Việc sử dụng chì trong màu vẽ đã bị nhiều nước trên thế giới cấm nhưng tại Việt Nam, sản phẩm này không thuộc danh mục bắt buộc kiểm tra chất lượng.
Phụ huynh đưa con đi tô tượng ít khi quan tâm nguồn gốc, tính độc hại của màu nước
Nguồn gốc không rõ, thành phần chung chung
Một cửa hàng chuyên bán dụng cụ vẽ tranh trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bày bán rất nhiều màu nước từ bình dân đến cao cấp. Giá mỗi hộp (12 màu) dao động từ 65.000 - 310.000đ/hộp, tùy loại. Ông chủ cửa hàng tư vấn: “Trẻ nhỏ chủ yếu là dùng cọ vẽ, nguệch ngoạc trên giấy theo ý thích, nên mua loại màu nước tự đóng chai, vừa rẻ, vừa nhiều, bé tha hồ vẽ, không sợ tốn”. Ông đưa chúng tôi xem một lọ màu nước đựng trong hũ nhựa khoảng 50ml, giá 20.000đ/hũ, có hai loại: màu nước gốc nước và màu nước gốc bột. Người bán còn giới thiệu một loại màu nước có xuất xứ từ Pháp, nhưng sản phẩm (SP) không có bất kỳ thông tin gì ngoài dòng chữ người bán tự dán: “màu nước vẽ của Pháp”, giá chỉ 6.000 - 13.000đ/hũ 33ml - 100ml.
Một điểm chuyên bán màu nước vẽ tranh trên đường Võ Văn Ngân (P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức) - không có tên cửa hàng, có đủ loại màu nước trong hộp, hũ, bao ni lông loại nửa ký. Các loại màu được chiết ra hũ và đựng trong bao ni lông đều không có bất kỳ thông tin nào về SP. Theo lời người bán, màu nước này chủ yếu lấy từ chợ Kim Biên (Q.5). Tìm đến chợ Kim Biên, chúng tôi thấy màu nước được xếp đống trước sạp, chỉ đựng trong túi ni lông, bán theo ký, giá từ 30.000 - 260.000đ/kg, tất cả đều không rõ xuất xứ; người bán chỉ giới thiệu chung chung là hàng trong nước hoặc hàng ngoại nhập. Một chủ sạp hàng tại đây cho biết, màu nước này chủ yếu phân phối cho những điểm vẽ tranh, cửa hàng văn phòng phẩm, các điểm tô tượng vì giá rẻ, dễ sử dụng.
Nhà sách N. (đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM) bày bán khá nhiều màu nước, với nhiều chủng loại, mẫu mã. Khi chúng tôi mua một hộp màu nước được sản xuất tại Việt Nam và thắc mắc về thành phần cũng như nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ, nhân viên tại đây cho biết, đó là những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trên mỗi hộp đều có ghi đầy đủ thành phần (thật ra chỉ ghi: gồm bột màu và nước), nhưng cụ thể hơn về tính an toàn của các hóa chất thì họ không thể nắm được. Các siêu thị, nhà sách khác cũng ghi thành phần chung chung. Chị Nguyễn Kim Cương (Q.Gò Vấp), đang đứng đợi con gái lựa màu nước tại nhà sách N. cho biết, do thấy sản phẩm có ghi nguồn gốc, xuất xứ nên chị nghĩ sẽ an toàn. Tại các điểm tô tượng trong nhà sách, công viên… màu nước được đựng trong các chai nhựa, không hề có nhãn mác. Phụ huynh đi theo chỉ để rót màu từ chai nhựa ra khay, gợi ý màu tô hoặc tô phụ với con, ít để ý nguồn gốc, xuất xứ màu được lấy từ đâu, có độc hại cho sức khỏe của con mình hay không.
Một số lọ màu nước tại cửa hàng trên đường Phan Đăng Lưu, không thấy bất kỳ thông tin nào về sản phẩm
Dễ nhiễm chì
TS Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, màu nước thực chất là một loại sơn sử dụng nước làm dung môi kết hợp bột màu, chất kết dính và các chất phụ gia. Thông thường, người ta dùng gum arabic hoặc nhựa acrylic làm chất kết dính. Propylene glycol và các glycol ethers là một số phụ gia thường dùng để tạo ra hệ nhũ tương acrylic trong màu nước, có khả năng gây dị ứng hoặc hen suyễn. Các bột màu sử dụng trong màu nước có nguồn gốc hữu cơ hoặc vô cơ. Thành phần bột màu vô cơ có nguồn gốc các oxide hoặc muối kim loại, được sử dụng chủ yếu cho sơn nói chung và màu nước nói riêng. Đây là thành phần gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe, vì có thể chứa các kim loại độc hại như chì gây nhiễm độc chì. Ví dụ, màu trắng có thể được tạo ra từ chì carbonate. Nhiễm độc chì có thể gây thiếu máu, các vấn đề tiêu hóa, tổn thương thần kinh (và tổn thương não ở trẻ em), tổn thương thận và hệ sinh sản. Màu vàng có thể được tạo ra từ các oxide hoặc muối kim loại chứa cadmium, chromate có thể gây dị ứng, loét da hoặc ung thư ở một số cơ quan nội tạng. Bột màu hữu cơ thường có nguồn gốc đa dạng như gốc azo hoặc bột màu đen hữu cơ (thường chứa các tạp chất thơm có nhiều vòng ngưng tụ) có thể gây ung thư.
BS Lê Thị Khánh Vân - Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết, nhiều trẻ khi đến khám bệnh lý khác nhưng tình cờ thấy trẻ có viền răng đen, bác sĩ hỏi thì biết có tiếp xúc thường xuyên với môi trường nhiễm chì (trong đó có màu vẽ, đồ chơi nhiễm chì); cho bệnh nhân thử chì trong máu, nước tiểu thì phát hiện bị nhiễm độc chì. Tuần qua, BV Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận hai bé gái ở Q.9, TP.HCM là chị em cùng bị nhiễm độc chì, khi nhập viện có các triệu chứng về thần kinh, hai chân bị yếu liệt. Theo bác sĩ Vân, việc nhiễm các chất độc từ màu nước thường xảy ra do trẻ dùng tay có dính màu nước cầm thức ăn, đồ chơi... tạo cơ hội để các thành phần độc hại có trong màu nước vào cơ thể qua đường miệng. Một nguy cơ khác, dù rất hiếm, khiến các em bị ngộ độc các thành phần có trong màu sơn là do hít phải bột màu (một số màu nước được tạo ra bằng cách pha bột màu trong nước). Khi đó, ngoài việc có thể bị nhiễm độc, các em còn có nguy cơ bị các bệnh ở phổi và đường hô hấp.
Chưa được kiểm soát
Theo quy định, giới hạn hàm lượng chì cho phép có trong đồ chơi trẻ em là 90mg/kg nhưng nhiều loại đồ chơi có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép vẫn không được kiểm soát chặt, dù đồ chơi trẻ em thuộc danh mục SP bắt buộc kiểm tra chất lượng. Ông Hoàng Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (TP.HCM) cho biết, màu sơn, bột màu, màu vẽ không nằm trong danh mục SP phải kiểm tra chất lượng và thực tế chưa có đơn vị nào đem những SP này đến trung tâm để kiểm tra chất lượng. Do không có quy chuẩn bắt buộc để đối chiếu nên nhiều SP có xuất xứ nhưng không rõ thành phần cũng khó đánh giá được về mặt chất lượng.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiếp xúc với chì gây ra 0.6% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Trong khi cơ quan quản lý nhiều nước trên thế giới liên tục thu hồi đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập bị phát hiện nhiễm chì cao và cảnh báo nguy cơ gây hại cho trẻ khi tiếp xúc thì ở Việt Nam chưa có nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát, đưa ra cảnh báo về nhóm hàng này.
Theo Nguyễn Cẩm - Hoa Lài (PNO)