Nhận diện những rủi ro khi phi công nhảy dù khẩn cấp

(PLO)- Hai phi công trên máy bay Yak-130 gặp sự cố ở Bình Định may mắn không bị thương nghiêm trọng khi nhảy dù, nhưng trong nhiều trường hợp, ghế phóng không hoàn toàn đảm bảo tính mạng của phi công.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như tin PLO đã đưa, hôm 6-11 đã xảy ra vụ rơi máy bay Yak-130 tại đang huấn luyện tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Hai phi công đã nỗ lực cứu máy bay sau khi phát hiện sự cố càng đáp, cố gắng khắc phục nhưng không thành công và buộc phải thoát hiểm bằng ghế phóng.

máy bay Yak-130.jpg
Nơi phát hiện máy bay Yak-130. Ảnh: A.X

Hai phi công trên chiếc máy bay Yak-130 gặp sự cố hôm 6-11 đã may mắn sống sót mà không gặp chấn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thoát hiểm bằng ghế phóng trên máy bay quân sự có thể gây ra nhiều nguy cơ cho phi công.

Ghế phóng – bùa hộ mệnh của phi công

Ghế phóng được coi là một trong những cột mốc lớn nhất trong vấn đề an toàn hàng không thế giới. Cho tới nay, ghế phóng đã giúp cứu mạng hơn 7.500 người trong các sự cố máy bay, theo trang tin War History Online.

Ghế phóng là một hệ thống được thiết kế như biện pháp cuối cùng để cứu phi công trong trường hợp khẩn cấp. Phi công kích hoạt cơ chế phóng bằng cách gạt một cần đặc biệt dưới chân ghế.

Chỉ trong vòng 1 giây, nắp buồng lái mở và một động cơ phản lực sẽ đẩy ghế cùng phi công ra ngoài. Khi thành công rời khỏi buồng lái, phần ghế cứng sẽ tự động tách ra, để lại phần ghế mềm cùng một số thiết bị cần thiết để phi công sinh tồn sau khi tiếp đất. Dù sẽ bung ra để tăng cơ hội phi công tiếp đất an toàn.

Thử nghiệm ghế phóng Martin-Baker.jpg
Một thử nghiệm do kỹ sư hàng không Anh James Martin - người tiên phong trong phát triển ghế phóng - thực hiện năm 1949. Ảnh: GETTY IMAGES

Ý tưởng cứu phi công trong các trường hợp khẩn cấp không phải một yêu cầu mới mẻ đối với ngành hàng không thế giới, nhưng phải đến năm 1930, giải pháp đầu tiên mới được thử nghiệm.

Một số quốc gia và tổ chức tư nhân đã phát triển ghế phóng một cách độc lập. Đến cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, ghế phóng trở thành một trang bị tiêu chuẩn trên máy bay quân sự.

Dù ghế phóng có thể cứu sống các phi công gặp sự cố trên không với tỉ lệ trung bình lên tới 92%, vẫn có những nguy cơ đối với sức khoẻ và tính mạng của phi công.

Những nguy cơ chấn thương khi thoát hiểm bằng ghế phóng

Theo trang tin Ấn Độ Bussiness Today, nguy cơ đầu tiên đối với phi công thoát hiểm bằng ghế phóng xuất phát từ các lực liên quan. Sự cộng hưởng giữa lực đẩy tác động lên ghế phóng và tốc độ cao của máy bay sẽ khiến áp lực tác động lên phi công càng lớn.

Lực tác động lên phi công có thể gấp tới 15-18 lần trọng lượng và khiến phi công chấn thương nặng. Theo một nghiên cứu được Bussiness Today trích dẫn, nguy cơ chấn thương do nhảy dù từ ghế phóng khẩn cấp là 30-50%. Trong một số trường hợp, lực đẩy lớn có thể đột ngột đẩy đầu phi công lệch khỏi trạng thái bình thường, gây ra chấn thương cổ và nhiều tổn thương khác.

Theo trang tin Medical Channel Asia, việc tiếp đất bằng dù cũng có thể gây ra nguy hiểm cho phi công. Các thương tích nghiêm trọng do cú tiếp đất có thể là chấn thương mắt cá, gãy chân. Gần 1/4 các trường hợp thoát hiểm bằng ghế phóng gặp tình trạng hỏng hóc cơ học của dù tiếp đất, gây ra nguy cơ chấn thương nghiêm trọng hơn.

Phi công Mỹ huấn luyện mô phỏng sử dụng ghế phóng.jpg
Một phi công Mỹ tham gia huấn luyện mô phỏng sử dụng ghế phóng. Ảnh: POPULAR MECHANICS

Những sai sót của chính phi công trong quá trình khởi động cơ chế phóng khẩn cấp cũng là nguyên nhân gây thương tích. Điều này đòi hỏi phi công trong quá trình huấn luyện và thao tác thực tế phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn an toàn. Phi công cần giữ người ở tư thế thẳng để giảm áp lực lên cột sống.

Ngoài ra, còn có nguy cơ tổn thương nội tạng hay thiếu oxy, thủng màng nhĩ nếu phi công gặp sự cố ở độ cao quá lớn.

Điểm qua một số trường hợp thoát hiểm bằng ghế phóng

Năm 1966, một chiếc tiêm kích Blackburn Buccaneer gặp sự cố sau khi cất cánh từ tàu sân bay HMS Victorious của Hải quân Hoàng gia Anh. Sau khi thoát hiểm bằng ghế phóng, phi công David Eagles có cảm tưởng như bị đâm mạnh vào sau lưng, bị tổn thương ba đốt sống và phải nằm viện nhiều tháng.

Tháng 6-1989, tại triển lãm hàng không ở Paris (Pháp), phi công huyền thoại Liên Xô Anatoly Kvochur gặp sự cố lái chiếc tiêm kích Mikoyan MiG-29 do động cơ máy bay vô tính hút phải một con chim và bốc cháy.

Máy bay mất thăng bằng và rơi thẳng xuống đất. Phi công Kvochur đã kích hoạt ghế phóng chỉ 2,5 giây trước khi máy bay chạm đất. Ông tiếp đất cách vị trí máy bay nổ khoảng 30 m mà không bị chấn thương nghiêm trọng nào.

Su-30MK gặp sự cố ở Paris 1999.jpg
Tiêm kích Su-30MK của Nga gặp sự cố tại triển lãm hàng không ở Pháp năm 1999. Ảnh: AEROSPORT.HU

Năm 1999, cũng tại triển lãm hàng không Paris, hai phi công Nga trên một chiếc tiêm kích Su-30MK gặp sự cố, thoát hiểm bằng ghế phóng trước khi tiếp đất và bước đi một cách bình thường trước sự kinh ngạc của những người chứng kiến vụ việc.

Ngày 8-5, một máy bay chiến đấu F-16 của Singapore gặp “một vấn đề” trong quá trình cất cánh. Sau khi nhảy dù khẩn cấp và tiếp đất, phi công vẫn tỉnh táo và có thể tự đi lại.

Đối với riêng dòng máy bay Yak-130, tai nạn đầu tiên được ghi nhận là một máy bay Yak-130 bị rơi ở tỉnh Ryazan, gần Moscow (Nga) năm 2006. Cả hai phi công đều an toàn sau thoát hiểm bằng ghế phóng.

Vụ tai nạn đầu tiên liên quan tới máy bay Yak-130 bên ngoài lãnh thổ Nga xảy ra năm 2017. Hai phi công Bangladesh an toàn sau khi nhảy dù khẩn cấp.

Nhưng hôm 9-5 năm nay, một tai nạn tương tự xảy ra với một chiếc máy bay Yak-130 cũng của Bangladesh khiến hai phi công bị thương nặng. Một trong hai phi công đã không qua khỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm