Có một điều nghịch lý là càng tích cực triệt hạ các băng nhóm yakuza, cảnh sát Nhật Bản càng chuốc thêm gánh nặng giải quyết hậu quả. Năm 2012, có 213 nhóm yakuza bị phá vỡ bởi cảnh sát. Trong tổng số 1.336 thành viên của các nhóm này, có khoảng 600 đã đồng ý cải tà quy chánh. Vì thế, NPA lại càng phải bận tâm tìm việc làm cho hàng trăm cựu yakuza mới.
Giải pháp chủ yếu là cảnh sát cố thuyết phục các công ty tư nhân nhận các cựu yakuza này vào làm việc dưới các chương trình động viên của chính phủ.
NPA cho biết kể từ năm 1994 tới nay, mỗi năm có từ 400 tới 800 gã du đãng rời khỏi các nhóm tội phạm có tổ chức. Ngặt nỗi, điều đáng mừng này lại gây ra… gánh nặng cho nhà chức trách. Nếu không làm tốt các chương trình hoàn lương, các cựu yakuza lại ngựa quen đường cũ mà lần trở lại này càng nguy hiểm hơn khi các cựu yakuza hiểu rằng mình đã là loại người bị xã hội chối từ nên càng thêm liều lĩnh, hận đời. Trong tổng số 1.254 cựu yakuza trong thời gian ở tù từ năm 2009 tới 2011, có 222 người đã quay về các băng đảng, chủ yếu do không tìm được việc làm sau khi ra tù.
Theo báo Asahi Shimbun ngày 7-5, số lượng các công ty thuê các cựu yakuza liên tục giảm xuống kể từ khi lên tới đỉnh điểm là 5.570 công ty hồi năm 1995. Năm 2012 chỉ còn 2.224 công ty chịu thuê họ và chỉ có 5 cựu yakuza tìm được việc làm thông qua các tổ chức hỗ trợ.
NPA đang chào mời các công ty tham gia một chương trình của nhà nước, theo đó nhà nước sẽ trả cho họ những khoản tiền ưu đãi trong thời gian họ cho các cựu yakuza thử việc, cũng như bồi thường những tổn hại do các cựu yakuza gây ra ở nơi làm việc.
Có vẻ như cộng đồng xã hội Nhật Bản cũng cần phải được tuyên truyền để có thái độ tích cực hơn với các cựu yakuza. Các nỗ lực của cảnh sát và các trung tâm “boryokudan tsuiho” (trung tâm chống những kẻ du đãng) trong việc tìm kiếm việc làm cho các cựu yakuza đã vấp phải nhiều lời chỉ trích từ công chúng. Nhiều người thắc mắc tại sao lại phải tốn công của tìm việc làm cho những kẻ từng sống ngoài vòng pháp luật.
Yakuza tại Nhật Bản đã hết thời làm mưa làm gió do ngày càng có thêm nhiều cộng đồng dân cư đoàn kết lại để đẩy các tội phạm ra rìa. Nhiều nhà hàng dán ngoài cửa những tờ cáo thị của ủy ban an ninh công cộng địa phương cấm các thành viên yakuza bước vào.
Ngoài ra, việc giáo dục cho các thành viên yakuza trong nhà tù cũng có vấn đề. Các nhà tù vẫn tổ chức những bài giảng thuyết nhằm tách các thành viên yakuza ra khỏi vòng cương tỏa của các băng đảng và giáo dục cho họ tái hội nhập cộng đồng nhưng thực tế không phải lúc nào cũng thành công.
Một cựu yakuza vừa mãn hạn tù nói với nhà báo Kenji Ogata của tờ Asahi Shimbun rằng: “Chúng tôi chỉ làm ra vẻ lắng nghe các bài thuyết gỉảng vì nó giúp chúng tôi dễ dàng được thả sớm theo luật ân xá hơn”.
Cựu yakuza này còn tiết lộ: “Nhà tù là nơi để người ta tìm một kẻ đồng phạm hòng thực hiện một tội ác với mình sau khi ra tù”.
Một cựu yakuza khác cho biết sau khi được tha, anh ta đã bán ma túy cùng với một yakuza mà mình quen trong nhà tù.
Theo Phạm Hồng Phước (TTO)