức của cán bộ về PCCC. Riêng trong năm 2018, đã có 1.105 nhân sự của BSR được cấp chứng chỉ PCCC.
Những năm qua, nhiều phương tiện chữa cháy hiện đại được bổ sung về nhà máy, trong đó có xe thang chữa cháy Gimaex có tầm vươn cao hơn 53 m. Đặc biệt, nhà máy vừa cán mốc 20 triệu giờ công an toàn liên tục, một chỉ tiêu rất khó với các nhà máy lọc dầu trên thế giới.
Tại buổi làm việc, ông Huyên cũng đưa ra một số đề xuất với đoàn giám sát như nên thống nhất chỉ một hình thức kiểm định cho các thiết bị PCCC; gộp các yêu cầu về công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn lại thành một vì có tính chất tương đồng; xem xét việc bổ sung các quy định về độ tuổi, tiêu chuẩn sức khỏe, chế độ chính sách của lực lượng chuyên trách làm công tác PCCC tại các doanh nghiệp để có cơ sở tuyển dụng và duy trì lực lượng…
Ông Lê Xuân Huyên, Chủ tịch HĐQT BSR. Ảnh: HÀ HẢI
Sau khi tham quan nhà máy và nghe báo cáo, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao kết quả công tác PCCC của BSR, và nhận định là bài bản, chuyên nghiệp, hiện đại.
Bà Nga đề nghị BSR tiếp tục xác định PCCC là nhu cầu sống còn và tự thân. “Cháy nổ với nhà máy lọc dầu là thảm họa, nên không được lơ là một phút nào”, bà Nga nói.
Theo và Nga, trong công tác PCCC, quan trọng nhất là phòng cháy. Đồng thời, khi chữa cháy phải nghiêm túc thực hiện “4 tại chỗ”. BSR phải xây dựng nhiều phương án diễn tập khác nhau, cố gắng bám sát thực tế, chú trọng chống cháy lan. Trong đó phải lưu ý các cánh rừng sản xuất của người dân áp sát nhà máy rất dễ xảy ra cháy vào mùa khô, hoặc khi người dân đốt thực bì.
Công tác PCCC tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất được đánh giá bài bản, chuyên nghiệp và hiện đại. Ảnh: TẤN VIỆT
Cũng tại buổi làm việc, bà Nga nhìn nhận báo cáo của BSR gửi đoàn giám sát là chi tiết, có trách nhiệm. “Bởi một số địa phương khi giám sát thì thậm chí có tình trạng báo cáo đối phó, cóp dán”, bà Nga nói.
Nói về việc một số doanh nghiệp than thở rằng bị thanh tra, kiểm tra PCCC nhiều quá, bà Nga cho hay vấn đề là phải thanh tra đúng chứ không phải nhũng nhiễu. Với BSR, bà Nga đề nghị phối hợp thêm nữa với Cảnh sát PCCC để cho chắc chắn.
Rủi ro khi vay 1,3 tỉ USD Theo báo cáo của BSR, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (đang tiến hành) có quy mô đầu tư 1,8 tỉ USD, trong đó vốn vay là 1,3 tỉ USD. Khả năng trả nợ khá rủi ro do hiệu quả sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào biến động thị trường giá dầu thô – sản phẩm và các chính sách quản lý của nhà nước. Vì vậy, việc dự án không được cấp bảo lãnh Chính phủ để vay vốn đã làm các tổ chức trong nước và quốc tế rất lo ngại. Theo lãnh đạo BSR, qua làm việc sơ bộ với các đối tác cho vay quốc tế, khả năng chắc chắn là họ sẽ xem xét rút ngắn thời hạn cho vay, giảm thiểu khối lượng cho vay và tăng lãi suất để hạn chế rủi ro. Việc này sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư và giảm khả năng trả nợ của dự án. Theo tính toán với cơ cấu vay vốn hiện nay thì BSR sẽ không đảm bảo khả năng trả nợ an toàn trong khoảng 5-7 năm đầu tiên kể từ khi đưa dự án vào hoạt động. Do đó, việc thu xếp vốn vay sẽ không khả thi. Từ các lý do trên, lãnh đạo BSR đưa ra nhiều kiến nghị để tháo gỡ khó khăn. Trong đó có đề xuất Chính phủ xem xét dự án nâng cấp mở rộng này là công trình trọng điểm quốc gia và xây dựng cơ chế đặc thù làm cơ sở để giải quyết các vấn đề phức tạp như đã thực hiện với dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất trước đây. |