Bà BTP ở TP Phan Rang - Tháp Chàm cho biết vừa khiếu nại đến VKSND tỉnh Ninh Thuận về việc Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận không khởi tố vụ án đối với hành vi đập phá, chiếm giữ nhà của bà.
Tranh chấp rồi chiếm giữ, đập phá căn nhà xây trái phép
Trong đơn, bà P trình bày rằng năm 2018, ông D (người từng có quan hệ tình cảm và chung sống với bà) bán căn nhà, khu đất rộng 429 m2 ở phường Mỹ Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm cho bà với giá 100 triệu đồng. Nội dung giấy tay thể hiện miếng đất này ông D mua của ông C trước đó. Ông D cam kết khu đất trên không có tranh chấp, nếu xảy ra tranh chấp ông chịu trách nhiệm hoàn toàn. Bà P và các con sinh sống ổn định, không xảy ra tranh chấp với ai.
Đến tháng 4-2022, UBND phường Mỹ Hải thông báo việc đo đạc xác định hiện trạng đất đai của các hộ gia đình, cá nhân xây nhà trên khu đất này. Khi đó, một người thân của ông D đòi lại căn nhà với lý do đã bỏ tiền mua lại khu đất từ ông D, có viết giấy tay chuyển nhượng.
Ngày 6-7-2022, căn nhà bà P đang ở bị phá cửa, đập phá đồ đạc, chiếm nhà. Nhóm người này còn tổ chức canh giữ căn nhà, hăm dọa hành hung bà P.
Tự ý đập phá nhà xây trái phép là có dấu hiệu tội phạm
Tại hội nghị trực tuyến ngày 24-4 do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tổ chức, một số tòa đặt vấn đề: Thực tế nhiều người xây dựng nhà, công trình… trái phép trên đất lấn chiếm. Sau đó một số người khác đến, tiếp tục lấn chiếm phần đất này rồi đập phá nhà, công trình… đã xây dựng trái phép. Hành vi này có cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản?
Trong Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 3-10-2023 giải đáp vướng mắc xét xử, TAND Tối cao trả lời rằng việc xây dựng trái phép trên diện tích đất do Nhà nước quản lý là hành vi vi phạm Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc xử lý hành vi vi phạm đó như thế nào và bằng biện pháp gì thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Nếu có hành vi lấn chiếm rồi đập phá nhà, công trình, kiến trúc đã xây dựng trái phép thì vẫn bị xử lý tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS.
Bà P trình báo việc bị xâm phạm chỗ ở, hủy hoại chiếm đoạt tài sản.
Tháng 3-2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm ra quyết định không khởi tố vụ án với lý do hành vi của nhóm này không cấu thành các tội như bà P tố cáo.
Đập nhà xây trái phép thì không phải hủy hoại tài sản
Bà P khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án. Trả lời khiếu nại, Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm nêu rằng căn cứ hồ sơ thì thửa đất do Nhà nước quản lý, hiện trạng do ông C sử dụng. Việc ông C chuyển nhượng không có xác nhận của cơ quan thẩm quyền đã được UBND phường Mỹ Hải kết luận hồi năm 2011. Do đó, thửa đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2016, ông D xây ngôi nhà trên khu đất và đã bị UBND phường Mỹ Hải ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ vì xây dựng không phép.
Theo Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm, căn nhà xảy ra tranh chấp là công trình xây dựng không phép, không đúng theo quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Vì vậy, nhà và đất ở này không được xem là chỗ ở hợp pháp nên không phát sinh hành vi xâm phạm chỗ ở.
Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm còn nêu rằng người chiếm giữ nhà cam kết bàn giao, tạo điều kiện cho bà P lấy lại tài sản trong căn nhà đang xảy ra tranh chấp.
Cùng quan điểm, VKSND TP Phan Rang - Tháp Chàm cho rằng đây là tranh chấp dân sự, do tòa án giải quyết nếu các bên có yêu cầu.
Hành vi xâm phạm tài sản cần bị xử lý theo quy định
Hành vi đập phá, chiếm giữ căn nhà không phép của bà P là không đúng quy định pháp luật, nếu thiệt hại tài sản trên 2 triệu đồng thì có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS năm 2015.
Ngoài ra, nhóm người này còn có hành vi phá cửa, đập phá tài sản trong nhà của bà P, tức là đã có thiệt hại tài sản trên thực tế. Hành vi xâm phạm tài sản của người khác như vậy cũng cần được xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư HOÀNG KIM MINH CHÂU, Đoàn Luật sư TP.HCM