Ông Michael Flynn là cố vấn cấp cao của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 và được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia ngày 23-1-2017 nhưng nhiệm kỳ chỉ kéo dài 24 ngày - ngắn nhất lịch sử Mỹ.
Lý do ông Flynn bị sa thải vì bị phát hiện ông khai dối Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence về bản chất và nội dung liên lạc của mình với Đại sứ Nga Sergey Kislyak.
Ông Flynn bị FBI thẩm vấn một ngày sau khi nhậm chức
Chuyện ông Flynn có liên hệ với đại sứ Nga và nội dung liên hệ (đề nghị Nga không trả đũa việc chính phủ Tổng thống Barack Obama trừng phạt Nga liên quan cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ) được một nhân vật Nhà Trắng tiết lộ với báo Washington Post.
Ông Flynn bị FBI thẩm vấn vào ngày 24-1-2017, một ngày sau khi nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia. Ngày 1-12-2017, ông Flynn ra hầu tòa và nhận tội theo thỏa thuận giảm nhẹ với FBI. Tuy nhiên, sau một thời gian hợp tác điều tra với FBI, ông Flynn rút lại lời nhận tội. Đầu tháng 5, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo rút mọi cáo buộc với ông Flynn nhưng thẩm phán Emmet Sullivan phụ trách vụ ông này chưa xử lý.
Vụ án ông Michael Flynn đang trong trạng thái treo sau khi Bộ Tư pháp rút cáo buộc với ông. Ảnh: CNN
Vậy ai đứng đằng sau chuyện FBI điều tra ông Flynn?
Theo tài liệu mà đàiCBS thu thập được ngày 19-5 thì người đó là ông James Comey - Giám đốc FBI thời chính phủ ông Obama.
Tiến trình quá nhanh
Theo tài liệu, ông Comey nói với Tổng thống Obama và nhiều quan chức chính phủ rằng “Cố vấn an ninh cấp cao sắp tới Flynn trao đổi thường xuyên với Đại sứ Nga Kislyak”. Câu này được ông Comey nói ra trong một cuộc họp và có thể hiện trong một văn bản nội bộ ngày 20-1-2017 do cố vấn an ninh quốc gia khi đó là bà Susan Rice viết.
Giám đốc FBI James Comey (trái) lo ngại việc ông Michael Flynn (phải) “trao đổi thường xuyên” với phía Nga. Ảnh: GETTY IMAGES
Văn bản nội bộ của bà Rice muốn nói đến cuộc họp Nhà Trắng ngày 5-1-2017, sau “một báo cáo của lãnh đạo (tình báo) về việc Nga tấn công mạng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016”. Văn bản nội bộ này do Quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) Richard Grenell công bố. Bà Rice là người tiền nhiệm của ông Flynn.
Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo văn bản nội bộ này, Giám đốc FBI Comey thừa nhận ông “tới giờ không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Flynn đã chuyển thông tin mật cho ông Kislyak”.
Dù không có chứng cứ nhưng ông Comey có đặt câu hỏi về liên lạc giữa ông Flynn với đại sứ Nga “có thể là một vấn đề?”.
Ông Flynn và Đại sứ Nga Kislyak điện đàm với nhau 5 lần trong tháng 12-2016, sau khi Tổng thống Obama ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố trừng phạt Nga vì cố gắng can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Các cuộc điện đàm này bị FBI giám sát. Trong các cuộc điện đàm này, ông Flynn đã nói đại sứ Nga không nên leo thang căng thẳng và phía Nga đã đồng ý.
Ông Michael Flynn (trái) và Đại sứ Nga Sergey Kislyak. Ảnh: ABC
“Mức độ giao tiếp là bất thường” - ông Comey nói với Tổng thống Obama, theo văn bản nội bộ của bà Rice.
Người đứng đầu FBI lúc đó không nói rõ “bất thường” gì. Tuy nhiên, sự việc diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Nga đang căng thẳng ngoại giao, chính phủ ông Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và trừng phạt nước này vì cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
“Tổng thống Obama đã hỏi liệu có phải ông Comey nói rằng Hội đồng An ninh Quốc gia không nên chuyển thông tin nhạy cảm liên quan đến Nga cho ông Flynn. Ông Comey trả lời “có khả năng”” - thể theo văn bản nội bộ của bà Rice.
Có thể thấy từ lúc ông Comey nói lên lo ngại của mình cho đến ngày FBI chính thức thẩm vấn ông Flynn quá nhanh, chỉ chưa tới 20 ngày (từ ngày 5-1 đến 24-1-2016).
Ông Comey bị Tổng thống Trump sa thải tháng 5-2017.
Diễn biến mới nhất vụ án ông Flynn Ngày 19-5, luật sư của ông Flynn gửi kiến nghị lên tòa phúc thẩm thủ đô, đề nghị tòa buộc thẩm phán Emmet Sullivan rời vụ án và xúc tiến bỏ cáo buộc với ông Flynn. Luật sư của ông Flynn cáo buộc thẩm phán Sullivan thành kiến với ông Flynn. Bộ Tư pháp Mỹ rút cáo buộc với ông Flynn và yêu cầu thẩm phán Sullivan hủy bỏ vụ án từ ngày 7-5. Thường thì các thẩm phán thực hiện theo kiến nghị của Bộ Tư pháp, nhưng cũng có quyền từ chối. Như vậy, thẩm phán Sullivan hoàn toàn có thể bỏ qua yêu cầu của Bộ Tư pháp và xúc tiến tuyên án với ông Flynn. Thẩm phán Sullivan trước nay được biết là người có tính độc lập rất cao trong công việc. Ngày 12-5, ông cho biết sẽ lên lịch nhận các bản góp ý từ các bên khác nhau có liên quan đến vụ việc trước khi ra quyết định có làm theo ý của Bộ Tư pháp hay không. |