Ngày 13-5, hai thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley và Ron Johnson đã công khai danh sách các quan chức thời chính phủ Tổng thống Barack Obama có liên quan đến vụ việc ông Michael Flynn, đài NPR đưa tin.
Danh sách này được Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Richard Grenell gửi đến hai nghị sĩ Grassley và Johnson ngày trước đó.
Các quan chức này đã yêu cầu được tiếp cận thông tin tình báo và người cung cấp thông tin tình báo về ông Flynn cho mình, theo DNI. Trong lưu ý gửi đến các nghị sĩ, DNI và ông Grenell có nói mình không rõ người nào đã thật sự đọc các thông tin đó.
Phe Cộng hòa đòi giải thích
Trong 28 quan chức có tên trong danh sách có rất nhiều cái tên quan trọng: Chánh Văn phòng nội các Denis McDonough, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power…
Danh sách 28 quan chức thời Obama liên quan vụ ông Flynn. Ảnh: chụp từ màn hình NPR
Đặc biệt cuối danh sách có tên cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Theo danh sách thì ông Biden nhận thông tin từ DNI vào ngày 11-1-2017 – 9 ngày trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống.
Ông Biden gần như chắc chắn sẽ được đảng Dân chủ đề cử đại diện đảng ra cạnh tranh với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.
Danh sách 28 quan chức thời Obama liên quan vụ ông Flynn. Ảnh: chụp từ màn hình NPR
Hai ông Grassley và Johnson yêu cầu các cá nhân có tên trong danh sách giải thích.
“Các quan chức có tên trong danh sách cần xác nhận họ có đọc thông tin đó hay không, tại sao họ yêu cầu cung cấp và họ đã làm gì với nó, cũng như trả lời nhiều câu hỏi khác được đặt ra theo các tiết lộ gần đây. Chúng tôi không khai nó vì người Mỹ có quyền được biết điều gì đã xảy ra” – NPR dẫn tuyên bố của hai nghị sĩ Grassley và Johnson.
Tiết lộ thông tin mật là trái luật, và danh sách này có thể là bước đầu tiên dẫn tới khả năng khởi tố (ít nhất về lý thuyết) nhân vật trong Nhà Trắng đã cung cấp thông tin về ông Flynn cho báo Washington Post những ngày cuối nhiệm kỳ của chính phủ Obama.
Danh sách 28 quan chức thời Obama liên quan vụ ông Flynn. Ảnh: chụp từ màn hình NPR
Theo quy định, các cơ quan tình báo Mỹ thường giữ kín tên các cá nhân Mỹ liên quan việc can thiệp các cuộc hội thoại của các quan chức nước ngoài. Tuy nhiên các quan chức cấp cao có quyền yêu cầu được cung cấp thông tin tình báo và thông tin về các cá nhân này.
Nếu chỉ yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân cung cấp thông tin tình báo thì không sao. Tuy nhiên, nếu người nhận sử dụng các thông tin này vì mục đích chính trị có thể sẽ bị quy phạm tội và bị khởi tố.
Tên ông Biden nằm cuối danh sách 28 quan chức thời Obama liên quan vụ ông Flynn. Ảnh: chụp từ màn hình NPR
Ngay trong ngày, đội tranh cử của ông Biden gọi đây là trò biểu diễn chính trị nguy hiểm, là nỗ lực của Nhà Trắng để làm người dân Mỹ xao lãng khỏi cách chính phủ phản ứng yếu kém trước đại dịch COVID-19. Ngày 12-5 ông Biden nói với đài ABC là ông không biết gì về cuộc điều tra ông Flynn và cáo buộc chính phủ Trump lợi dụng vụ ông Flynn để chuyển hướng chỉ trích về cách xử lý đại dịch COVID-19.
Đòn tấn công chính trị
Suốt thời gian qua các đồng minh của ông Flynn thường xuyên cáo buộc các quan chức thời Obama rò rỉ thông tin về ông Flynn, gọi đây là một đòn tấn công chính trị, một sự lạm dụng quyền lực.
Câu chuyện bắt đầu từ hơn 3 năm trước vào những ngày cuối nhiệm kỳ của chính phủ Obama, khi một quan chức Nhà Trắng tiết lộ với báo Washington Post rằng ông Flynn có gặp và nói chuyện với đại sứ Nga tại Mỹ khi đó là ông Sergey Kislyak. Sự việc diễn ra trong thời điểm ông Donald Trump đã đắc cử tổng thống, nội dung cuộc nói chuyện chủ yếu bàn về các lệnh trừng phạt của chính phủ Obama với Nga liên quan việc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Cựu Tổng thống Joe Biden. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong khoảng cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 ông Flynn và đội chuyển tiếp của ông Trump bắt đầu có nhiều liên hệ với nhiều nhà ngoại giao nước ngoài - nhiều người trong số này là các mục tiêu bị giám sát.
Ngày 29-12-2016 ông Flynn điện đàm với đại sứ Nga Kislyak, đề nghị ông Kislyak nói chính phủ Nga không trả đũa các lệnh trừng phạt mà chính phủ ông Obama áp lên Nga. Sau đó Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ không trả đũa.
Các cuộc giao tiếp của đại sứ Kislyak bị giám sát, và các quan chức thời Obama biết được nội dung cuộc hội thoại giữa ông với ông Flynn.
Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Ảnh: AP
Ông Flynn bị sa thải không lâu sau khi nhậm chức Cố vấn an ninh quốc gia chính phủ ông Trump, vì bị phát hiện nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về liên hệ của mình với đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak. Ông Flynn sau đó bị FBI điều tra và đã nhận tội. Tuy nhiên sau một thời gian hợp tác với cuộc điều tra của FBI ông Flynn rút lại lời luận tội. Gần đây Bộ Tư pháp Mỹ rút lại các cáo buộc với ông Flynn, đề nghị tòa án hủy bỏ vụ án nhưng thẩm phán phụ trách phiên tòa chưa đồng ý.
Bản thân Tổng thống Trump từng nói muốn ân xá cho ông Flynn và mời ông quay lại làm việc trong Nhà Trắng. Phó Tổng thống Pence nói ông không nghĩ ông Flynn cố tình nói dối ông.
Ngày 13-5, thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói ông muốn có thêm thông tin rằng ngoài ông Flynn thì còn ai nữa trong đội ngũ ông Trump có liên hệ với các quan chức nước ngoài.