BÀI: “ÁN CHƯA HIỆU LỰC LẠI PHẠM TỘI, CÓ TÁI PHẠM?”

Nhận định nào cũng có thể dẫn đến sai lầm

Tôi cho rằng do BLHS quy định chưa rõ ràng, mặt khác cũng chưa có cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích, nên còn ý kiến khác nhau là lẽ đương nhiên.

Khoản 1 Điều 49 BLHS quy định: “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”. Điều luật chỉ nói “đã bị kết án” chứ không quy định bản án đó đã có hiệu lực pháp luật nên có thể hiểu, ngay sau khi tòa tuyên án, người phạm tội lại phạm một tội mới do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý là đã bị coi là tái phạm.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 49 còn quy định “chưa được xóa án tích” và chính quy định này mà có ý kiến cho rằng muốn xóa án thì chỉ có bản án đã có hiệu lực pháp luật thì mới đặt vấn đề xóa án. Hơn nữa, nếu vụ án bị kháng cáo hoặc bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì phải chờ quyết định của tòa án cấp phúc thẩm mới biết bị cáo có phạm tội hay không và phạm tội gì. Nếu tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội thì việc xác định “tái phạm” đối với tội phạm mới không còn ý nghĩa gì nữa, lại phải kháng nghị để hủy bản án. Nếu tòa án cấp phúc thẩm y án đối với bản án trước nhưng tòa án xét xử vụ án sau lại không xác định người phạm tội tái phạm thì bản án cũng sẽ bị hủy vì đã không coi người phạm tội đã tái phạm.

Như vậy, dù có xác định hay không xác định “tái phạm” thì đều vướng mắc về pháp luật, cả hai trường hợp đều có thể dẫn đến hậu quả là áp dụng sai pháp luật.

Để khắc phục tình trạng này, chỉ có một cách là khi truy tố, xét xử hành vi phạm tội sau khi có bản án sơ thẩm, cơ quan tiến hành tố tụng cần chờ cho bản án có hiệu lực pháp luật rồi hãy kết luận điều tra, truy tố và xét xử. Còn khi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật thì xác định như thế nào cũng có thể dẫn đến sai lầm. Các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương cần hướng dẫn về việc này.

Cạnh đây, tôi có thêm ý kiến rằng TAND huyện Sông Hinh (Phú Yên) nhận định “Bị cáo Nguyễn Y Tin có nhân thân xấu... Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tòa xử phạt Tin một năm tù treo” là hoàn toàn trái pháp luật.

Muốn cho bị cáo được hưởng án treo, người phạm tội phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ và cái rất quan trọng là bị cáo phải có nhân thân tốt. Nhiều năm xét xử, tôi chưa thấy tòa án nào lại xử như vậy cả. Nhận định bị cáo có nhân thân xấu mà lại cho hưởng án treo thì đúng là chưa đọc nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán rồi. Dù có tới bao nhiêu tình tiết giảm nhẹ mà nhân thân xấu thì cũng không thể cho hưởng án treo được.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm