Chiều 14-7, báo Thanh Niên phối hợp với Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam (VN) tổ chức buổi tọa đàm “Nhận diện đa cấp bất chính” (ĐCBC). Tham dự tọa đàm có đại diện Bộ Công Thương, Công an TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM, Hội Sinh viên TP.HCM cùng phụ huynh, các sinh viên từng là nạn nhân của những tổ chức ĐCBC.
Vướng vào đa cấp gần như mất hết
“Tôi từng vướng vào ĐCBC và gần như mất hết tất cả từ tiền bạc, thời gian, danh dự, cả sức khỏe của tuổi trẻ. Vào đó, tôi hoàn toàn không phải là chính tôi mà là một con người khác, mất hết lý tưởng và lao vào công cuộc kiếm tiền quên luôn cả đạo đức”. Đây là tâm sự của T., sinh viên một trường đại học ở TP.HCM, tại buổi tọa đàm.
T. kể: “Năm 2017, khi em mới bước chân vào giảng đường đại học, nghe theo lời nhóm bạn, em đã trở thành nạn nhân của tổ chức ĐCBC. Cũng chính vì những lời có cánh, nào là chỉ trong vòng một năm sẽ trở nên giàu có, sẽ có tất cả nên em đã đóng gần 400 triệu đồng vào ĐCBC. Ba năm bước chân vào ĐCBC, em hầu như không làm được gì ngoài chuyện phải nghĩ cách lôi kéo, lừa người khác vào đa cấp để kiếm tiền”.
Anh NTB, có con vướng vào một nhóm ĐCBC, đã đi từ miền Trung vào tham gia buổi tọa đàm. Anh B. cho biết con gái anh đang theo học một trường đại học ở TP.HCM. Nghe con báo nhận được suất học bổng ở Phần Lan, anh đã tìm cách vay mượn hơn 400 triệu đồng để cho con đi du học. Lúc đi, anh đưa con đến tận sân bay và nhận cuộc gọi của con mỗi ngày, thế nhưng đây chính là thủ đoạn tinh vi của đa cấp biến tướng. Nhóm này vạch ra kịch bản để bày con anh lừa gia đình chứ thực chất con anh không hề nhận được học bổng nào để đi du học.
“Qua bao nhiêu ngày thuyết phục, nay con đã về nhà và tôi sẽ giúp con tôi tránh xa ĐCBC. Tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để chặn đứng đường dây ĐCBC này” - anh B. mong muốn.
Những nạn nhân chia sẻ thông tin khi vướng vào đa cấp bất chính. Ảnh: N.HIỀN
Cách nhận diện đa cấp bất chính
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cho biết ĐCBC có bốn biểu hiện cần nhận diện: Thứ nhất, hoạt động không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp. Thứ hai, sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo. Thứ ba, kinh doanh mà không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia. Thứ tư, thổi phồng những thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.
“Các sinh viên nói riêng và những người muốn kinh doanh vào đa cấp nói chung phải trả lời ba câu hỏi trước khi muốn tham gia một doanh nghiệp (DN): DN mình tham gia có phải hoạt động bán hàng đa cấp hay chỉ là tổ chức lừa đảo; DN đã được cấp giấy chứng nhận chưa; DN có biểu hiện hoạt động bán hàng ĐCBC hay không. Khi biết đầy đủ thông tin và xác định được DN mình muốn vào không phải là ĐCBC thì hãy tham gia” - ông Trịnh Anh Tuấn khuyến cáo.
Giúp sinh viên không vướng vào đa cấp Theo ghi nhận của ĐH Quốc gia TP.HCM thì hầu hết nạn nhân là sinh viên năm nhất. Các tổ chức ĐCBC thường đánh vào tâm lý non nớt vừa rời khỏi gia đình để lôi kéo các bạn sinh viên. Trong nhiều năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM có lồng ghép nội dung cảnh giác về đa cấp biến tướng vào các buổi sinh hoạt công dân đầu khóa. PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM |