Nhiều ý kiến ủng hộ bổ nhiệm thẩm phán suốt đời

Đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời của Vụ Pháp chế, TAND Tối cao đang nhận được sự quan tâm của bạn đọc và giới chuyên môn. PLO tiếp tục giới thiệu các ý kiến, trong đó có những người từng công tác trong ngành tòa án xung quanh vấn đề này.
Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên thẩm phán TAND Tối cao:
Bổ nhiệm suốt đời nhiều cái lợi

Quá trình công tác đã qua, tôi nhận thấy nếu bổ nhiệm thẩm phán suốt đời thì sẽ có nhiều cái lợi cho hoạt động xét xử và cho người dân.

Thứ nhất, thẩm phán là chức danh tư pháp do Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử. Nói cho cùng đây là một nghề, mà nghề thì cần tính ổn định, dài lâu.
Mỗi lần làm thủ tục tái bổ nhiệm rất mất thời gian, công sức. Thực tế ít có trường hợp nào được tái bổ nhiệm đúng thời hạn khi hết nhiệm kỳ, mà thường kéo dài thêm vài tháng. Như vậy, trong thời gian chưa được tái bổ nhiệm thì thẩm phán hết nhiệm kỳ không được tham gia xét xử, giải quyết án. Án bị tồn đọng kéo dài mà không phải lỗi của thẩm phán hay đương sự sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của đương sự. Mặt khác, không biết gọi thẩm phán đang chờ quyết định tái bổ nhiệm là gì.
Thứ hai, hiện nay có rất nhiều chế tài xử lý thẩm phán vi phạm công tác xét xử hay vi phạm pháp luật như Luật Tổ chức TAND, Luật Cán bộ công chức, Quyết định 120/2017 của chánh án TAND Tối cao. Trong nhiệm kỳ mà thẩm phán có vi phạm thì có thể bị xử lý dừng nghiệp vụ, hay cách chức bất cứ lúc nào. Do đó sẽ loại trừ được lo lắng thẩm phán lạm quyền mà không có biện pháp chế tài.
Thứ ba, việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời sẽ tránh được tư tưởng “an toàn nhiệm kỳ”, sợ mất lòng... mà ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử. Bởi lẽ việc có tái bổ nhiệm thẩm phán hay không phải có ý kiến của cấp ủy địa phương. Do đó, nếu sắp hết nhiệm kỳ mà đang giải quyết vụ án nào có sự tác động từ bên cấp ủy địa phương thì cũng rất khó độc lập xét xử. 
Hiện nay, thẩm phán trung cấp xử án hành chính, triệu tập người bị kiện như chủ tịch tỉnh đến tòa trong vụ án hành chính là cực khó. Tiếng nói của người bị kiện lại có trọng lượng đối với việc tái bổ nhiệm của thẩm phán thì liệu rằng thẩm phán có còn độc lập và khách quan được không?

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Luật TP.HCM:

Cần thẩm phán trẻ, bản lĩnh, giàu tri thức

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Độc lập là điều kiện cần thiết để thẩm phán và hội thẩm xét xử, còn tuân theo pháp luật là cơ sở không thể thiếu để thẩm phán và hội thẩm độc lập khi xét xử. Nếu chỉ độc lập mà không tuân theo pháp luật thì dễ dẫn đến xét xử tùy tiện, chủ quan, độc đoán. Do đó, nếu thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời nhưng không độc lập trong tư duy và hành động thì cũng không có ý nghĩa.

Hiến pháp cũng quy định các cơ quan nhà nước không được can thiệp vào việc xét xử của tòa án. Tòa án cấp trên hướng dẫn tòa án cấp dưới về áp dụng thống nhất pháp luật, đường lối xét xử. Tòa cấp trên không quyết định trước về chủ trương xét xử cụ thể một vụ án buộc tòa án cấp dưới phải tuân theo. Do đó, nhiệm kỳ thẩm phán có suốt đời hay không thì cũng không thể bị tác động bởi các yếu tố khác vì không ai có quyền can thiệp vào hoạt động xét xử.
Nếu tính toán việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời đối với thẩm phán TAND Tối cao trước thì cần tận dụng nguồn lực thẩm phán trẻ, bản lĩnh, giàu tri thức để bổ nhiệm. Đây cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước, lúc này việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực. 
Bà NGUYỄN THÚY HIỀN, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao:
Loại bỏ được áp lực khi tái bổ nhiệm

Mỗi lần tái bổ nhiệm phải theo trình tự, thủ tục khiến thẩm phán có nguy cơ phải chịu áp lực nhất định. Những áp lực này dễ tác động vào công tác xét xử của thẩm phán. Theo tôi, bổ nhiệm suốt đời sẽ tránh cho thẩm phán được những áp lực này, cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến tính chất độc lập xét xử.

Tất nhiên khi ấy cần lưu ý tăng cường trách nhiệm thẩm phán. Thẩm phán phải rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp để việc xét xử được chuẩn mực. Thẩm phán làm sai phải chịu trách nhiệm, làm sai sẽ mất chức danh thẩm phán. 
Luật sư NGUYỄN SƠN LÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Cần quy định nếu vi phạm thì ra khỏi ngành

Theo tôi, nên sửa Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND và các luật liên quan theo hướng quy định: Thẩm phán, kiểm sát viên bổ nhiệm chức danh này suốt đời. Bởi lẽ đã đủ điều kiện làm công tác truy tố, xét xử thì bổ nhiệm một lần cho phù hợp và đỡ tốn kém nhiều mặt. Luật cần quy định rõ tiêu chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm, cách chức. Muốn làm được điều này phải có sự chuẩn bị, có lộ trình, các quy định phải chặt chẽ từ khi bắt đầu tuyển chọn người vào ngành. 

Đối với việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời, theo tôi phải có các quy định theo hướng nếu vi phạm thì không được làm thẩm phán và cho ra khỏi ngành. Bởi hiện nay việc kỷ luật bị ràng buộc bởi luật công chức, luật lao động, tuổi nghỉ hưu. Thế mới có tình huống có người bị mất chức danh thẩm phán nhưng không thể cho nghỉ, vẫn làm trong ngành tòa án nhưng không biết làm công việc gì. Điều này tạo ra tâm lý không thoải mái, có thể dẫn đến các sai phạm tiếp theo trong công việc.

 Đã đến lúc thực hiện bổ nhiệm sửa đổi

Tôi nghĩ đã đến lúc cần xem xét bổ nhiệm thẩm phán suốt đời để tạo tâm lý yên tâm cho thẩm phán khi thực hiện công vụ. Hiện ngành tòa án đã có Quyết định 120/2017 của chánh án TAND Tối cao về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp. Vì vậy, nếu thẩm phán sai phạm thì đã có cách để xử lý, đâu cần phải chờ hết nhiệm kỳ năm năm, 10 năm và số lượng án hủy, sửa nhiều mới xem xét. Đã làm sai thì đã có chế tài xử lý ngay.

Ngoài ra, mỗi lần tái bổ nhiệm thẩm phán tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và số lượng án giải quyết công việc của họ và của đơn vị. Có người mất cả năm trời ngồi không để chờ quyết định tái bổ nhiệm mới có thể làm việc. Đây là sự lãng phí quá lớn. 

Về tăng tuổi hưu cho thẩm phán, theo tôi không cần thiết. Đối với người chỉ chuyên về làm công việc xét xử thì tới tuổi 60 đối với họ đã là quá, đã đến lúc dừng. Họ có sức ỳ và sẽ không còn thiết tha ngày ngày nghiên cứu và xét xử án nữa. Việc tăng tuổi hưu nên chăng chỉ áp dụng cho những chức danh quản lý từ tòa án cấp tỉnh trở lên. 

Một thẩm phán công tác tại TAND TP.HCM 
HOÀNG YẾN ghi


Nhiệm kỳ của thẩm phán tối cao ở các nước

+ Mỹ: Ở Mỹ, số lượng thẩm phán Tòa án Tối cao là chín người. Các thẩm phán này được bổ nhiệm trọn đời và khi một trong những thẩm phán này từ chức hoặc qua đời thì việc chọn người thay thế sẽ bắt đầu. Trước khi hồ sơ của một ứng viên được gửi đến Ủy ban Tư pháp Thượng viện để xem xét, người này phải nhận được đề cử từ đích thân tổng thống. Mới đây, bà Amy Coney Barrett là thẩm phán Tòa án Tối cao mới nhất của Mỹ.

+ Canada: Giống Mỹ, Tòa án Tối cao Canada bao gồm chín thẩm phán, trong đó có một chánh án. Tất cả thẩm phán đều do toàn quyền Canada bổ nhiệm và những người này phải từng là thẩm phán của tòa án cấp cao hoặc phải có ít nhất 10 năm làm việc tại cơ quan thanh tra của một tỉnh hoặc vùng lãnh thổ. Các thẩm phán có thể giữ chức vụ của mình đến khi nghỉ hưu hoặc 75 tuổi. Tuy nhiên, các thẩm phán có thể bị miễn nhiệm nếu không đủ năng lực làm việc hoặc có hành vi sai trái.

+ Úc: Tòa án Tối cao là cơ quan tư pháp có thẩm quyền cao nhất tại Úc. Cơ quan này gồm bảy thẩm phán và trong đó một người là chánh án. Tất cả thẩm phán đều được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu là 70. Tuy nhiên, các thẩm phán hoàn toàn có thể xin nghỉ hưu sớm hơn.

+ Nga: Tòa án Tối cao Liên bang Nga có 170 thẩm phán. Thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang Nga do Hội đồng liên bang (Thượng viện) bổ nhiệm theo đề nghị của tổng thống Liên bang Nga, mà đề nghị này dựa trên đề xuất của chánh án Tòa án Tối cao Liên bang Nga. Các thẩm phán được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu là 70. Thẩm phán có thâm niên không dưới 10 năm và đang nghỉ hưu được coi là thẩm phán danh dự.

KHÁNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm