Tuần trước hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley và Ron Johnson công khai danh sách 28 quan chức thời chính phủ Tổng thống Barack Obama có liên quan đến vụ việc cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Danh sách này do quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Richard Grenell gửi đến hai nghị sĩ Grassley và Johnson.
Bộ đôi Obama - Biden sẽ không bị điều tra
Theo DNI, 28 quan chức thời ông Obama đã yêu cầu được tiếp cận thông tin tình báo và người cung cấp thông tin tình báo về ông Flynn.
Cuối danh sách có tên cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Theo danh sách thì ông Biden nhận thông tin từ DNI vào ngày 11-1-2017 - chín ngày trước khi chính phủ ông Donald Trump nhậm chức.
Cuối danh sách 28 quan chức thời Obama liên quan vụ ông Flynn có tên ông Biden. Ảnh: Chụp từ màn hình NPR
Theo quy định, các cơ quan tình báo Mỹ thường giữ kín tên các cá nhân Mỹ liên quan tin tức tình báo. Dù thế các quan chức cấp cao có quyền yêu cầu được cung cấp thông tin tình báo và thông tin về các cá nhân này. Tuy nhiên, nếu các quan chức sử dụng các thông tin này với mục đích chính trị có thể sẽ bị khởi tố.
Những ngày cuối nhiệm kỳ của chính phủ ông Obama, có nhân vật trong Nhà Trắng đã cung cấp cho báo Washington Post thông tin về liên hệ của ông Flynn với Đại sứ Nga Sergey Kislyak thời điểm ông Trump đắc cử nhưng chưa nhậm chức.
Từ thông tin này, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã vào cuộc điều tra nghi ngờ đội tranh cử của ông Trump thông đồng với phía Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Như vậy có thể hiểu, ít nhất về lý thuyết, các cá nhân trong danh sách của DNI và những người liên quan có nguy cơ sẽ bị điều tra thậm chí bị khởi tố.
Tuy nhiên, ngày 18-5, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nói ông không nghĩ việc Bộ Tư pháp xem xét lại quá trình FBI điều tra cáo buộc Nga và đội tranh cử của ông Trump can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có thể dẫn tới điều tra hình sự ông Biden hay cựu Tổng thống Barack Obama.
(Từ trái qua): Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Donald Trump. Ảnh: THE WESTERN JOURNAL
“Với Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Biden, bất kể mức độ liên quan của họ thế nào, theo thông tin tôi có được hôm nay, tôi không nghĩ công việc của ông Durham sẽ dẫn tới một cuộc điều tra hình sự bất cứ ai trong hai người này” - hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Barr.
Người mà Bộ trưởng Barr nhắc tới là công tố viên liên bang John Durham. Ông Durham đang xem xét lại nguồn cơn dẫn tới cuộc điều tra Nga năm 2016.
Khả năng sẽ điều tra các cá nhân khác
Những tuần gần đây Tổng thống Trump liên tục nhắc đến vụ bê bối mà ông gọi là “Obamagate” (ví với vụ bê bối Watergate từng làm Tổng thống Richard Nixon mất chức - PV). Ông Trump nói ông Obama liên quan tới “tội ác chính trị lớn nhất trong lịch sử Mỹ”. Trên Twitter ngày 10-5 ông Trump cáo buộc ông Obama “đã dùng những tuần tại nhiệm cuối cùng” để phá hoại chính phủ mới của ông.
Các diễn biến trên đến trong bối cảnh chính phủ ông Trump đang hứng chỉ trích vì phản ứng kém với đại dịch COVID-19 vốn đã giết hơn 88.000 người Mỹ tính đến lúc này và bản thân ông Trump sẽ đối đầu với ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr tham dự một cuộc họp báo về COVID-19 tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, ông Barr nói chuyện bầu cử nên được quyết định thông qua các tranh luận chính trị và chuyện điều tra bất kỳ ứng viên chính trị nào cũng cần phải được cá nhân ông đồng ý.
“Chúng ta không thể để tiến trình này bị điều khiển vì các nỗ lực xúc tiến điều tra hình sự bất kỳ ứng viên nào” - ông Barr nói.
Dù bác khả năng điều tra ông Obama hay ông Biden nhưng ông Barr không loại trừ khả năng sẽ điều tra hình sự các cá nhân khác nhưng không nói cụ thể.
Những người có tên trong danh sách của DNI (từ trái qua): Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Calpper, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cựu Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: NYP
Thái độ này của ông Barr phần nào gây bối rối khi ông vốn là một đồng minh của ông Trump. Nhiều tháng nay ông Barr bị đảng Dân chủ và nhiều công tố viên kỳ cựu chỉ trích đã là chính trị hóa hệ thống tư pháp nhằm làm lợi cho ông Trump.
Đầu tháng này ông Barr rút cáo buộc với ông Flynn, dù trước đó ông Flynn đã thừa nhận khai dối với FBI về liên hệ của mình với Nga.
Tháng 3-2019 công tố viên đặc biệt Robert Mueller kết luận Nga cố gắng can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, thông qua tấn công mạng và hệ thống email của Ủy ban Quốc gia Dân chủ và thông qua tuyên truyền. Dù báo cáo có ghi nhận có nhiều liên hệ giữa đội tranh cử ông Trump và Nga nhưng ông Mueller nói không đủ chứng cứ để chứng minh đây là một tội hình sự. Bản thân Nga cũng liên tục bác bỏ có gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử. |