Làm sao để luật sư hết bị làm khó?

Tại phiên họp thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao của Ủy ban Tư pháp gần đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LS) Đỗ Ngọc Thịnh tiếp tục phản ánh tâm tư của giới LS khi bị làm khó dễ trong hành nghề. “Tỉ lệ các vụ hình sự có LS tham gia rất thấp, chỉ khoảng 5,7%. LS gần như không thể tham gia tố tụng ở giai đoạn điều tra. Chúng tôi khẳng định là có sự cản trở. Chúng tôi có thể chỉ rõ từng vụ án” - ông Thịnh cho biết.

Xin lỗi là xong

Thực tiễn tố tụng hình sự cho thấy việc LS bị làm khó trong giai đoạn điều tra, đồng nghĩa với việc nghi can bị cản trở quyền được trợ giúp pháp lý là thực trạng mà giới LS “than hoài không hết”. Điều đáng nói là trong những vụ LS quyết liệt khiếu nại, các đoàn LS, Liên đoàn LS vào cuộc yêu cầu giải quyết thì sau đó những cán bộ làm sai cũng không bị xử lý gì, cùng lắm thì xin lỗi và cấp giấy chứng nhận bào chữa (GCNBC) cho LS là xong.

Chẳng hạn như vụ việc của Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đình Thơ. Ngày 11-5, LS Thơ được cơ quan CSĐT công an tỉnh này cấp GCNBC cho một bị can trong một vụ tham ô tài sản. Hơn hai tháng sau, LS Thơ bất ngờ nhận được quyết định thu hồi GCNBC của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa với lý do: “Xét thấy việc LS làm người bào chữa có mối quan hệ với người tiến hành tố tụng trong vụ án, không đảm bảo khách quan trong quá trình giải quyết vụ án”.

Ngay sau đó, LS Thơ đã gửi đơn khiếu nại khẳng định ông không có mối quan hệ nào với những người tiến hành tố tụng trong vụ án, việc thu hồi GCNBC là không có căn cứ, trái quy định pháp luật. Ban Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị sớm xem xét vụ việc.

Đầu tháng 8 vừa qua, thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã thừa nhận việc thu hồi GCNBC với LS Thơ là sai và chỉ đạo cấp dưới rút lại quyết định thu hồi, đồng thời xin lỗi LS Thơ.

 
Việc bỏ giấy chứng nhận bào chữa là nguyện vọng chung của giới luật sư. Ảnh: T.TÙNG

Hay như vụ việc của LS Đinh Văn Lương (Đoàn LS TP.HCM). Trước đây, LS Lương được người nhà một bị can (bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về hành vi đánh bạc) nhờ bảo vệ cho bị can này từ giai đoạn điều tra. Khi LS Lương làm thủ tục xin cấp GCNBC thì điều tra viên từ chối vì “bị can có đơn xin từ chối LS”. LS Lương đề nghị cho xem đơn từ chối này thì điều tra viên không đáp ứng. Sau đó từ trại giam, đích thân bị can viết đơn mời LS Lương. Lần này điều tra viên lại từ chối cấp GCNBC với lý do… giữa LS và gia đình bị can có mối quan hệ bà con thân thích.

Sau khi LS Lương khiếu nại, lãnh đạo Công an TP.HCM đã chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH sửa sai bằng cách cấp GCNBC, mời LS Lương đến xin lỗi và cho tiếp xúc với bị can.

Đảm bảo quyền bào chữa: Biện pháp nào đủ mạnh?

Luật LS (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định: Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của LS. BLTTHS năm 2003 quy định các cơ quan tố tụng có nhiệm vụ đảm bảo cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ. Thông tư 70 ngày 10-10-2011 của Bộ Công an cũng quy định việc đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra. Nhưng các văn bản trên vẫn thiếu chế tài đối với hành vi cản trở quyền bào chữa.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Tư pháp để góp ý dự thảo BLTTHS mới đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Đỗ Ngọc Thịnh đã đưa ra đề nghị bỏ hẳn thủ tục cấp GCNBC để chấm dứt tình trạng LS bị làm khó. Đây cũng là mong mỏi chung của giới LS. Bởi lẽ ngoài giai đoạn điều tra mà LS hay bị làm khó nhất, thủ tục cấp GCNBC còn làm các LS mệt mỏi vì mỗi giai đoạn tố tụng lại phải xin cấp một giấy mới.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận xét: Trong trường hợp dự thảo BLTTHS (sửa đổi) không bỏ thủ tục cấp GCNBC mà chỉ thay thế bằng thủ tục đăng ký bào chữa, cách tốt nhất vẫn là cải tạo nhận thức của cán bộ tố tụng, nhất là điều tra viên bằng các quy định kỷ luật nội bộ. Chẳng hạn nếu lãnh đạo các CQĐT có ý thức tôn trọng quyền bào chữa thì hoàn toàn có thể giám sát người của mình, khi phát hiện có sự vi phạm, cản trở LS thì có các hình thức xử lý thật nặng như không quy hoạch, bổ nhiệm...

Trong khi đó, LS Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) lại cho rằng biện pháp giải quyết hiệu quả nhất chính là có quy định đánh giá tính hợp pháp của bản cung. Theo đó, dự thảo BLTTHS (sửa đổi) cần quy định tất cả vụ án hình sự có người bào chữa tham gia ngay từ giai đoạn điều tra. Nếu bản cung nào không có chữ ký của người bào chữa thì không có giá trị pháp lý. Khi đó, điều tra viên sẽ cần người bào chữa tham gia vụ án, phải chủ động hợp tác với người bào chữa nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ, giống như những vụ án bắt buộc phải chỉ định LS.

Mạnh dạn hơn, LS Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) đề xuất: BLHS (sửa đổi) cần bổ sung tội cản trở hoạt động hành nghề của LS để tạo “liều thuốc mạnh” nhằm đảm bảo quyền bào chữa, quyền được bảo vệ hợp pháp, chính đáng của bị can, bị cáo.

Phần nổi của tảng băng chìm

Theo báo cáo của Liên đoàn LS Việt Nam, tính từ tháng 9-2009 đến hết năm 2014, Liên đoàn LS đã nhận được 167 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của LS trong cả nước khi bị làm khó.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, rất nhiều LS cho biết con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi thực tế khi bị làm khó, phần lớn các LS vẫn tự tìm cách giải quyết mà không nhờ đoàn LS, Liên đoàn LS can thiệp. Nhiều trường hợp LS xin tham gia vào giai đoạn điều tra không được thì kiên nhẫn đợi vụ án qua giai đoạn truy tố, xét xử. Có LS thì không muốn khiếu nại làm to chuyện vì sợ thân chủ bị ghét, có LS thì không muốn làm cơ quan tố tụng, cán bộ tố tụng mất lòng vì còn phải lui tới nhiều trong những vụ án khác nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm