Nhân quyền của Hoa Kỳ qua một cuốn sách

Trong cuốn sách này, chính người Mỹ "tự vạch áo cho người xem lưng" về "lịch sử đế chế" của mình. Đó là điều tôi muốn tìm hiểu, thậm chí là một câu hỏi tôi muốn giải đáp.

Sự hiếu kỳ của tôi bị kích thích hơn nữa khi đọc qua những trang đầu và biết rằng tác giả cuốn sách này viết về những sự kiện mà ông ta là người quan sát trực tiếp, hơn nữa là người trong cuộc. Ông ta phanh phui hậu quả của những công việc mà chính ông ta đã góp phần gây ra khi đóng vai trò là một mắt xích trong hệ thống dây chuyền khổng lồ và vô cùng phức tạp vận hành bởi sự điều khiển rất lạnh lùng và hết sức bí mật.

Bìa bản gốc cuốn sách

Trong vai một sát thủ kinh tế (như tác giả tự nhận), thành viên của Công ty Chas T. Main (MAIN) chịu sự chỉ đạo của tập đoàn trị (cách gọi của tác giả để chỉ chế độ chính trị ở Hoa Kỳ bị chi phối hoàn toàn của các tập đoàn kinh tế) tác giả đã đến nhiều nơi - từ châu Á đến Mỹ Latinh, khu vực Trung Đông và châu Phi. Trải dài theo các câu chuyện là một hành trình của nhận thức và lương tâm từ chỗ phục tùng thụ động và tò mò khám phá đến chỗ day dứt, hối hận và cuối cùng là thức tỉnh, phản đối.

Những câu chuyện về châu Á mở đầu cuốn sách của tác giả. Ông đến đây từ năm 1971, nơi dừng chân và cũng là nơi sống và làm việc khá lâu là Indonesia, bởi vì nước này lúc đó là "chìa khóa quan trọng trong chiến lược của Mỹ". Để hoàn thành công việc mà Công ty MAIN giao - Tiến hành những khảo sát để đưa ra lời tư vấn cho những vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty - Ông phải đến nhiều nơi xa lạ, quan hệ với nhiều hạng người. Đương nhiên đó là những khó khăn, nhưng chính đó lại là những cơ hội giúp cho ông hiểu biết, khám phá ra sự thật về những điều còn nằm dưới nhiều tầng che phủ. Gợi ý đầu tiên cho trí tò mò của ông muốn tìm hiểu phương hướng đầu tư khai thác chủ yếu của Hoa Kỳ ở Indonesia chính là buổi chuyện trò với cô gái nhảy (tiếp viên khách sạn) có tên là Nancy.

Những cô gái nhảy này vốn là con lai bị bỏ rơi sau cuộc chung sống ngắn ngủi giữa các sĩ quan Mỹ với những người đàn bà châu Á kiếm sống tại Indonesia. Hiện họ đang là tình nhân, liên lạc hoặc là gián điệp của những nhân vật tai to mặt lớn trong giới quân sự hay kinh doanh của Mỹ trên đất này. Vì vậy họ trở thành những "người phụ nữ bí ẩn" biết được mọi điều mà những người khác không thể biết.

Hai năm sau đó, trên đảo Sulawesi (ở phía đông Borneo), một vùng "tiềm tàng với nguồn tài nguyên khoáng sản rừng và nông nghiệp phong phú", ông phát hiện sự thật về hậu quả mà chương trình khai thác vùng này của Chính phủ Indonesia với sự đầu tư lớn của Mỹ gây ra. Hậu quả đó là "người dân bản địa bị đuổi ra khỏi mảnh đất mình sinh sống. Đất đai, nền văn hóa của họ bị tàn phá...".

Theo như những ghi chép này, Tổng thống Gerald Ford và Bộ trưởng Henry Kissinger đã có cuộc gặp gỡ với Suharto vào ngày 6/12/1975 và đồng ý với kế hoạch tấn công của ông ta diễn ra một ngày sau đó.

Nhân danh giúp đỡ để khắc phục hậu quả sóng thần nhưng thực chất là để trục lợi: "Khoảng 250 nghìn người tử nạn trước con sóng dữ. Tuy nhiên, những công ty tham gia vào quá trình tái thiết cơ sở hạ tầng (rất nhiều trong đó là các doanh nghiệp Mỹ) lại xem thảm họa này là cơ hội làm giàu cho mình. Con số người chết và tài sản thiệt hại không được đưa vào các thống kê kinh tế nhưng hàng tỉ USD dành để tái thiết lại có tên trong thống kê, tạo nên số liệu hoàn toàn sai lệch".

Tác giả cuốn sách đến Mỹ Latinh vào những năm 70 thế kỷ trước, lúc chủ nghĩa thực dân mới đang tìm cách "thay đổi mô hình" để một mặt che đậy kín đáo hơn, đối phó với phong trào dân tộc đang phát triển mạnh ở nhiều nước, mặt khác, nhằm giữ vững chỗ đứng chân để tiếp tục đầu tư sâu rộng vào các lĩnh vực thu lợi nhuận cao nhất.

Việc trở thành chủ tịch một công ty hùng mạnh nhất ở Bolivia và tiếp đó là việc một công ty Mỹ (Leucadia National Corporation) mời làm chủ tịch một chi nhánh sở hữu toàn phần... đã tạo điều kiện cho tác giả cuốn sách xác lập được nhiều mối quan hệ, đi tới nhiều nơi, mắt thấy tai nghe về nhiều sự kiện. Chẳng hạn, chính trong những cuộc giao tiếp với đại diện của những tập đoàn nước ngoài đầu tư khai thác cũng như đại diện của chính phủ các nước bản địa hợp tác làm ăn với các công ty nước ngoài mà tác giả cuốn sách tường tận những điều bình thường không thể biết như: kế hoạch khổng lồ của các tập đoàn nước ngoài - chủ yếu là Mỹ - đầu tư khai thác nguồn thủy điện ở Lapaz, khai thác nguồn nước ở Bolivia, Ecuado, Venezuela..., nhằm thu lợi nhuận tối đa; sự phối hợp giữa quân đội Mỹ với quân cánh hữu để chống lại quân du kích Liên đoàn cách mạng Guatemala; kế hoạch của Mỹ loại bỏ Saddam; Mỹ tìm cách trao quyền cho các chính phủ chuyên chế ở Mỹ Latinh, lật đổ Tổng thống Allende ở Chile, Mossadegh ở Iran, Arbenz ở Guatemala, Goulart ở Brazil và Qasim ở Iran, hậu thuẫn cuộc đảo chính lật đổ Chavez ở Venezuela...

Nhưng mặt khác, qua nhiều cuộc thương lượng với các tổ chức phi chính phủ, các đại diện của các tổ chức dân tộc, các cơ quan chính quyền địa phương... tác giả cuốn sách lại có dịp khám phá bí mật về một mảng sự thật khác. Đó là sự thật về người dân bản địa bị đàn áp dã man và nền văn hóa bản địa - văn hóa Maya, Incas... - bị vùi dập, tài nguyên bị vơ vét cạn kiệt, môi trường sinh thái bị hủy hoại. Tác giả không quên ghi lại sự cảm nhận của mình về lòng căm phẫn của nhân dân đối với chính sách của Mỹ: "Khi còn là một tình nguyện viên trong tổ chức hòa bình Mỹ, tôi nhận thấy nhân dân Ecuador cũng như người dân các nước láng giềng hết sức phẫn nộ trước sự tàn bạo và thất vọng trước những mâu thuẫn công khai trong chính sách của chúng tôi.

Người vô gia cư biểu tình ở New York

Tác giả cuốn sách dành những lời nhiệt tình, trang trọng để bày tỏ lòng thán phục đối với người dân bản địa về sự thông thái và lòng quyết tâm bảo vệ văn hóa, môi trường của họ. Hơn thế nữa ông dùng lời đẹp đẽ nhất ca ngợi những người lãnh đạo tiêu biểu phong trào dân tộc dân chủ ở Mỹ Latinh: Chavez, Morales, Bachelet... xem họ như là đại biểu cho tương lai sáng sủa của Mỹ Latinh. "Cuộc cách mạng của người Mỹ Latinh không chỉ nhằm trục xuất những kẻ bóc lột ngoại quốc mà đó còn là một phong trào tích cực hướng tới cải cách xã hội, tự do và bình đẳng trên toàn cầu. Xét tổng thể, đó là tiến trình đem lại hòa bình. Ảnh hưởng của nó đã lan rộng khắp hành tinh và đang tạo ra một mô hình kiểu mẫu. Nó đã hoàn thành những mục tiêu cụ thể là dấy lên làn sóng đòi tự do, tự chủ ở nhân dân các nước thuộc địa".

Vùng Trung Đông có sức hút kỳ lạ đối với "tập đoàn trị" và các công ty lớn của Mỹ kể từ lúc dầu mỏ "trở thành nhiên liệu giá trị nhất trong lịch sử phát triển của loài người". Mỹ quyết tâm độc chiếm nguồn nguyên liệu đó. Để quá trình thâm nhập sâu vào vùng này mang vẻ "êm dịu" theo cách của chủ nghĩa thực dân mới, Mỹ thay thế các nhân viên CIA bằng các nhân viên mật vụ làm việc trong khu vực tư nhân. Là người của Công ty MAIN trong vai trò cung cấp các dự báo phục vụ cho việc thiết kế các mô hình công nghiệp, thương mại... để Mỹ khai thác dầu mỏ và các tài nguyên khác ở vùng này, John Perkins tới mọi nơi mà ông muốn và tiếp xúc với tất cả các nhân vật thuộc những hạng người khác nhau mà ông cần.

Cuộc chiến dài giành nguồn dầu lửa của Mỹ ở Trung Đông được ông tái hiện rất sinh động. Đó là những câu chuyện liên quan đến việc Mỹ tổ chức lật đổ Thủ tướng Mohammed Mossadegh ở Iran thay bằng Mohammad Reza Pahlavi (còn gọi là "Shah") thân tín với Tập đoàn Big Oil; việc tạo ra chính phủ bù nhìn bề ngoài đại diện cho đa số người dân nhưng thực tế là chỗ dựa của Mỹ (ở Iran, Jordan, Arập Xêút, Kuwait, Ai Cập, Israel), việc Mỹ dựa vào "đồng minh thứ nhất" là Israel trong cuộc chiến tranh 6 ngày để bảo vệ quyền tối cao của đồng USD, nhưng đồng thời lại khôn khéo lợi dụng sự bất bình của người dân Ai Cập thành điều có lợi cho mình...

Với thái độ khách quan John Perkins ghi lại sự phản ứng của các nhân vật tiêu biểu cho tinh thần dân tộc ở các nước Trung Đông đối với chính sách của Mỹ. Chẳng hạn, lời tố cáo Mỹ của một giáo sư Thổ Nhĩ Kỳ: "Các người xuyên tạc, nói dối và ăn trộm, tất cả chỉ vì dầu mỏ thôi". "Đối với các người, Israel chỉ để thống trị và khai thác dầu lửa. Đối với những người Do Thái, đó là một giấc mơ viển vông. Đối với những người Palestine, đó là quê hương của họ, miền quê mà họ buộc phải từ bỏ. Đối với những quốc gia Arập, đó là một pháo đài của kẻ thù được xây dựng trên đất của người Arập. Đối với những người theo đạo Hồi trên khắp thế giới, Israel là lời lăng mạ, nhục nhã, một lý do cho tất cả chúng tôi căm ghét các người".

Ông thẳng thắn trình bày suy nghĩ về việc Mỹ gia tăng bán vũ khí cho các nước Trung Đông: "Tập đoàn trị" ngày càng phát triển mau chóng trong một nền kinh tế dựa vào việc sản xuất thiết bị phục vụ quân sự. Những công ty phục vụ quân đội của Mỹ nằm trong số những ngành tạo ra lợi nhuận lớn nhất thế giới". "Sức tiêu thụ về vũ khí đã đạt đến mức cao trên toàn cầu; tình trạng chính trị của một quốc gia thường được đo bằng độ lớn của kho vũ khí mà họ sở hữu" v.v...

Lục địa châu Phi cũng chiếm một dung lượng đáng kể trong quyển sách của J.Perkins khi ông kể lại trung thực những sự kiện tiêu biểu nhất qua sự trải nghiệm của chính mình. Ví dụ: câu chuyện về sự thỏa hiệp của Anh cho Chính phủ Mỹ thuê Diego Garcia để xây dựng căn cứ quân sự "đóng vai trò cốt lõi trong việc thiết lập ảnh hưởng của đế quốc Mỹ". Căn cứ này là "ngôi nhà" khổng lồ chứa B52 và sau đó là máy bay tàng hình hạng nặng B-2 (Stealth) được sử dụng cho các cuộc đánh bất ngờ vào Trung Đông, Ấn Độ, Afghanistan và châu Phi...

Đồng thời trong cuốn sách, John cũng tái hiện trung thực những sự kiện tiêu biểu qua sự trải nghiệm của người khác: Chẳng hạn, qua lời kể của Jenny William - một người làm việc cho một tổ chức phi chính phủ - để nói về một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng đói nghèo còn bám dai dẳng vào châu Phi.

Theo đánh giá của nhân chứng này thì mặc dù các tổ chức phi chính phủ "đã cung cấp giếng nước, hệ  thống vệ sinh, trang thiết bị giáo dục và nguồn lương thực thực phẩm" cho người dân, nhưng các hoạt động từ thiện đó "chỉ là những công cụ trong kho vũ khí của người phương Tây và chúng được sử dụng không phải vì mục đích từ thiện mà là nhằm mục đích kiểm soát". Bởi vì các hoạt động đó đã kích thích lối sống tiêu dùng ("chủ nghĩa mua sắm"), tuyên truyền lối sống Mỹ  (Coca-cola, cà phê hòa tan - thay cà phê hột trồng trong nước), "Những giá trị của phương Tây đã làm đảo ngược mọi niềm tin về văn hóa và đẩy các hệ thống kinh tế vào tình trạng bất ổn định".

Hoặc chẳng hạn, qua lời kể của đôi trai gái Greg Flatt và Cindy Hellman người của Tổ chức Hòa bình Xanh, sau đó là thành viên của Tổ chức USAID (tổ chức cứu trợ Mỹ) - nông dân Mali đã thiệt hại lớn do các xí nghiệp sản xuất sợi bông của Mỹ gây ra. Họ kết luận: "Bề ngoài những tổ chức phát triển (của Mỹ - TQT)  là những tổ chức từ thiện... Tuy nhiên, những chiến dịch công khai của họ thực chất là phục vụ việc che giấu những nỗ lực thực sự của họ trong việc kiểm soát nguồn nhân lực và nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời thống lĩnh toàn bộ các thị trường".

Phác họa một bức tranh về châu Phi  triền miên trong thảm trạng của nạn đói và nạn hạn hán thường xuyên, chính quyền nhiều quốc gia yếu kém; người dân bị đẩy vào tình trạng bạo lực, mâu thuẫn sắc tộc và các cuộc nội chiến...". Ông đưa ra câu giải đáp về nguyên nhân của thảm trạng nêu trên: "Gốc rễ của chúng bắt nguồn từ chế độ thực dân, mở đầu thời kỳ khai thác thuộc địa và tiếp diễn suốt nửa đầu thế kỷ XX".

Lúc đang đọc cuốn sách của John Perkins, tai tôi nghe Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Ngày 11/3/2010, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2009, trong đó có những đánh giá rất lệch lạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Hành vi của Bộ Ngoại giao Mỹ gây cho tôi cảm xúc hoàn toàn trái ngược với cảm xúc mà cuốn sách của John Perkins đã đem lại cho tôi. Bởi vì, nếu sự hối hận của John (cũng là của hàng triệu người Mỹ) về hậu quả do hành động tội ác của mình đã gây ra là dấu hiệu của cái THIỆN (lòng hướng thiện), là thông điệp của sự quyết tâm đoạn tuyệt những lỗi lầm trong quá khứ, là biện pháp hữu hiệu để khép chặt cánh cửa không cho hành vi tội ác trở lại... thì sự cố chấp, thái độ dương dương tự đắc thể hiện trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ là cái hoàn toàn ngược lại...

Tôi bỗng nhớ câu của C.Mác từ cách đây hơn 100 năm: “Một dân tộc đi áp bức một dân tộc khác thì dân tộc đó không có tự do”. Cũng có thể hiểu là: một nước chà đạp (hay áp đặt tiêu chí nhân quyền của mình) lên nước khác thì nước đó tự hạ thấp nhân quyền của mình.

Khi tranh cử và nhậm chức Tổng thống nước Mỹ, ông Obama nhiều lần nói: “Nước Mỹ đã đến lúc phải thay đổi”. Tôi tin rằng ông trở thành Tổng thống nước Mỹ là nhờ các lá phiếu ủng hộ khẩu hiệu ấy và tôi cho rằng cái mà nước Mỹ cần thay đổi trước hết là thái độ, hành vi đối với vấn đề nhân quyền.

Theo Thanh Thảo (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới