Tại cuộc họp báo ngày 11-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa chỉ trích nặng nề cựu Tổng thống Barack Obama.
Bối cảnh câu chuyện như sau: Ngày 10-5 ông Trump có hàng loạt phát ngôn trên Twitter cáo buộc ông Obama đứng đằng sao cuộc điều tra nghi ngờ đội tranh cử của ông thông đồng với Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trên Twitter, ông Trump cáo buộc ông Obama “đã dùng những tuần tại nhiệm cuối cùng của mình để nhắm đến các quan chức chuẩn bị nhậm chức và phá hoại chính phủ mới”.
Ông Trump và ông Obama tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 20-1-2017 - ngày ông Obama hết nhiệm kỳ và ông Trump nhậm chức tổng thống. Ảnh: GETTY IMAGES
Trên một dòng tweet ông Trump cáo buộc ông Obama đã phạm “tội ác chính trị lớn nhất trong lịch sử Mỹ, tới lúc này”.
Sang cuộc họp báo ngày 11-5, nhà báo Philip Rucker của báo Washington Post đã hỏi ông Trump: “Ông cáo buộc Tổng thống Obama đã phạm chính xác tội gì và ông nghĩ Bộ Tư pháp nên truy tố ông ấy?”.
“Obamagate (ý ông Trump muốn ví như vụ bê bối Watergate từng làm Tổng thống Richard Nixon mất chức - PV). Nó đã diễn ra một thời gian dài. Đó là một điều nhục nhã. Và nếu bạn nhìn và cái đã xảy ra và mọi thông tin được công khai lúc này, và từ những gì tôi hiểu thì đó mới chỉ là bắt đầu, một số điều kinh khủng đã xảy ra” - ông Trump đáp lại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp các nghị sĩ Cộng hòa ngày 8-5. Ảnh: AFP
Khi nhà báo Rucker hỏi kỹ ông đang định nói tới tội ác cụ thể gì, ông Trump nói: “Bạn biết đó là tội ác gì, đó là điều rất rõ ràng với tất cả mọi người. Tất cả những gì bạn phải làm là đọc báo chí, trừ tờ báo của bạn… Bạn sẽ biết điều gì xảy đến trong những tuần tới. Tôi hy vọng bạn sẽ viết trung thực về nó”.
Trước đó, trong ngày 10-5 trang tin Yahoo News rò rỉ một đoạn ghi âm hội nghị qua điện thoại giữa ông Obama với các cựu quan chức chính phủ của ông. Trong cuộc hội nghị này ông Obama nhận xét phản ứng chống dịch COVID-19 của chính phủ ông Trump là “một thảm họa hỗn loạn thực sự” và việc Bộ Tư pháp rút lại các cáo buộc hình sự với ông Flynn “đặt quy định luật pháp vào rủi ro”.