Nhà máy xử lý rác hiện đại nhất Cần Thơ sắp hoạt động

Chiều 19-7, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ họp với các sở, ngành và quận, huyện để nghe báo cáo về công tác bảo vệ môi trường, quản lý, thu gom, xử lý rác thải (nguy hại, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, sinh hoạt…).

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng giao cho Sở TNMT sớm đề xuất phương án đóng cửa các bãi rác ở Ô Môn, Cờ Đỏ. Ảnh: NN

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, vấn đề xử lý rác thải nói chung hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước rất nan giải, “có thể nói rất khổ tâm”. Theo đó, ông Dũng yêu cầu các sở, ngành liên quan phải hết sức quan tâm tình hình xử lý rác ở các bãi chôn lấp và đốt rác, phải đi kiểm tra thường xuyên, liên tục, làm sao bảo đảm vấn đề môi trường, đặc biệt là trong mùa mưa.

Đồng thời, ông Dũng cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì tiếp tục triển khai kế hoạch phân loại rác, đặc biệt là thời điểm trước khi đưa rác về nhà máy xử lý ở Thới Lai từ 10 ngày đến nửa tháng phải liên tục đi kiểm tra việc phân loại rác, vì nếu không đảm bảo thì phía nhà máy không nhận, số lượng ít không đủ xử lý hoặc thừa thì cũng không kịp.

Cạnh đó, ông Dũng cũng giao cho Sở TNMT sớm đề xuất phương án đóng cửa các bãi rác ở Ô Môn, Cờ Đỏ theo đúng tiến độ, thời gian nào, xử lý ra sao…

Theo bà Nguyễn Kim Hoàng – Trưởng phòng Hạ tầng (Sở Xây dựng), nhà máy xử lý rác ở Thới Lai sẽ vận hành vào tháng 9 tới. Đây là nhà máy xử lý rác hiện đại nhất Cần Thơ hiện nay. Ảnh: NN

Bà Nguyễn Kim Hoàng – Trưởng phòng Hạ tầng (Sở Xây dựng) cho biết, hiện nay tỉ lệ thu gom rác trên địa bàn TP đạt khoảng 91%, tương đương 650 tấn rác/ngày, chủ yếu xử lý bằng hình thức chôn lấp và đốt tại các bãi rác ở Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ.

Nhà máy xử lý rác ở Thới Lai đến nay nhiều hạng mục đã hoàn thành 100%, một số khác cũng hoàn thành 80-90%, dự kiến đi vào vận hành thử trong hai tháng từ tháng 9 tới. Công suất ban đầu của nhà máy này dự kiến 400 tấn/ngày. Tuy nhiên, điều kiện xử lý rác ở đây bắt buộc rác phải được phân loại tại nguồn. Hiện nay, TP đã triển khai tuyên truyền và thực hiện việc phân rác tại nguồn ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Thới Lai để chuẩn bị có rác cung cấp cho nhà máy này.

Trước đó, dự án nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện Cần Thơ thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Everbright International (Trung Quốc), khởi công từ tháng 6-2017 với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Đây là dự án sử dụng kỹ thuật đốt rác phát điện để xử lý rác thải sinh hoạt, sau đốt rác chỉ còn 5% tro xỉ chôn lấp…

Đại diện Sở TNMT và huyện Cờ Đỏ phát biểu tại cuộc họp cho biết tình hình ô nhiễm do nước rỉ rác ở các bãi rác tại Ô Môn và Cờ Đỏ là khá nghiêm trọng. Ảnh: NN

 

Ông Nguyễn Chí Kiên – Phó Giám đốc Sở TNMT cho biết, tình hình ô nhiễm môi trường tại bãi rác ở Ô Môn khá nghiêm trọng do nước rỉ rác tràn ra ngoài khiến người dân phản ứng. Bãi rác ở Cờ Đỏ theo quy hoạch là chôn lấp nhưng qua kiểm tra thì cũng không chôn lấp và đổ tràn, nước rỉ rác tràn ra ngoài cũng nhiều, cơ quan chức năng cũng phạt nhiều lần nhưng không khắc phục được vì không biết đổ rác ở đâu…

Đối với chất thải trong khu công nghiệp, ông Kiên cho biết lượng rác này khoảng 200 tấn/ngày. Loại rác này hiện nay vẫn đang gặp khó vì nhà máy xử lý rác ở Thới Lai chưa có kế hoạch xử lý, hiện các doanh nghiệp vẫn phải thuê đem đi nơi khác xử lý với chi phí khá cao.

Về việc phân loại rác, theo phản ánh của lãnh đạo quận Bình Thủy thì khó khăn lớn nhất là kinh phí mua bọc. Theo địa phương này dự tính, tổng kinh phí mua bọc đựng rác phát cho các hộ dân trên tám phường trong một năm là khoảng 1,2 tỉ đồng.

Lãnh đạo huyện Cờ Đỏ cho biết, hiện thiệt hại của các hộ dân (lúa, vịt chết) vì nước rỉ rác là hơn 90 triệu đồng nhưng đến nay phía đơn vị xử lý rác chưa có kinh phí bồi thường cho dân. Hiện nay bảy ô chôn lấp rác đã gần đầy hết, nước rỉ rác có nguy cơ tràn ra ngoài…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới