Ngày 14-10 Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tổ chức hội thảo về thực trạng thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền bào chữa, quyền có người đại diện pháp lý, bảo vệ quyền cá nhân trong quá trình tố tụng tư pháp trên địa bàn TP Đà Nẵng. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng luật sư (LS) vẫn còn bị làm khó trong quá trình tham gia tố tụng.
Theo LS Lê Xuân Hạt (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP Đà Nẵng), cơ chế cấp giấy chứng nhận bào chữa còn nhiều bất cập, gây khó cho luật sư. Cụ thể, để được tham gia bào chữa phải được sự đồng ý của người đang bị tạm giam, tạm giữ. Tuy nhiên, đây lại là đối tượng đang bị giam, giữ thì làm sao họ tự tìm hiểu để liên hệ LS. Thông thường họ phải thông qua người nhà thăm nuôi để liên hệ nhưng có nhiều trường hợp người nhà liên hệ khi vào cơ quan điều tra để xác nhận thì nhận được lời từ chối của người bị tạm giam, tạm giữ mà không hề rõ lý do.
Còn Đoàn LS TP Đà Nẵng cho hay nhiều trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ từ chối LS tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra vì điều tra viên dọa trong khi sang giai đoạn truy tố, xét xử thì không. Sau này, khi tiếp xúc với LS, bị can, bị cáo đó giải thích lý do từ chối là do bị điều tra viên dọa nếu mời LS thì “chỉ có nặng hơn” hoặc có nhiều hình thức o ép về tinh thần để bị can không dám mời LS mà phải ký vào bản cung là “không cần LS”, “tự bào chữa được”. Tuy nhiên, những lời khai này không có bằng chứng để chứng minh.
Theo kiểm sát viên Ngô Phú Quảng (VKSND TP Đà Nẵng) thì thực ra việc cấp giấy chứng nhận được các cơ quan tố tụng rất tạo điều kiện nhưng cái khó nằm ở “cơ chế”. Vì thực tế có nhiều trường hợp LS lên làm thủ tục chưa kịp uống xong ly trà đã xong. “Để cấp giấy chứng nhận phải đảm bảo các thủ tục, giấy tờ kèm theo... mà chúng tôi không thể làm trái” - ông nói.