Tại TP.HCM, đất quy hoạch là dân cư xây mới và đất hỗn hợp chiếm diện tích rất lớn đang là vấn đề đau đầu của chính quyền khi tách thửa, cấp phép xây dựng, chuyển mục đích sử dụng.
Hàng loạt vướng mắc đã được nêu ra tại phiên giải trình của Ban đô thị, HĐND TP về thủ tục xây dựng và đất đai đối với quy hoạch chức năng sử dụng đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới trên địa bàn TP ngày 20-4.
Dân vẫn chưa hết khổ vì quy hoạch
Theo Ban đô thị, HĐND TP.HCM, trên địa bàn hiện đất quy hoạch dân cư xây dựng mới và đất quy hoạch hỗn hợp chiếm khoảng 53% diện tích đất ở. Tuy nhiên, chính sách nhà đất đối với người dân có nhà, đất trong khu vực này hiện nay chưa được giải quyết công bằng.
Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP, cho rằng theo các quy định hiện hành thì không có khái niệm “đất quy hoạch dân cư xây dựng mới” nhưng thực tế TP.HCM đang phải đau đầu để giải quyết các chính sách nhà đất của người dân sống trong khu vực này.
Theo ông, ở quận 3, quy hoạch hỗn hợp chiếm 20% tổng diện tích đất. Bình Chánh cả hai loại quy hoạch này chiếm gần 50%. Huyện Hóc Môn thì tổng diện tích đất của hai loại này là hơn 1.500 ha. “Khảo sát ở quận 3 thì đa số các nơi được quy hoạch là đất hỗn hợp đều có nhà, dân ở đông đúc. Mà hiện nay đất này chỉ được cấp phép xây dựng tạm. Như vậy, quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng rất lớn như không được cập nhật tài sản vào giấy chứng nhận, không được hoàn công nhà ở…” - ông Kiên nói.
Các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết tách thửa cho người dân. Riêng Bình Chánh và Hóc Môn đã có tới hơn 1.000 hồ sơ xin tách thửa bị ách tắc.
Giám đốc Sở Xây dựng giải trình trước HĐND về các vướng mắc khi cấp phép xây dựng tạm trong khu quy hoạch. Ảnh: V.HOA
“Trước đây Sở QH-KT đưa ra khái niệm quy hoạch đất hỗn hợp để làm mềm hóa quy hoạch, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân sống trong quy hoạch nhưng thực tế nó đang gây cản trở đến quyền lợi của người dân” - ông Kiên nói.
Mỗi nơi làm một kiểu
Liên quan đến việc giải quyết các nhu cầu về nhà, đất của người dân, TP.HCM đã ban hành Quyết định 60/2018 quy định diện tích tối thiểu để tách thửa và Quyết định 26/2017 về cấp phép xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định để giải quyết hồ sơ cho dân chưa có sự thống nhất, các quận huyện lúng túng, mỗi nơi vận dụng một kiểu.
Liên quan đến lĩnh vực cấp phép xây dựng, ông Nguyễn Minh Nhật, Phó trưởng ban Đô thị, HĐND TP, cho biết đa số quận, huyện đều cấp phép xây dựng có thời hạn với hai chức năng quy hoạch này. Tuy nhiên, hiện nay mỗi địa phương đang áp dụng một kiểu. Cụ thể, cùng là đất quy hoạch dân cư xây mới, quận 9, huyện Củ Chi chỉ cấp phép xây dựng chính thức trong khu dân cư xây dựng mới thấp tầng và cấp phép xây dựng tạm trong khu dân cư cao tầng. Trong khi đó, các quận 12, Tân Phú, Bình Tân thì cấp chính thức. Các địa phương khác như Hóc Môn, Bình Chánh, Tân Bình thì cấp phép xây dựng tạm và không phân chia cao tầng hay thấp tầng…
Ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn, thì cho hay khi thực hiện Quyết định 60, địa phương này gặp rất nhiều vướng mắc. Theo ông Cư, Hóc Môn cũng như các huyện ngoại thành là có thêm quy hoạch nông thôn mới tỉ lệ 1/5.000 ngoài quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000.
Vì vậy, khi chuyển mục đích đất lúa trọn thửa với những thửa đất lớn 5.000 m2, 10.000 m2 thì giải quyết nhưng những khu đất nằm trong quy hoạch xây dựng mới, người dân có nhu cầu tách thửa xây nhà cho con chỉ vài trăm mét vuông thì không được. “Hiện Hóc Môn có 160 ha đất lúa đã chuyển thành đất ở hết rồi. Trong khi người dân có nhu cầu chính đáng chỉ chuyển mục đích mấy trăm mét vuông thì không giải quyết được. Đây là một bất cập ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân” - ông Cư nói.
Ông cũng băn khoăn là khi đã cho chuyển những thửa đất có diện tích lớn 5.000-10.000 m2 thì giải quyết cấp phép xây dựng như thế nào. Địa phương rất lúng túng.
Giải trình trước các đại biểu HĐND, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Năm 2014 TP.HCM có Quyết định 27/2014 để giải quyết cấp phép xây dựng tạm đối với trường hợp nhà đất trong quy hoạch. Đến Quyết định 26 phải áp dụng theo Luật Xây dựng 2014. “Theo luật thì chỉ được phép quy định về quy mô công trình xây dựng tạm và không được quy định các nội dung như trước đây. Do đó, khi ban hành Quyết định 26 rất nhiều ý kiến cho rằng “siết” hơn so với trước đó là có cơ sở” - ông Tuấn nói.
Sở QH-KT cũng thừa nhận việc quy hoạch hiện còn nhiều bất cập và cho biết sẽ cùng các sở TN&MT, Xây dựng để thống nhất các nội dung liên quan đến giải quyết thủ tục nhà đất trong khu vực quy hoạch hỗn hợp và quy hoạch xây dựng mới để thực hiện thống nhất trên toàn TP.
Cùng một vấn đề mà nhiều cách hiểu khác nhau là không ổn Cùng một vấn đề mà có nhiều cách hiểu, cách áp dụng khác nhau là không thể chấp nhận được. Tại sao cùng là đất quy hoạch như nhau mà quận thì cấp chính thức, quận thì cấp tạm? Nơi thấp tầng thì cấp, cao tầng thì không? Các sở, ngành tập trung sớm khắc phục các vướng mắc cho các quận, huyện thực hiện thống nhất và giải quyết được các bức xúc kéo dài của người dân. Bà NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM, Chủ tịch HĐND TP.HCM |