Nhận diện cơ hội và thách thức của Ấn Độ trước nỗ lực trở thành 'công xưởng' mới của thế giới

(PLO)- Các nhà quan sát nhận định rằng Ấn Độ có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) để trở thành "công xưởng" mới của thế giới, song vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo hãng tin Bloomberg, việc hãng Apple thông báo bắt đầu lắp ráp các mẫu điện thoại thông minh tại Ấn Độ được cho là bước đột phá của chiến lược “Made in India”, song để nước này trở thành “công xưởng” mới của thế giới thay thế Trung Quốc (TQ) thì chính quyền New Delhi vẫn còn phải đối mặt nhiều thách thức phía trước.

Ấn Độ tận dụng các lợi thế để thu hút nhà đầu tư

Theo Bloomberg, căng thẳng địa chính trị giữa TQ với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, và việc Ấn Độ có mối quan hệ ngoại giao tốt với các nước như Úc, Nhật, Hàn Quốc được xem là một trong những lợi thế giúp Ấn Độ thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vào lĩnh vực công nghệ, lĩnh vực được xem là thế mạnh của nước này.

Trước các ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại TQ có xu hướng chuyển dịch nguồn vốn đến các thị trường ổn định và an toàn. Theo đó, Ấn Độ đã tận dụng cơ hội này và thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đáng kể.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại đảo Bali, Indonesia hồi tháng 11-2022. Ảnh: AFP

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại đảo Bali, Indonesia hồi tháng 11-2022. Ảnh: AFP

Theo tờ The India Times, ước tính trong năm 2022, Ấn Độ đã thu hút được khoảng 83,6 tỉ USD vốn FDI, cao hơn mức 82 tỉ USD của năm 2021.

Một trong những nguyên nhân giúp Ấn Độ đạt được thành tựu trên là sự thay đổi trong chính sách đất đai, vốn là mối e ngại cho các nhà đầu tư khi quyết định chuyển vốn vào một đất nước nào đó.

Theo đó, Ấn Độ đã quyết định thay đổi một số điểm trong chính sách đất đai của mình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, chính quyền New Delhi đã thông qua kế hoạch cung cấp đất đai tại các khu vực bỏ trống hoặc tại các đặc khu kinh tế (SEZ) dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời cam kết cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng cho các nhà đầu tư khi họ quyết định bỏ vốn vào thị trường Ấn Độ.

Ngoài ra, chính quyền New Delhi còn nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng địa phương nhằm tạo ra động lực để thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước phát triển, đặc biệt là các ngành tiềm năng như như công nghệ thông tin, tài chính, sản xuất hàng tiêu dùng, viễn thông..., qua đó tạo ra nguồn lực để các nhà đầu tư chú ý và quyết định đầu tư.

Ngoài những yếu tố trên, theo Bloomberg, việc Ấn Độ giữ vai trò là Chủ tịch G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) trong nhiệm kỳ mới cũng phần nào giúp chính quyền New Delhi tạo được niềm tin với các nhà đầu tư.

Cụ thể, vị trí trên đã giúp Ấn Độ nâng cao vị thế, uy tín không chỉ đối với các nước trong khối G20 mà còn với các nước khác trên trường quốc tế. Đây là cơ hội quan trọng để Ấn Độ quảng bá những thành tựu về văn hóa và kinh tế của mình, nhằm thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài.

Bloomberg dẫn lời các nhà quan sát nhận định rằng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, việc Ấn Độ nỗ lực tập trung vào những thách thức toàn cầu sẽ là một tiêu chí khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm và tin tưởng nhiều hơn vào thị trường này.

Thách thức của Ấn Độ trong việc trở thành "công xưởng" của thế giới

Theo Bloomberg, dù sở hữu được nhiều lợi thế về vốn và nguồn lực sản xuất, song giới phân tích nhận định rằng Ấn Độ vẫn vấp phải nhiều thách thức để có thể thay thế TQ trở thành "công xưởng sản xuất" mới của thế giới.

Cụ thể, chiến dịch “Made in India” mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố hồi năm 2014, với mục tiêu tăng xuất khẩu và tạo thêm công ăn việc làm vẫn chưa đủ sức mạnh để thúc đẩy sản xuất của Ấn Độ tăng trưởng. Theo đó, tỉ trọng các ngành sản xuất tại nước nầy vẫn giữ mức 14% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây là một con số khá cao, nhưng nó đã không đạt được mức tăng trưởng mong muốn - 25% trong suốt nhiều thập niên.

Thêm vào đó, dù đã nỗ lực tập trung vào chính sách việc làm, song tỉ lệ thất nghiệp của người dân luôn ở mức cao. Điều này đã phần nào ảnh hưởng rất nhiều tới các nỗ lực đầu tư và phát triển lao động của chính quyền New Delhi.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Amitendu Palit - nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế tại ĐH Quốc gia Singapore cho biết để các nhà đầu tư nước ngoài chuyển nguồn vốn từ TQ vào Ấn Độ thì New Delhi cần nỗ lực nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề trong nước.

Cụ thể, ông Palit nói rằng để thu hút được nguồn đầu tư ngoại tệ, Ấn Độ cần tạo được chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn, đồng thời cần chứng minh được nước này là nơi có chi phí sản xuất thấp và có nhiều điều kiện thuận lợi để làm kinh doanh, thay vì chỉ đơn giản là dựa vào các yếu tố chính trị và an ninh để thu hút đầu tư.

Theo Bloomberg, để có thể hướng tới mục tiêu trở thành công xưởng sản xuất mới của thế giới, chính quyền của Thủ tướng Modi cần nỗ lực hơn nữa trong việc đưa ra nhiều sửa đổi trong các chính sách của mình, trong đó có luật lao động, khuyến khích tạo thêm nhiều việc làm nhằm giảm tỉ lệ thất nghiệp, và cần đảm bảo vấn đề đất đai cho các doanh nghiệp sản xuất. Nếu làm được như vậy, Ấn Độ có thể đạt được mục tiêu mà mình mong muốn vào cuối thập niên này.

Ấn Độ đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới

Cuối tháng 12, hãng Reuters đưa tin dù đối mặt nhiều thách thức lớn như đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine, song kinh tế Ấn Độ vẫn đi đúng hướng và được cho là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ông Abhijit Mukhopadhyay - nhà kinh tế học thuộc Chương trình Kinh tế và Phát triển của Quỹ Nghiên cứu các nhà Quan sát (ORF) nhận định rằng trong năm qua những mốc tăng trưởng tại Ấn Độ được coi là một tín hiệu tốt, đó là lý do tại sao Ấn Độ có thể thu hút được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài.

Theo Reuters, Ấn Độ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2022, dù gặp phải nhiều thách thức từ cục diện thế giới phức tạp làm rung chuyển thị trường. Các khảo sát gần đây của Công ty phân tích thị trường S&P Global cho thấy Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Nhật và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong năm 2030.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm