'Nhất phá sơn lâm…' và chuyện băm nát núi Chín Khúc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo lịch, hôm nay (4-4) hai cựu chủ tịch cùng hàng loạt cựu quan chức tỉnh Khánh Hòa ra tòa do liên can đến dự án khiến núi Chín Khúc bị “cạo trọc đầu” và băm nát. Với các bị cáo, chuyện bị tù tội có thể là bất ngờ nhưng với nhiều người dân Khánh Hòa, đây là cái kết đã nhìn thấy trước. Vì sao?

Từ việc giao đất trái pháp luật của các cựu quan chức, núi Chín Khúc ở Khánh Hòa sau đó bị cạo trọc, băm xẻ thảm thương. Ảnh: NGUYỄN CHUNG

Núi Chín Khúc nằm tại xã Vĩnh Thái (TP Nha Trang, Khánh Hòa), được coi là một trong những ngọn núi lớn nhất ở khu vực này. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép cho bảy dự án ở khu vực núi Chín Khúc, trong đó có năm dự án đã triển khai và được cơ quan chức năng kết luận là có vi phạm, trong số này có dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự.

Cơ quan chức năng kết luận toàn bộ diện tích đất đã giao để thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự đều thuộc khu vực quy hoạch đất trồng rừng sản xuất và đất đồi núi chưa sử dụng. Đó chính là lý do khiến các cựu quan chức Khánh Hòa phải hầu tòa về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự được các bị cáo - cựu quan chức Khánh Hòa đặt bút ký quyết định giao đất từ năm 2012-2014. Tuy nhiên, phải đến năm 2015, khi nhìn thấy núi Chín Khúc bị cạo, bị băm, người dân Khánh Hòa mới biết đến dự án này.

Thời điểm này, những ai ngang qua Nha Trang, Diên Khánh (Khánh Hòa) đều ngạc nhiên khi cả một vùng đồi núi bị băm vằm nham nhở. Người ta tự hỏi tại sao chính quyền địa phương có thể cho phép thực hiện một dự án xâm phạm tàn bạo vào thiên nhiên như thế này!

Những lo ngại của người dân lẫn chính quyền cơ sở càng dấy lên khi vào năm 2018, một đại họa đã ập xuống xứ này. Thời điểm đó, do mưa to, hồ nước thuộc một dự án khu đô thị trên núi ở Nha Trang bị vỡ đã thành quả “bom nước” đổ xuống cuốn phăng cả khu dân cư, khiến bốn người trong gia đình một thầy giáo chết thảm. Từ thiên tai (nhưng bản chất là do nhân tai) này, người ta bắt đầu mường tượng về những điều khủng khiếp có thể xảy ra trong tương lai bởi cái đại dự án đang triển khai trên núi Chín Khúc.

Bất kỳ một sự tác động nào vào thiên nhiên đều mang lại hậu quả tiêu cực dù ít hay nhiều. Đó là lý do luật quy định trước khi cho dự án triển khai, cơ quan chức năng bắt buộc phải thực hiện nghiêm ngặt khâu đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM). Ấy thế mà cái dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự - dự án tâm linh được cho là lớn nhất, nhì Việt Nam - triển khai ngay trên đỉnh núi Chín Khúc lại không hề có ĐTM!

Những bài học về bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên từ lúc còn học phổ thông, những quy định pháp luật chặt chẽ về ĐTM có lẽ đã bị đồng tiền che mờ tất cả.

Ông bà ta có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” để chỉ những hiểm nguy luôn rình rập những người mưu sinh nơi rừng sâu, núi thẳm. Nhưng đó chỉ là những tai nạn nhất thời mà những người nghèo khổ đành chấp nhận đối mặt khi buộc phải kiếm sống chốn nước độc rừng thiêng. Còn với những người có thẩm quyền, những người vì lợi nhuận mà bất chấp mọi lẽ, dám mạo phạm vào thiên nhiên thì không chỉ tự rước họa vào thân mà còn gây hậu họa khôn lường cho cả cộng đồng, xã hội.

Công bố lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: CÔNG AN KHÁNH HÒA

Công bố lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: CÔNG AN KHÁNH HÒA

Cổ nhân từng nói: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”! Trước giờ, chúng ta thường hiểu câu này thiên về tâm linh mà không lĩnh hội đầy đủ thâm ý của người xưa về hậu họa của chuyện xẻ núi, phá rừng, lấp sông, lấn biển. Sự tác động ấy không chỉ gây nên những trận “bom nước” như đã từng thấy mà nó còn gây nên sự đứt gãy hệ sinh thái khiến chim muông, thú rừng không còn nơi trú ẩn. Đó là chưa nói về lâu dài, nó còn tạo nên biến đổi khí hậu, gây họa khôn lường.

Trở lại vụ án liên quan đến núi Chín Khúc, cả hai cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các cựu quan chức đầu ngành đều bị truy tố, xét xử về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo khoản 3 Điều 229 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Như vậy, mức hình phạt mà các bị cáo này phải đối diện chỉ từ 5-12 năm tù. Biết rằng khung hình phạt mà BLHS quy định tương ứng với tính chất, mức độ của tội phạm, của khách thể mà hành vi phạm tội xâm hại nhưng xét về hậu quả lâu dài của việc “phá sơn lâm” trên núi Chín Khúc, có thể thấy mức hình phạt ấy vẫn chưa phải là tương xứng.

Sai phạm của các quan chức rồi sẽ được tòa định đoạt bằng bản án, người làm sai sẽ phải trả giá bằng những ngày tháng tội tù. Song núi Chín Khúc sẽ không thể nào được khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Đó chính là cái giá rất đắt mà các cựu quan chức không thể nào trả hết. Người phải gánh chịu hậu quả từ các hành vi sai trái này chính là những “người bị hại” - những cư dân hiện tại và tương lai của xứ trầm hương Khánh Hòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm