Cuối tuần qua, đông đảo các bậc cha mẹ đã đến tham dự buổi chia sẻ của ThS Đinh Thanh Phương, chuyên viên huấn luyện kỹ năng mềm, với chủ đề “Giúp con vượt qua những cảm xúc tiêu cực của bản thân”. Chương trình được tổ chức tại Liên đoàn Lao động quận Phú Nhuận do Hội quán Các bà mẹ phối hợp với Cung văn hóa Lao động tổ chức.
Cần sự hài hước dưới mỗi mái nhà
ThS Đinh Thanh Phương cho rằng không thể ngăn được cảm xúc tự nhiên của trẻ dù đó là tích cực hay tiêu cực. Trước một sự việc, trẻ có thể cảm thấy thích thú hay bực dọc, không thích hay thậm chí tỏ ra cay cú.
Bà Phương lấy ví dụ đơn giản: “Hôm đó con bị điểm thấp môn toán còn bạn bên cạnh lâu nay học thua con lại đạt điểm cao. Con thấy ấm ức, bực bội và mang điều đó về trút lên bố mẹ. Cảm giác của con là tự nhiên vì không muốn thua thiệt bạn bè. Quan trọng là bố mẹ phải biết cách giúp con giải tỏa cảm giác khó chịu đó”.
Theo bà Phương, thay vì nói những câu như “Cả lớp chỉ mỗi mình con thấp điểm thôi hả?” hay hỏi con “Tại sao lại như vậy? Con học hành kiểu gì vậy?”... thì bố mẹ nên tạo sự thoải mái, nhẹ nhàng cho con bằng những câu nói, sự hỏi han một cách hài hước như: “Ừ, lâu lâu điểm thấp mẹ thấy cũng vui mà con, đâu có gì sai đâu, coi như mình xui thôi” hay: “Chắc hôm nay con ôn bài bị nhầm phần nên mới điểm thấp chứ gì, mẹ nghĩ vậy”... Có rất nhiều cách nói hài hước mà bố mẹ có thể dùng để nói chuyện với con, tạo cảm giác nhẹ nhàng, không quá nặng nề cho con cái.
ThS Đinh Thanh Phương cho rằng bố mẹ cần có thời gian gần gũi con trẻ để giúp chúng khỏi những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Ảnh: HTD
Lập thang điểm đánh giá sự giận dữ
“Tính hài hước là điều rất cần trong cuộc sống. Qua nhiều lần xử lý hài như vậy cha mẹ cũng có thể tập cho con cách nghĩ hài hước để sau này con có thể tự tìm cách giải tỏa khi gặp bất cứ sự bực dọc nào” - bà Phương nhấn mạnh.
Bà Phương cũng cho rằng khi con nổi nóng vì chuyện gì thì điều đầu tiên là phải giúp con tìm cách ngưng cảm xúc đó lại như dỗ dành con, hỏi nhỏ rằng con có cần phải la toáng lên hay có những hành động bạo lực hay không. Đó là cách giúp con gọi đúng tên cảm xúc của mình, sau đó mới tìm được nguyên do sự khó chịu của trẻ.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần tập cho con đánh giá sự giận dữ của mình bằng thang điểm. Ví như con giận bố vì không giữ lời hứa, lúc đó giận ở thang điểm thứ 10 thì khoảng 30 phút sau có thể hỏi xem giờ mức độ giận dữ của con tới đâu rồi. Bằng cách này có thể giúp bé có được bài học là mọi vấn đề đều sẽ dần qua đi, trẻ sẽ nhận ra rằng không có nỗi giận nào là tồn tại mãi mãi cả.
Smartphone - thủ phạm khiến trẻ cáu gắt Tại buổi nói chuyện, một người mẹ chia sẻ câu chuyện của đứa con bị nghiện smartphone, hay cáu gắt, không muốn trò chuyện với mọi người trong gia đình nên dần trở nên xa cách. ThS Phương khuyên rằng dù là bố mẹ nhưng cũng không nên cho mình quyền hạn quá lớn để áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ. “Đừng vội la mắng hay đánh đập con khi con không nghe lời mà hãy làm gương để con noi theo. Tính cách của con cái thể hiện qua cách cư xử và hành động của bố mẹ. Bố mẹ hãy chủ động bỏ thói quen chơi với cái điện thoại. Hoặc quy định thời gian sử dụng điện thoại của cả nhà như một ngày mỗi người có 30 phút để dùng điện thoại, thời gian còn lại dùng để chuyện trò với nhau...” - bà nói. ___________________________________ Trong những gia đình có mối quan hệ giữa vợ và chồng bất hòa, phần lớn các con đều nghĩ mình là nguyên nhân chính gây ra sự đổ vỡ đó khi không thể hàn gắn cha mẹ trở lại với nhau, chúng có cảm giác tội lỗi trong mối bất hòa của cha mẹ. ThS Đinh Thanh Phương nhắn nhủ: Các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc con cái có cảm giác này. Trường hợp đó bố mẹ không nên để con tự kết tội bản thân mình mà phải giải thích cho con hiểu để nhìn nhận rõ sự tan vỡ là không phải do con mà do bố mẹ không tìm thấy sự đồng cảm nữa. |