Nha Trang: Nhà máy nước bị đe dọa

Ngày 19-4, ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Nha Trang (thuộc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa), cho biết Nhà máy nước Xuân Phong - một trong hai nhà máy cấp nước sinh hoạt cho TP Nha Trang có nguy cơ phải ngừng hoạt động nếu tình trạng khô hạn tiếp tục xảy ra, sông Cái bị nhiễm mặn nghiêm trọng hơn.

Nước sông mặn gần bằng nước biển

Kết quả khảo sát mới nhất của xí nghiệp cấp nước này cho thấy ở hạ lưu đập ngăn mặn trên sông Cái tại cầu Vĩnh Phương (thuộc xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang), nước trên mặt sông có độ mặn 500-1.000 mg muối/lít nước, vùng nước dưới đáy có độ mặn 22.000-28.000 mg muối/lít. Có thời điểm độ mặn ở đoạn sông này hơn 28.500 mg muối/lít nước. Kết quả này cho thấy độ mặn nước sông Cái bên dưới đập ngăn mặn cầu Vĩnh Phương cách biển gần 10 km đã gần bằng độ mặn bình thường của nước biển Nha Trang là 30.000 mg muối/lít nước.

Theo ông Nguyễn Thái Như Trị, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, nguồn cấp nước sinh hoạt duy nhất cho TP Nha Trang lấy từ sông Cái. Nhưng hiện mực nước trên sông này đã xuống thấp nhất trong nhiều năm qua và còn tiếp tục xuống nữa. Tại đập ngăn mặn dưới cầu Vĩnh Phương, mực nước sông ở thượng lưu trong ngày 19-4 thấp hơn mặt đập gần 30 cm nên không đủ để tràn qua đập. Trong khi đó, ở hạ lưu mực nước sông đã thấp hơn mặt nước biển. “Do không có nước sông đẩy trôi nên nước biển ngày càng xâm nhập nhiều khiến cả một đoạn gần 10 km hạ lưu sông Cái bị nhiễm mặn như nước biển” - ông Trị nói.

“Với tình hình khô hạn ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có sự điều tiết nguồn nước thì khả năng nước mặn sẽ thẩm thấu qua đập, lan rộng lên thượng nguồn. Khi đó, Nhà máy nước Xuân Phong có công suất 15.000 m3/ngày đêm cung cấp cho hơn 15.000 hộ dân phải ngừng hoạt động” - ông Vũ Văn Bình nhận định.

Một cán bộ khác của Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa cũng nhìn nhận nguy cơ này rất lớn do Nhà máy nước Xuân Phong nằm ngay cạnh đập ngăn mặn.

Ông Lê Dựa ở xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang đành phải bơm nước nhiễm mặn tưới để cây chết chậm, thay vì chết khô do thiếu nước. Ảnh: TẤN LỘC

“Hy sinh” sản xuất nông nghiệp

Theo ông Bình, cách đây hơn một tuần, nguồn nước cung cấp cho hai nhà máy cấp nước sinh hoạt cho TP Nha Trang và thị trấn Diên Khánh (Nhà máy Võ Cạnh và Xuân Phong) có tổng công suất 113.000 m3/ngày đêm đã bị thiếu hụt do khô hạn kéo dài.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện tạm dừng hoạt động, tiết giảm nhiều trạm bơm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở thượng nguồn để ưu tiên tối đa cho cấp nước sinh hoạt. Nhờ vậy, hiện nay việc cấp nước sinh hoạt cho TP Nha Trang vẫn tạm ổn. “Trong tuần này, Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa sẽ đề xuất tiếp tục cắt giảm hoạt động của nhiều trạm bơm thủy lợi khác để ưu tiên nước cho hai nhà máy nước phục vụ sinh hoạt” - ông Nguyễn Thái Như Trị cho biết thêm.

Tuy vậy, ông Bình vẫn lo lắng: “Nếu từ nay đến cuối tháng 6 không có lũ tiểu mãn trên sông Cái thì nguồn nước cung cấp cho hai nhà máy nước này càng thiếu hụt hơn. Khi đó, tình hình cấp nước sinh hoạt cho TP Nha Trang sẽ càng thêm căng thẳng”.

Về lâu dài, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong cuộc làm việc mới đây với Bộ NN&PTNT về tình hình hạn hán, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất xây dựng một đập ngăn mặn kiên cố trên sông Cái kết hợp xây dựng cầu Phú Kiểng nhằm chống nhiễm mặn, giữ nguồn nước ngọt vào mùa khô hạn.

Nước giếng cũng mặn chát, cây trồng chết khô

Ông Nguyễn Thái Như Trị, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay người dân sống ven sông Cái đoạn bên dưới cầu Vĩnh Phương thuộc các xã Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Ngọc Hiệp và một số phường của TP Nha Trang không thể bơm nước sông để sản xuất nông nghiệp do nước bị nhiễm quá mặn. Trong khi đó, đây là vùng làm vườn, trồng cây ăn quả lớn của TP Nha Trang.

Theo ghi nhận của PV, phần lớn ruộng vườn hai bên sông Cái đoạn dưới cầu Vĩnh Phương đều bị thiếu nước. Một số ruộng vườn bị nhiễm mặn, phèn đóng dày cả lớp, phải bỏ hoang. Nhiều vườn lâu nay dùng nước giếng song nay giếng cũng bị nhiễm mặn. Một cán bộ UBND xã Vĩnh Phương cho biết thêm hầu hết giếng nước trong khoảng cách gần 1 km tính từ bờ sông đều bị nhiễm mặn, không thể sử dụng. Trong khi đó nhiều gia đình vẫn chưa có nước máy do kéo đường ống quá xa. Những gia đình này phải mua lại nước máy để sinh hoạt hằng ngày. Thế nhưng trao đổi với PV, ông Đào Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế TP Nha Trang, lại cho rằng việc sông Cái nhiễm mặn không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân (?!).

Hiện đã có hàng ngàn hecta đất nông nghiệp dọc sông Cái bị ảnh hưởng hoặc phải ngừng sản xuất. Quan điểm của tỉnh là trước mắt chấp nhận hy sinh sản xuất để ưu tiên cho sinh hoạt, không để ảnh hưởng đến du lịch của Nha Trang.

Tất nhiên, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ nhằm hạn chế ảnh hưởng đến những hộ dân bị ngừng sản xuất nông nghiệp do thiếu nước. Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp để có được nguồn nước ổn định lâu dài, vừa phục vụ sản xuất vừa đảm bảo an sinh.

Một phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm