Trong thỏa thuận 4 điểm mà bộ ngoại giao hai nước ký kết ngày 7-11, Nhật Bản đã thừa nhận về "sự tồn tại của các bên khác nhau" cùng tuyên bố sở hữu đối với vùng đảo Senkaku.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ngay lập tức khẳng định chủ quyền của Nhật Bản trên vùng đảo này là không thay đổi, bất chấp những thỏa thuận mới đạt được. Tuy nhiên, theo phân tích của giới truyền thông, việc đi từ lập trường về chủ quyền không thể chối bỏ của Nhật Bản đối với Senkaku, đến việc thừa nhận sự tồn tại các bên khác nhau trong vấn đề Senkaku, đã thể hiện rõ một sự nhượng bộ từ phía Nhật Bản.
Tàu tuần tra Trung Quốc trên biển Hoa Đông (Ảnh: tân hoa Xã)
Trước nay, Nhật Bản vẫn cương quyết không thừa nhận “thực trạng” này vì nó sẽ làm tăng vị thế của Bắc Kinh đối với vấn đề tranh chấp. Vì thế, trước những thỏa thuận mới này, ta có thể xem sách lược biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp của Trung Quốc đã áp dụng thành công lên vùng đảo Senkaku và chính quyền của ông Shinzo Abe.
Tờ báo nổi tiếng “diều hâu” của Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu, đã xem “sự thừa nhận” của Nhật Bản như là một “chiến thắng ngoại giao” to lớn của Trung Quốc. Một số tờ báo lớn của Nhật Bản như Shimbun Tokyo và Asahi Shimbun cũng đã thừa nhận động thái này là cho thấy dấu hiệu Nhật Bản cuối cùng đã nhượng bộ trong cuộc đối đầu tại vùng biển Hoa Đông.
Các quan sát viên chính trị cho rằng Nhật Bản đã nhượng bộ Trung Quốc để Thủ tướng Abe có thể hội đàm mặt-đối-mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh cấp cao Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh vào ngày 10-11 vừa qua.
Sau cuộc gặp, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết: “Tôi đã đề nghị ông Tập Cận Bình thiết lập một cơ chế liên lạc hàng hải. Hai bên sẽ sớm làm việc và đưa ra các bước cụ thể để đạt mục tiêu này”. Mục đích nhằm ngăn chặn các vụ va chạm trong tương lai giữa tàu và máy bay hai nước trên biển Hoa Đông.