Theo kết quả rà soát của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đang có 370 điều kiện kinh doanh. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 193 điều kiện kinh doanh trong bảy lĩnh vực: bảo hiểm, chứng khoán, giá, hải quan, kiểm toán, tài chính ngân hàng, thuế. Cụ thể, bãi bỏ 99 điều kiện và đơn giản hóa 94 điều kiện.
Khai thông xuất nhập khẩu
Nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN) hoan nghênh đề xuất của Bộ Tài chính trong lĩnh vực hải quan, không yêu cầu nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan phải có trình độ cao đẳng trở lên trong các ngành kinh tế, luật, kỹ thuật, mà chỉ cần có trình độ cao đẳng trở lên trong bất cứ ngành nào.
Theo luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Kế toán Đồng Nai, việc bỏ điều kiện này trực tiếp tạo thuận lợi cho chính các đại lý làm thủ tục hải quan, gián tiếp tạo thuận lợi cho các DN xuất nhập khẩu khi thủ tục hải quan được thực hiện thuận lợi hơn.
Theo ông Tuấn, việc yêu cầu nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan phải có trình độ cao đẳng trở lên trong các ngành kinh tế, luật, kỹ thuật mang tính máy móc vì khi đáp ứng điều kiện này, nhân viên đại lý cũng phải thi lấy chứng chỉ nghề về thủ tục hải quan.
Hơn nữa, việc quy định mang tính bắt buộc ngành nghề khiến DN khó tuyển dụng nhân lực dù người lao động đó vẫn có thể đáp ứng tốt công việc.
“Nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan chỉ cần có trình độ cao đẳng trở lên trong bất cứ ngành nào theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ khiến các đại lý hải quan mở rộng hoạt động. Bớt một điều kiện là bớt thời gian, đẩy nhanh thủ tục hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu DN được rút ngắn” - ông Tuấn nói.
Cũng trong lĩnh vực hải quan, Bộ đề xuất sửa đổi quy định về phần mềm. Hiện các phần mềm của DN phải đáp ứng các tiêu chí về quản lý hàng nhập, lưu giữ, tồn của các loại hình kinh doanh kho bãi, địa điểm theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan…
Nay Bộ cho rằng các phần mềm này chỉ cần đáp ứng kết nối trực tiếp với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để cung cấp thông tin.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các DN logistics Việt Nam, đề xuất bỏ điều kiện này DN rất ủng hộ vì từ trước đến nay, các DN làm thủ tục hải quan đều phải thuê một vài công ty phần mềm theo chỉ định của cơ quan hải quan vì đáp ứng các tiêu chí.
Ông Hiệp cho rằng nếu phần mềm của DN chỉ cần đáp ứng kết nối trực tiếp với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để cung cấp thông tin thì dễ dàng hơn rất nhiều. DN giảm được chi phí thuê đơn vị phần mềm. Hơn nữa, giảm trung gian thì giảm thời gian cho DN.
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 193 điều kiện kinh doanh trong bảy lĩnh vực: bảo hiểm, chứng khoán, giá, hải quan, kiểm toán, tài chính ngân hàng, thuế.
Thu hút đầu tư nước ngoài
Trong kinh doanh bảo hiểm Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định phải góp vốn bằng tiền, vì hiện nay Luật DN cho phép chủ đầu tư góp vốn bằng các hình thức đa dạng (không chỉ bằng tiền).
Thay vào đó, chỉ quy định về nguyên tắc. Theo đó, chủ đầu tư phải sử dụng vốn góp của chính mình để góp vốn; đảm bảo việc góp vốn không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN và đáp ứng các quy định của pháp luật chuyên ngành.
Theo ông Bùi Gia Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc cắt giảm các quy định này tạo thuận lợi rất nhiều cho DN, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm.
Đặc biệt, về điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, với các tổ chức của Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất bỏ điều kiện DN phải hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Tương tự, với tổ chức nước ngoài, Bộ đề xuất bỏ quy định phải là DN bảo hiểm.
Theo ông Bùi Gia Anh, việc bỏ các điều kiện này sẽ giúp thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tham gia vào thị trường, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động trong các lĩnh vực khác đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Không yêu cầu nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan phải có trình độ cao đẳng trở lên trong các ngành kinh tế, luật, kỹ thuật. Ảnh minh họa
Ngoài ra, đối với DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm dự kiến được thành lập, Bộ Tài chính cũng đề nghị cắt giảm điều kiện: Có loại hình DN, điều lệ công ty (đối với DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm), quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài) phù hợp với quy định… Về điều kiện thành lập công ty cổ phần bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định trong thời hạn ba năm kể từ ngày được cấp giấy phép, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của công ty cổ phần bảo hiểm. |