Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết gần đây trên các phương tiện truyền thông có một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh đa cấp thực hiện tuyển dụng nhân viên nhưng có nhiều biểu hiện trái pháp luật.
Thu nhập hấp dẫn
Các DN này có những biểu hiện chung như đầu tiên là đăng các nội dung quảng cáo trên Internet như website về việc làm, Zalo, Facebook… về việc tuyển dụng nhân sự với các tiêu chí rất chung chung, dễ đáp ứng nhưng lại rất hấp dẫn về thu nhập.
Ví dụ như tuyển nhân viên kinh doanh lương 10 triệu đồng/tháng không cần kinh nghiệm, bằng đại học, thời gian làm việc linh động. Hay tuyển cộng tác viên online làm ca 4 tiếng/ngày thu nhập 6 triệu đồng/tháng chưa kể hoa hồng…
Khi nộp hồ sơ, các ứng viên được hẹn phỏng vấn nhưng thực chất để các nhân viên của DN tiếp cận làm thân và lấy sự tin tưởng của người đang tìm việc. Sau đó, những nhân viên này vẽ một tương lai tươi sáng thu nhập hàng trăm triệu một tháng cùng những chuyến du lịch, đào tạo tại nước ngoài làm cho các ứng viên muốn tham gia.
Nhân viên tuyển dụng bằng nhiều biện pháp, kể cả dụ dỗ và ép buộc người xin việc nộp các khoản tiền rất lớn với nhiều lý do như phí đào tạo kỹ năng bán hàng, mua tài liệu kinh doanh… Sau khi đã nộp tiền, người tham gia có thể nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để khuyến khích họ tuyển thêm người khác. Hoặc chính họ tiếp tục nộp thêm tiền có vị trí kinh doanh với mức hoa hồng cao hơn…
Trường hợp muốn khiếu nại về các khoản phí đã nộp, nạn nhân thường không có các chứng từ giao dịch với DN, các biên lai hay phiếu thu nộp tiền đều không có dấu của DN.
Bảo vệ mình như thế nào?
Để hạn chế những thiệt hại không đáng có thứ nhất, người tiêu dùng cần kiểm tra DN đang tuyển dụng đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh theo phương thức đa cấp hay chưa?
Thứ hai, trong các giao dịch đối với DN bán hàng đa cấp đã được cấp giấy chứng nhận, người tiêu dùng cần ký và lưu giữ hợp đồng bằng văn bản để có cơ sở yêu cầu DN đảm bảo các quyền và lợi ích trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp...
Đặc biệt là các giao dịch liên quan đến tiền, mua bán hàng hóa… phải có dấu xác nhận của DN trên các tài liệu, chứng từ giao dịch để tránh việc các DN này thoái thác. Hoặc không thừa nhận các giao dịch trên khi có tranh chấp với người tham gia bán hàng đa cấp.
Ngoài ra, người tham gia cần phải từ chối các giao dịch không đảm bảo các yếu tố rõ ràng. Ví dụ, khi bị yêu cầu nộp tiền thanh toán cho DN nhưng đối tượng nhận chuyển khoản lại là số tài khoản của cá nhân; nộp tiền mua hàng nhưng không có hóa đơn đỏ, biên lai có dấu DN…
Thứ ba, các biểu hiện về hành vi vi phạm pháp luật của DN kinh doanh đa cấp: DN hoặc nhân viên của DN yêu cầu người chưa tham gia phải đóng một khoản tiền nhất định như phí đào tạo, đồng phục, nộp phí tuyển dụng… Nếu không nộp người đăng ký tham gia không được ký hợp đồng bán hàng đa cấp.
Hoạt động của DN chỉ tập trung việc tuyển dụng người tham gia, không chú trọng vào bán sản phẩm hoặc mua bán hàng hóa chỉ mang tính hình thức. Nên các DN này thường sẽ trả cho người tham gia nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu, dụ dỗ người khác tham gia vào…
Các DN này chỉ tập trung giới thiệu các khoản hoa hồng như cho xem hình chụp số dư tài khoản, giao dịch chuyển khoản tiền giá trị cao vài chục hoặc vài trăm triệu. Hoặc giới thiệu chỉ cần đầu tư một vài tháng là có thu nhập khủng vài chục triệu hay ngàn USD tháng, đổi đời nhanh chóng và hưởng các du lịch các nước…
Hiện nay, chỉ có 22 DN bán hàng đa cấp đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 40. Danh sách các doanh nghiệp được cập nhật trên website vcca.gov.vn. Các tổ chức hay DN khác không có tên trong 22 DN nêu trên có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Người dân không tham gia để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý. |