GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TAND

Nhiệm kỳ thẩm phán suốt đời: Có nhiều ưu điểm

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng bổ nhiệm lần đầu năm năm để thẩm phán rèn luyện, sau đó “bổ nhiệm suốt đời” để tránh lãng phí hoặc phiền hà cho dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TAND Tối cao đã công bố dự thảo năm Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, trong đó có quy định về nhiệm kỳ thẩm phán.

Không còn nhiệm kỳ thẩm phán 10 năm?

Hiện nay, Luật Tổ chức TAND 2014 quy định nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là năm năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

p6-anh-bai-thamphan-quy-9160-1658.jpg

Tuy nhiên, tại dự thảo luật sửa đổi, TAND Tối cao đề xuất thẩm phán TAND Tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Trong khi đó, thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ năm năm, thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác (dự thảo luật mới chỉ quy định hai ngạch thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán).

Dự thảo cũng quy định thẩm phán được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống tòa án, khi quay lại làm thẩm phán không phải trải qua kỳ thi thẩm phán quốc gia và được xếp lương vào bậc tương ứng.

Đối với thẩm phán không đủ điều kiện được bổ nhiệm lại, sau đó tham gia kỳ thi tuyển chọn thẩm phán quốc gia thì nhiệm kỳ được tính là nhiệm kỳ đầu.

Lý giải cho đề xuất trên, TAND Tối cao cho biết hiện nay các quy định ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán đã đầy đủ và chặt chẽ, nếu có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Việc thay đổi về nhiệm kỳ thẩm phán được đa số ý kiến đồng ý, quy định như vậy là để thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 về việc “đổi mới thời hạn bổ nhiệm đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đối với đội ngũ thẩm phán”, tăng cường tính độc lập của thẩm phán.

Giảm áp lực cho thẩm phán

Từng công tác trong ngành tòa án hơn 30 năm, luật sư Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TP.HCM) nhìn nhận với quy định bổ nhiệm theo nhiệm kỳ thì áp lực mà người thẩm phán phải chịu khi làm nghề là rất lớn.

Tăng tính độc lập xét xử của thẩm phán

p6-anhtieudiem-Pho chanh an- Dung.jpg

Nhiệm kỳ đầu năm năm, sau đó “bổ nhiệm suốt đời” giúp tâm lý thẩm phán ổn định, tự tin khi công tác. Quá trình xét xử, việc hủy, sửa án do nhiều lý do, không chỉ thuộc về lỗi của thẩm phán khi xét xử.

Do đó, thay đổi nhiệm kỳ thẩm phán như đề xuất của dự thảo luật trên thì thẩm phán sẽ không bị chi phối, chạy theo chỉ tiêu án hủy, sửa, cơ chế bổ nhiệm; tăng tính độc lập xét xử của thẩm phán, hạn chế tiêu cực trong tái bổ nhiệm và tránh lãng phí.

NGUYỄN THỊ THÙY DUNG, Phó Chánh án TAND TP.HCM

Khi hết nhiệm kỳ, để được tái bổ nhiệm, họ phải qua được nhiều “ải”. “Ải” ở đây là nhận xét của lãnh đạo trực tiếp và tiếng nói của người có thẩm quyền ở địa phương. Nếu quy định bổ nhiệm thẩm phán đến khi ngừng công tác thì về tâm lý, họ sẽ yên tâm với công việc của mình. Sẽ không còn tình trạng thẩm phán không được tái bổ nhiệm vì ý chí chủ quan của những người có quyền lực.

Trong khi đó, đánh giá chung về dự thảo luật sửa đổi, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, cho rằng việc quy định chuẩn hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán, xây dựng cơ chế thi tuyển để mở rộng đối tượng xét bổ nhiệm tạo nguồn nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Theo đó, cần đặt ra điều kiện về thâm niên công tác thực tiễn và trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ.

“Điều 100 dự thảo đã sửa đổi bổ sung Điều 74 Luật Tổ chức TAND về nhiệm kỳ thẩm phán. Điều này là phù hợp với xu thế quốc tế, giảm áp lực cho thẩm phán khi thi hành nhiệm vụ, đặc biệt là đến mỗi kỳ tái bổ nhiệm với thời hạn 10 năm như hiện nay” - luật sư Kim Vinh nêu quan điểm và cho biết thêm việc chậm tái bổ nhiệm làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của tòa án do thiếu nhân lực; hồ sơ bị tồn đọng không đảm bảo thời gian tố tụng, gây phiền hà cho dân.

Đã có nhiều quy định chế tài đối với thẩm phán

Chia sẻ về đề xuất của TAND Tối cao, luật sư Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, cho biết: Thẩm phán là một nghề mà “gừng càng già càng cay” và càng lâu năm trong nghề thì càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Chỉ nên quy định nhiệm kỳ (năm năm) với lần bổ nhiệm đầu, sau đó tái bổ nhiệm thẩm phán lâu dài thì sẽ tránh được các áp lực không đáng có cho thẩm phán.

Luật sư Hùng phân tích quá trình làm việc, nếu thẩm phán có sai sót, tiêu cực thì vẫn có thể xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời. Việc xử lý ngay mới đủ sức răn đe.

Hiện nay đã có nhiều chế tài để xử lý thẩm phán vi phạm công tác. Trong đó có Luật Cán bộ, công chức với các hình thức cảnh cáo, cách chức, miễn nhiệm; hoặc Bộ luật Hình sự nếu sai phạm đến mức phải xử lý hình sự; Quyết định 120/2017 của Chánh án TAND Tối cao về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND...

Cạnh đó, luật sư Hùng cho biết thủ tục tái bổ nhiệm của thẩm phán mất nhiều thời gian. Trong thời gian đợi tái bổ nhiệm, thẩm phán không mang một chức danh nào để làm việc. Có trường hợp đợi tái bổ nhiệm mất 5-6 tháng, thậm chí cả năm chưa được tái bổ nhiệm.

Đặc biệt, trong các vụ án hành chính, nếu quy định tái bổ nhiệm thì sẽ gây khó cho thẩm phán đang xét xử vụ án, khi phải đứng ra xét xử người bị kiện là người có thẩm quyền của địa phương (như chủ tịch UBND…). Mà trong trường hợp này người bị kiện có tiếng nói, vai trò trong việc tái bổ nhiệm của thẩm phán, dẫn đến ảnh hưởng đến phán quyết của thẩm phán khi xét xử các vụ án hành chính.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh cũng đánh giá rằng để tránh việc thẩm phán không tu dưỡng hoặc tiêu cực (vì đã được bổ nhiệm suốt đời), cần có những quy định về việc quản lý, đánh giá hoạt động nghiệp vụ của thẩm phán theo một quy chế nghiêm ngặt để họ buộc phải luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững phẩm giá của người cầm cân nảy mực; cũng như cần có những quy định quy trình kỷ luật, bãi nhiệm họ khi phát hiện những sai phạm nghiêm trọng nhằm đề cao tính nghiêm minh của pháp luật và giá trị của người thực thi công lý.

Một quan điểm khác về nhiệm kỳ thẩm phán

Đối với ngạch thẩm phán, tôi cho rằng đề xuất này chưa phù hợp và cân đối với phía VKS. Vì đây là các cơ quan tư pháp và theo một ngạch lương nhất định nên cần có sự cân đối. Theo quy định, kiểm sát viên bổ nhiệm lần đầu năm năm, tái bổ nhiệm là 10 năm…

Nếu muốn thay đổi phù hợp với xu thế, học hỏi theo nước ngoài phải đi theo từng bước và dù có hội nhập quốc tế thì phải hội nhập theo trình độ, khả năng nhất định của mình.

Đề xuất này chỉ nên áp dụng cho thẩm phán TAND Tối cao. Bởi vì để trở thành thẩm phán TAND Tối cao là cả một quá trình. Thẩm phán tối cao là đầu ngành của cơ quan xét xử và những người muốn được bổ nhiệm thẩm phán tối cao phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện, tích lũy nhiều năm kinh nghiệm; thậm chí góp phần xây dựng luật, hiến pháp…

Việc trong một nhiệm kỳ nếu quá tỉ lệ án hủy, sửa cho phép theo quy định thì thẩm phán sẽ bị đánh giá trình độ, năng lực và không cho tái bổ nhiệm. Điều này làm cho người thẩm phán đi vào đúng khuôn khổ và xét xử theo pháp luật. Đối với những thẩm phán ở các cấp còn lại cần nên trau đồi, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm thêm… Do đó, theo tôi cần giữ nguyên quy định tái bổ nhiệm đối với thẩm phán.

Ông VĂN THÊM, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm