Nhà trường nói gì về chương trình phổ thông mới?

Đó là ý kiến chung của nhiều đại diện lãnh đạo các trường THPT, Phòng GD&ĐT các quận/huyện trong buổi họp lấy ý kiến chiều 26-4 về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT ban hành do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức.

Học sinh còn phải học quá nhiều

Tại đây, các đại biểu đều cho rằng dự thảo chương trình mới đã chuyển biến từ truyền thụ kiến thức sang truyền thụ kỹ năng thực hành cho người học, tăng ứng dụng vào cuộc sống. Chương trình đã chú ý được việc rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục đạo đức và ý thức pháp luật cho học sinh (HS) bởi có nhiều nội dung mới, gần gũi đời sống hơn.

Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều cho rằng chương trình học còn nặng, nhất là ở cấp học dưới. Lộ trình thực hiện từ năm 2018 là không khả thi vì không có sự chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất. Việc kiểm tra, đánh giá chưa rõ ràng trong khi đây là khâu quan trọng nhất trong dạy và học.

Cụ thể như ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, thẳng thắn cho rằng còn nhiều băn khoăn với chương trình mới. Cụ thể, ở tiểu học, ông Thanh cho rằng thời lượng tiết học theo dự kiến ở khối 1 và 2 là 30-35 phút, khối 3 và 4 là 35-40 phút. Vậy thì trong một trường có sự chuyển tiết lệch, đánh trống chuyển tiết như thế để không ảnh hưởng các em học, rồi dẫn đến việc ra chơi của các em cũng bị lệch sẽ rất khó cho nhà trường và ảnh hưởng đến việc học chung. Ngoài ra, số tiết trung bình ở tiểu học là 30-32 tiết/tuần tùy theo khối.

“Vậy đối với trường học một buổi/ngày thì sẽ như thế nào? Vì trong quận cũng chỉ mới 60% HS được học hai buổi/ngày và trong thời gian phấn đấu để 100% HS được học hai buổi/ngày thì áp dụng chương trình này như thế nào. Bộ cũng có nói là ở những trường một buổi thì sẽ cắt bớt một số phần nhỏ nhưng không đáng kể, trong khi một buổi các em chỉ học có bốn tiết và có sáu buổi/tuần thì chỉ 24 tiết thì còn lại phải xếp tiết vào đâu? Chưa kể trường hai buổi có dạy tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh tích hợp thì xếp tiết như thế nào cũng không phải đơn giản” - ông Thanh nói.

Ở THCS, theo ông Thanh, bộ môn khoa học tự nhiên được tích hợp ba môn lý, hóa và sinh học thành một môn. Vậy nội dung tích hợp như thế nào, ba môn này tích hợp trong một bài hay ba môn này vẫn là ba phân môn nhỏ riêng biệt trong môn khoa học tự nhiên. Nếu thế đội ngũ giảng dạy như thế nào, ba giáo viên chia nhau ra dạy hay một giáo viên phải kiêm hết? Mà thực tế một giáo viên không thể nắm hết chuyên môn các môn được. Trong khi năm 2018 áp dụng chương trình này, nếu tuyển giáo viên mới thì liệu các lứa sinh viên ra trường đã được đào tạo theo cái mới chưa?

Ông Thanh cũng băn khoăn chương trình học còn nặng quá, lớp nhỏ học nhiều, lớn học ít. Như lớp 10 có đến 1.110 tiết/năm, lớp 11 và 12 còn hơn 900 tiết. Rồi tiểu học, lớp 5 là 1.164 tiết/năm học.

“Với số tiết này, tôi thấy không chừng lại thành tăng tải chứ chưa chắc giảm tải cho các em. Theo tôi, nếu như chưa chuẩn bị mọi mặt một cách cẩn thận thì nên dời thời gian áp dụng vì nếu không thì người thiệt thòi nhất chính là HS” -ông Thanh nói.

Đại diện các trường phát biểu ý kiến góp ý.

Đại diện các trường phát biểu ý kiến góp ý.

Đồng tình ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho hay chương trình đã đưa vào những môn học mang tính hướng nghiệp và tiếp cận đời sống hơn. Tuy nhiên, số lượng môn học còn khá nhiều, như tiểu học và THCS việc lựa chọn môn chưa cụ thể bằng THPT. Có một số nội dung mở rộng nhưng còn mơ hồ, chồng chéo. 

Theo bà Cúc, cái quan trọng nhất để thực hiện thành công là con người, nhất là giáo viên. “Theo chương trình mới này thì việc đào tạo giáo viên hình như chưa chuẩn bị gì cả. Nếu chúng ta áp dụng cách chuyển đổi giáo viên cho những môn mới hoặc nội dung mới thì chỉ là giải pháp tạm thời chứ không thể lâu dài vì việc dạy sẽ ảnh hưởng đến kiến thức, đam mê của HS” - bà Cúc lo lắng.

Theo bà Cúc, vấn đề cơ sở vật chất, sĩ số HS hiện nay cũng còn rất khó khăn để có thể áp dụng chương trình này. Đáng nói hơn, việc kiểm tra đánh giá rất quan trọng lại chưa được đề cập nhiều trong dự thảo khiến các trường cũng mơ hồ hiệu quả thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP chia sẻ ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, chia sẻ ý kiến.

Có được tự chọn môn học?

Về vấn đề này, bà Trần Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12, bày tỏ băn khoăn rằng chương trình mới này sẽ áp dụng thế nào với khối giáo dục thường xuyên vì lâu nay các trung tâm chỉ dạy những môn chính và có thêm ngoại ngữ, giáo dục công dân thôi chứ không có các môn như giáo dục quốc phòng, công nghệ... Hơn nữa, phần lớn các trung tâm đều rất khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị... nên nếu năm 2018 áp dụng thì không biết sẽ triển khai như thế nào.

Ông Nguyễn Tấn Thanh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), cũng thẳng thắn rằng nhiều giáo viên khi đọc chương trình mới này không hiểu như thế nào thì làm sao thực hiện và dứt khoát càng không thể triển khai từ năm 2018.

Ông Thanh cũng quan tâm đến lộ trình thực hiện sẽ như thế nào, theo lớp hay theo cấp học, những em đang học giữa chừng của cấp thì sang năm học theo chương trình mới hay cũ.

“Môn tự chọn thì ai chọn, trường chọn, lớp chọn hay HS được chọn. Nếu trường chọn thì không còn là tự chọn nữa mà HS chọn thì trong một trường sẽ có sự chênh lệch giữa các môn thì việc bố trí giáo viên sẽ như thế nào, việc thừa thiếu giáo viên cũng cần được cân nhắc để thực hiện chứ không phải đơn giản” - ông Thanh góp ý.

 

Sách giáo khoa mới của TP.HCM sẽ thế nào?

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, băn khoăn rằng không biết với chương trình mới này thì sách giáo khoa mới sẽ như thế nào. Theo ông Thanh, lâu nay TP có biên soạn bộ sách tài liệu tham khảo, vậy thì trong tương lai có được chấp nhận là tài liệu chính thức làm sách giáo khoa hay không? Nếu không được thì phải dùng sách mới sẽ quá cập rập vì vừa làm quen chương trình mới vừa dạy thì kết quả áp dụng sẽ không cao.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, trả lời rằng bộ tài liệu tham khảo lâu nay chắc chắn không trở thành sách chính thức được. Hiện Sở mới hợp tác với Nhà xuất bản Giáo dục để chuẩn bị về đội ngũ, nội dung... tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa riêng áp dụng cho TP thôi. Hiện tại, Sở cũng đang chờ chương trình chính thức của Bộ rồi từ đó TP mới có thể tổ chức biên soạn được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm