Nhà vườn... nghỉ chơi với du lịch!

Chín điểm du lịch sinh thái cù lao Minh (Long Hồ, Vĩnh Long) chuyên đón khách du lịch đồng loạt ký tên thông báo với Công ty cổ phần Du lịch Cửu Long rằng sẽ không đón khách nếu công ty không điều chỉnh giá. Đây là lần đầu tiên các nhà vườn phản ứng với doanh nghiệp.

10 năm chỉ có một giá

“Hơn mười năm qua, nhà vườn chúng tôi không hề được công ty thay đổi giá trong phục vụ khách du lịch”, anh Nguyễn Trí Nghiệp, chủ điểm du lịch sinh thái Island bức xúc nói trong cuộc hội thảo về du lịch ở năm 2005 tại khu du lịch Trường An (Vĩnh Long). Trong một thời gian dài như thế, giá cả đã thay đổi rất nhiều nhưng những người làm du lịch cộng đồng xứ cù lao vẫn chịu thua thiệt với mức giá cũ rích. Đến cuối năm 2007, người làm du lịch vườn đồng loạt ký tên vào thông báo gửi công ty đề nghị điều chỉnh giá sản phẩm - dịch vụ phục vụ khách. Trong kiến nghị của mình, các nhà vườn đề xuất được xem xét, áp dụng biểu giá mới từ ngày 1-1-2008.

Sau đó, họ lần lượt gửi liên tiếp đến bốn bản thông báo. Cuối cùng là tờ trình về việc ngưng tiếp khách của công ty đưa đến bắt đầu từ ngày 1-2.

Trong khi giá dịch vụ tại Long Hồ “án binh bất động” hơn 10 năm qua thì các đơn vị hoạt động du lịch ở TP.HCM, Tiền Giang, Cần Thơ... luôn có sự điều chỉnh giá cả phù hợp với thị trường. Các điểm làm du lịch mong muốn đàm phán trực tiếp cùng lãnh đạo Công ty Du lịch Cửu Long nhưng tới nay phía công ty vẫn chưa có một cuộc tiếp xúc nào.

Tại anh tại ả...

Theo ông Nguyễn Quan Chức - Trưởng phòng Marketing, Công ty Du lịch Cửu Long, mặc dù chủ các điểm du lịch cho rằng công ty không tăng giá nhưng thực tế thì thời gian qua họ vẫn thường xuyên thay đổi giá trong thực đơn. Việc lên giá là quyền của điểm du lịch chứ không phải là của công ty. Ông Chức cũng cho rằng muốn nâng giá thì chất lượng dịch vụ cũng phải tốt hơn. Đằng này, bao nhiêu năm qua thực đơn phổ biến của các nhà vườn vẫn là cá tai tượng chiên xù cắn trái ớt, tôm nướng, tôm luộc...

Tuy nhiên theo chúng tôi, lỗi trong chuyện này cũng không hẳn chỉ từ phía nhà vườn. Lẽ ra phía công ty phải tổ chức thăm dò nhu cầu, sở thích của khách, rồi tư vấn cho nhà vườn để họ điều chỉnh dịch vụ. Thậm chí phía công ty còn phải hỗ trợ các nhà vườn làm tốt hơn nữa để khách đừng “một đi không trở lại”. Để minh chứng cho điều này, chỉ cần đi qua Cái Bè (Tiền Giang) là thấy không khí ở đây khác hẳn. Tại một nhà hàng do người Pháp quản lý, vẫn những món ăn truyền thống như nêu trên, họ phục vụ khách giá gấp đôi những điểm du lịch vườn vùng cù lao nhưng vẫn thu hút khách. Thực ra, họ thành công vì biết chăm chút chất lượng dịch vụ, ân cần chăm sóc khách từ những cái nhỏ nhặt nhất.

Mới đây, Công ty Du lịch Cửu Long đã mở một cuộc thăm dò với câu hỏi “bạn có trở lại vùng sông nước đồng bằng miệt vườn?”. Trong tổng số 87 du khách được hỏi thì có 23 phiếu trả lời sẽ quay lại, 28 phiếu không quay lại. Số còn lại dửng dưng. Ông Nguyễn Quan Chức - Trưởng phòng Marketing, Công ty Du lịch Cửu Long nhận định con số đó đồng nghĩa với việc khách không quay lại nhiều hơn.

Một nguyên nhân khác khiến khách không muốn quay lại là môi trường đang bị khai thác một cách kiệt quệ. Toàn đồng bằng sông Cửu Long chưa có một mô hình tái tạo sinh thái. Mô hình du lịch sinh thái đang rơi vào tình cảnh “chuột sạ cắn đuôi nhau”, chỉ đi một chỗ là không cần đi chỗ khác nữa. Dường như sản phẩm độc đáo, đặc thù của từng địa phương trong du lịch sinh thái-văn hóa miệt vườn chưa thật sự khai thác hết để cuốn hút khách.

Có lẽ từ cuộc “ly thân” của nhà vườn như đang tạo ra một cách nhìn xác thực về “du lịch vì cộng đồng, cộng đồng vì du lịch” một cách bền vững, đi vào chiều sâu. Rõ ràng là đang có một khoảng cách giữa những người làm du lịch cộng đồng và phía doanh nghiệp.

NGUYÊN VẸN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm