Đó là chia sẻ của chuyên viên điều trị trẻ tự kỷ Bùi Minh Tú trong buổi trò chuyện về chủ đề “Tự tin cho trẻ đến trường” diễn ra vào tối 4-11. Chương trình được tổ chức tại Trường Mầm non Trí Đức (đường C1, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM). Đây là chuỗi chuyên đề do Hội quán Các bà mẹ phối hợp với các trường mầm non, THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, giáo dục gia đình, xã hội học.
Rất nhiều phụ huynh quan tâm đến việc phải làm sao để hiểu được con, giúp con giải tỏa được cảm xúc tiêu cực. Ảnh: THANH TUYỀN
Theo chuyên gia điều trị trẻ tự kỷ Bùi Minh Tú, con trẻ phải được giải tỏa mọi cảm xúc của mình, dù đó là cảm xúc tiêu cực hay tích cực. Chuyên gia Minh Tú kể câu chuyện một đứa trẻ muốn đi vệ sinh nhưng khi nào cô giáo cũng bảo rằng “Hãy làm điều đó khi về nhà”. Dù chỉ là việc sinh hoạt hằng ngày nhưng lâu ngày sẽ gây nên cảm xúc tiêu cực trong trẻ, sau đó sẽ biểu hiện ra bằng hành động. “Đi vệ sinh là một nhu cầu cơ bản mà bất cứ ai cũng được tôn trọng nhưng đứa bé trong câu chuyện trên lại không được đáp ứng. Từ những chuyện nhỏ như vậy mà trẻ không nhận được sự chia sẻ từ người lớn thì làm sao mà không bực, làm sao mà không khó chịu cho được” - chuyên gia Minh Tú nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Bùi Minh Tú, điều mà cha mẹ và các thầy cô cần phải làm trước tiên là cho con được nói những gì con nghĩ. “Nếu trẻ không được nói ra, không được bày tỏ điều trẻ đang nghĩ với cha mẹ hay người thân thì sẽ gây nên sự ức chế về mặt cảm xúc. Điều này lâu ngày sẽ khiến trẻ trở nên lầm lì, khó chia sẻ và vô tình chúng ta đang dạy trẻ nói dối, lừa dối với chính mình” - chuyên gia Minh Tú nói.
Đơn giản như việc khi con khóc, nhiều cha mẹ sẽ chạy đến dỗ dành, bảo con đừng khóc nữa hoặc tìm mọi cách để con nín khóc. Nhưng đó là việc không nên làm vì vô tình chúng ta đang khiến trẻ đi ngược với cảm xúc của mình.
Theo chuyên gia Bùi Minh Tú, cha mẹ và thầy cô phải là người học nhiều nhất trong cách ứng xử, dạy dỗ con trẻ. Ảnh: THANH TUYỀN
“Con đang rất muốn khóc có thể là do ấm ức, do bực tức trong người mà mình chưa hiểu được nhưng lại cứ bảo và dỗ con nín ngay đi. Tại sao chúng ta không ngồi xuống bên cạnh con, nghe con khóc thôi rồi sau đó tìm hiểu trẻ đang bực tức chuyện gì. Thay vì cứ liên tục bảo nín đi, nín đi thì hãy bảo rằng "Nói mẹ nghe tại sao con khóc?"... Đó là cách chúng ta công nhận cảm xúc của trẻ, rằng đúng là con đang khó chịu, đang bực bội chuyện gì, không hài lòng chuyện gì… từ đó cùng con tìm cách giải quyết” - chuyên gia Minh Tú hướng dẫn.
Theo đó, cha mẹ phải là người giúp con tiêu hóa được những cảm xúc đó để trẻ không bột phát thành hành động như đánh bạn, chọc ghẹo bạn… Thực chất những hành động đó đều xuất phát từ cảm xúc của trẻ lâu ngày tích tụ lại, không được cha mẹ quan tâm.
Chuyên gia Minh Tú cũng lý giải thêm rằng sự tăng động của nhiều đứa trẻ hiện nay là do sự rối trí của trẻ thông qua những hành động mà chính cha mẹ mang lại. “Người lớn chúng ta có quá nhiều thứ phải lo lắng. Mặc dù mình nói với con rằng mẹ yêu con nhưng cùng lúc đó trong đầu lại nghĩ đến cái biên lai tiền điện nước, cơm áo gạo tiền đủ thứ… Dù chỉ xuất hiện trong ý nghĩ nhưng con trẻ có thể cảm nhận được hết tình cảm của mình qua câu nói, qua cách thể hiện. Điều đó khiến trẻ cảm thấy rối trí, phản ứng cao nhất là sự tăng động ở nhiều trẻ hiện nay” - chuyên gia Minh Tú nói thêm.
Chuyên gia Minh Tú cũng nhắn nhủ rằng cha mẹ và thầy cô ở trường là những người phải học rất nhiều trong việc ứng xử với con trẻ.