Cũng giống người tiền nhiệm Donald Trump, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden được dự đoán sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điểm mới của chính quyền mới là các chính sách này sẽ đặt trong khuôn khổ nỗ lực tái thiết vai trò dẫn đầu của Mỹ trên trường quốc tế nói chung và xây dựng mạng lưới liên minh - đối tác bền vững hơn nhằm ngăn chặn ảnh hưởng toàn cầu đang lên của Trung Quốc (TQ).
Bộ mặt châu Á của chính quyền ông Biden
Theo tờ Asia Times, chính quyền của ông Biden trước mắt sẽ tận dụng kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đối ngoại và bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng để giúp thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ tại các khu vực chiến lược. Trong trường hợp châu Á, người được ông Biden “chọn mặt gửi vàng” cho chức điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Kurt Campbell. Đây là một vị trí mới được thành lập trong nhiệm kỳ năm nay, chịu trách nhiệm điều phối chính sách về TQ và châu Á giữa các cơ quan liên bang với nhau.
Trong khi đó, ông Campbell từng làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính sách “xoay trục sang châu Á” (sau này được gọi là tái cân bằng châu Á) ở thời kỳ này.
Trả lời phỏng vấn của đài Deutsche Welle (Đức), TS Kharis Templeman thuộc ĐH Stanford (Mỹ) đánh giá cao việc Tổng thống Biden chọn ông Campbell giữ vai trò quan trọng như vậy. “Kurt Campbell là một người thực dụng nổi tiếng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến TQ. Ông ấy cũng từng làm việc với nhiều đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên có uy tín tốt ở khu vực này” - ông Templeman nói.
Sự xuất hiện của ông Campbell sẽ gửi đi một tín hiệu tốt với các đồng minh, đối tác của Mỹ ở châu Á rằng chính quyền mới vẫn sẽ tiếp tục nghiêm túc duy trì hiện diện và bảo toàn các mối quan hệ ở đây. Một tác dụng khác là uy tín của ông Campbell cũng sẽ giúp thu hút thêm nhiều chuyên gia hàng đầu về châu Á cùng về làm việc cho chính quyền mới.
“Điều này có nghĩa là nhóm cố vấn chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông Biden sẽ là một nhóm chuyên gia hiểu rõ những thách thức khác nhau trong mối quan hệ Mỹ - Trung, nắm được lợi thế và điểm yếu của Mỹ ở đây, từ đó phát huy tối đa lợi ích của Mỹ” - ông Templeman chia sẻ thêm.
Ông Joe Biden (khi còn là cựu phó tổng thống Mỹ) hội đàm với ông Tập Cận Bình (khi đó còn là phó chủ tịch Trung Quốc) khi ông Tập thăm thủ đô Washington, D.C. hồi tháng 2-2012. Ảnh: REUTERS
Hé lộ bước đi sắp tới của Mỹ về châu Á
Để giúp soi sáng phần nào khuynh hướng hành động của chính quyền ông Biden đối với châu Á sắp tới, một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs ngày 12-1 do chính ông Kurt Campbell là đồng tác giả đã nêu rõ trật tự châu Á, cụ thể là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là một hệ thống được xây dựng dựa trên nhiều nền tảng pháp lý, an ninh và kinh tế khác nhau. Do đó, cần phải duy trì được một số giá trị cốt lõi như tự do hàng hải, bình đẳng về chủ quyền, minh bạch, giải quyết tranh chấp hòa bình, thương mại xuyên biên giới ở khu vực này.
Tôi nghĩ không có gì phải nghi ngờ rằng chính quyền ông Biden sẽ rất cứng rắn đối với TQ vì lưỡng đảng Mỹ cũng đang có sự đồng lòng mạnh mẽ rằng đã đến lúc Mỹ đứng lên chống TQ. Quan trọng là ông Biden có thành công hơn ông Trump trong việc thuyết phục các nước khác cùng đứng chung chiến tuyến hay không.
Cựu quan chức ngoại giao Singapore KISHORE MAHBUBANI trả lời phỏng vấn của đài CNBC ngày 22-1
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong việc đảm bảo các giá trị hiện nay là TQ. Theo ông Campbell, TQ đang chiếm một nửa GDP và chi tiêu quân sự trong khu vực, đồng thời tham vọng tái định hình xung quanh thông qua những hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông, xung đột với Ấn Độ... tạo ra rủi ro về an ninh địa chính trị cho các nước xung quanh.
“Sức mạnh ngày càng gia tăng của TQ đã làm mất đi sự cân bằng vốn đã mong manh trong khu vực và thúc đẩy tham vọng mở rộng lãnh thổ của Bắc Kinh. Nếu không bị kiềm chế, hành vi của TQ có thể làm ảnh hưởng đến hòa bình khu vực dài hạn” - bài viết nhấn mạnh.
Đáng chú ý là ông Campbell trong bài viết này cũng công khai ủng hộ một số quan điểm cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với TQ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần phải có những thay đổi lớn về chiến lược của Mỹ đối với TQ trong thời gian tới vì ông Trump không tận dụng tốt mạng lưới đồng minh, đối tác rộng khắp của Mỹ. Mỹ cần phải dựa vào các quốc gia có cùng chí hướng, bao gồm cả các thành viên khác trong nhóm “bộ tứ kim cương” như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và các cường quốc châu Âu khác như Anh, Pháp, Đức. “Cần tái kết nối Mỹ với khu vực qua việc thúc đẩy các sáng kiến ngoại giao và thương mại đa phương, cũng như tạo ra cơ chế phù hợp để tạo cơ hội hợp tác với TQ khi cần, tránh cuộc xung đột không cần thiết” - ông Campbell khẳng định.
Bên cạnh vấn đề TQ, ông Kurt Campbell chỉ ra nỗ lực tái cân bằng của Mỹ còn sẽ gặp một trở ngại khác là phải làm sao đảm bảo cân nhắc thực tế rằng các nước châu Á không đủ sức “chọn phe” và trật tự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng không thể chấp nhận những màn đọ sức trực tiếp như châu Âu trong quá khứ.
“Dù các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ để duy trì tính tự chủ trong bối cảnh TQ đang trỗi dậy, họ cũng biết được rằng việc loại trừ hẳn TQ ra khỏi tương lai sôi động của châu Á không phải ý tưởng thực tế hay ích lợi gì. Các nước trong khu vực cũng không hề muốn bị ép phải chọn phe giữa hai cường quốc” - ông Campbell nhận định.
Tàu sân bay Mỹ đầu tiên tới Biển Đông dưới thời ông Biden
Trong thông cáo đăng tải ngày 24-1 trên cổng thông tin chính thức, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông để tiến hành các công tác tập trận định kỳ và huấn luyện chiến thuật giữa các đơn vị khác nhau.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt gồm có tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill cùng hai khu trục hạm USS Russell và USS John Finn.
“Chúng tôi cảm thấy rất tuyệt khi trở lại Biển Đông lần nữa để thực hiện các hoạt động thông thường, thúc đẩy tự do hàng hải và thể hiện cam kết với các đồng minh và đối tác” - Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt, khẳng định.
Đáng chú ý, việc điều tàu sân bay của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ diễn ra ngay sau khi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ngày 22-1 ký sắc lệnh ban hành Luật Hải cảnh, có hiệu lực từ ngày 1-2, cho phép lực lượng hải cảnh TQ dùng vũ khí chống tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này