Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết chiều 23-12, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ họp nghe các địa phương, cơ quan liên quan báo cáo tình hình thiệt hại, triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại cuộc họp này, tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm tra, làm rõ phản ánh của người dân cho rằng nguyên nhân vụ sạt lở núi Xanh thuộc thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP Nha Trang do khai thác đất đá trái phép; có hay không việc người dân nhiều lần đề nghị UBND xã ngăn chặn nhưng chính quyền địa phương không xử lý.
Dân: Báo xã nhưng không thấy xử lý
Vụ sạt lở núi kinh hoàng này xảy ra rạng sáng 20-12, làm bốn người chết, bốn người bị thương, sập hoàn toàn sáu ngôi nhà, năm ngôi nhà khác bị vùi lấp, hư hỏng nặng.
Trong ngày 22-12, phản ánh với báo chí, người dân sống dưới chân núi Xanh tiếp tục bức xúc cho rằng xã Phước Đồng đã làm ngơ để một số doanh nghiệp, cá nhân khai thác đất, đá thường xuyên dẫn đến núi bị hổng mất chân, gây sạt lở.
“Lúc đầu họ chẻ đá, lấy đất dưới chân núi, chỉ cách các ngôi nhà vài trăm mét. Sau họ khai thác lên cả sườn núi, cây cối ngã đổ, đá lăn xuống ầm ầm. Xe ben chở đất, đá đi suốt ngày, ngay cạnh con đường lớn nên UBND xã không thể không biết” - ông Trần Xuân Duy, người dân địa phương, nói.
Ông Trần Văn Tuấn, người dân địa phương, cho biết gần ba tuần trước khi xảy ra vụ sạt lở, người dân địa phương ra ngăn cản một xe ben đến chở đất, đá dưới chân núi Xanh rồi báo xã nhưng cũng không thấy xử lý. Lần khác, sau khi người dân báo, xã cử một số cán bộ đến thu vài dụng cụ đục đá, chẻ đá rồi về. Ít ngày sau, tình trạng trên lại tái diễn.
“Ngoài khai thác đá, họ còn cho xe múc lấy đất quá nhiều, chở đi nơi khác san lấp nên núi bị lõm vào. Bà con ở đây ai cũng nơm nớp lo sạt lở” - ông Tuấn nói.
Do bị hổng chân, cả một mảng núi đổ ập xuống gây tang thương cho khu dân cư. Ảnh: TẤN LỘC
Xã: Không biết!
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, thừa nhận có tình trạng khai thác đá trái phép gần khu dân cư dưới chân núi Xanh nhưng xảy ra cách đây… bốn năm.
“Năm 2012, xã đã xử lý một trường hợp khai thác đá trái phép. Chúng tôi thu hơn 300 viên đá chẻ cùng vật dụng khai thác. Từ đó đến nay không còn tình trạng khai thác đá trái phép ở đây nữa” - ông Hưởng nói.
Tuy nhiên, khi PV thông tin lại bức xúc của người dân hiện nay, trong đó có việc người dân nói đã quay clip làm bằng chứng, ông Hưởng phân bua: “Chắc họ lén lút khai thác đá nên chúng tôi không biết. Còn việc khai thác đất thì xã không nghe báo cáo”.
PV đã liên lạc đăng ký làm việc với ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, để tìm hiểu chính quyền TP có kiểm tra, làm rõ tình trạng trên hay không. Tuy nhiên, ông Danh nói: “Tôi sẽ trao đổi với anh Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, để trả lời PV”.
Núi bị hổng chân Khi quan sát trực tiếp tại hiện trường vụ sạt lở, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng thừa nhận nguyên nhân sạt lở một phần do nạn lấy đất làm công trình, chẻ đá khiến núi bị hổng chân. “Chân núi bị hổng mất, áp lực từ trên đè xuống, cùng với lượng mưa rất lớn nên dẫn đến sạt lở lớn như vậy” - ông Thiên phân tích. |