'Ba chửi con hư... con hư cho ba thấy'

Tại buổi tọa đàm “bí quyết làm bạn với con” tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM cuối tuần qua, TS Phạm Thị Thúy chia sẻ một câu chuyện rất buồn. Trong một lần tìm đến chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ, một cô gái làng chơi kể với bà: “Hồi em 15, em cũng đua đòi với bạn bè. Tuổi đó đứa trẻ nào cũng dễ nổi loạn. Nhưng ba em không bao giờ nói với em một câu nhẹ nhàng. Đau lòng nhất là ba gọi em là con đĩ”.

“Ba chửi con hư... con hư cho ba thấy”

Không phải một lần mà nhiều lần người cha nóng nảy đã mắng con gái mình bằng từ ngữ hết sức xúc phạm đó. Ông cấm con gái giao du với bạn bè, cô gái càng nổi loạn. Cô cảm thấy tuyệt vọng vì cảm thấy mình không được yêu thương, không được tin tưởng. Vài lần cô muốn cố gắng thay đổi nhưng người cha dường như không nhìn nhận. Cách nhìn của ông về con gái và bọn trẻ là rất khắt khe.

Tuổi dậy thì của cô gái đầy sóng gió và nước mắt. Trong một lần nông nổi, cô gái đã nghĩ rằng: “Ba chửi con hư, vậy con hư luôn cho ba thấy”. Và rồi cô trượt ngã. Sau nhiều biến cố cuộc đời, cô trở thành gái bán dâm. Trong sâu thẳm lòng mình, cô muốn quay về cuộc đời của một phụ nữ bình thường, vì vậy cô đến gặp chuyên gia tâm lý để tìm một lối đi.

TS Phạm Thị Thúy chia sẻ: “Đó là một câu chuyện rất đau lòng. Nhiều cha mẹ vì không có kỹ năng trò chuyện, làm bạn với con đã làm những đứa trẻ rất tổn thương. Có những đứa trẻ tuyệt vọng tới mức chúng đã tự tử”.

 Ở phương Tây, người ta gọi đó là “hội chứng dán nhãn”, tức là cha mẹ có định kiến như thế nào thì con cái dễ trở thành người như vậy.

Làm bạn, trò chuyện, khen đúng lúc là một trong những giải pháp dạy trẻ hữu hiệu. Ảnh: HTD

Đừng mắng con vô tích sự

Một lần khi trò chuyện với các phụ huynh, ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân (BV ĐH Y Dược) cho biết chị từng tư vấn cho một phụ huynh vì không thể dạy dỗ được đứa con từng là con ngoan trò giỏi, sau đó trượt dài thành học sinh cá biệt, chỉ mê cày game và ngày càng ngang bướng. Khi thấy mặt con là người mẹ rầy la “cắm mặt vào game rồi lớn lên chẳng được tích sự gì”. Đáp lại sự xéo xắt của mẹ, cậu bé khẳng định luôn mình là kẻ vô tích sự và thường dạt nhà cày game tới khuya. Chuyên gia tâm lý tìm hiểu thì được biết trước đây khi em còn là học sinh giỏi, người mẹ vẫn so sánh chê em… dở hơn người đạt điểm cao hơn, rất ít khi bà thể hiện mình hài lòng về con. Cũng vì vậy mà cậu bé “lầy” luôn như một sự phản kháng.

Theo ThS Hà Trung Thành (Học viện Cán bộ TP.HCM), nhiều đứa trẻ đã bị ám thị luôn rằng mình vô tích sự, vì cha mẹ chúng thường nói như vậy. Những đứa trẻ này sẽ thiếu tự tin vào bản thân, không dám đương đầu khó khăn và thường thất bại. Vì vậy, khi gặp những phụ huynh than phiền con mình vô tích sự, ông hướng dẫn các phụ huynh hãy tìm điểm tốt để khen ngợi, khích lệ con. Sau đó hãy góp ý, hướng dẫn cho con cách khắc phục điểm yếu của mình thay vì chỉ trích.

“Em thật là một cô bé ngoan!”

1. Mới rồi, chúng tôi tổ chức họp lớp cấp 3. Khi thầy hiệu trưởng phát biểu, lớp chúng tôi ai cũng xúc động, nghẹn ngào. Thầy nói các em ngày xưa tuy có nghịch ngợm chút ít nhưng vẫn là những trò ngoan. “Tôi nhớ như in hôm đó em Bình (là tôi) chạy xe đạp hớt hơ hớt hải đến nhà tôi vừa khóc vừa báo tin thầy T. bị tai nạn (nhẹ thôi, sau đó thầy khỏe lại bình thường - NV). Hình ảnh đó làm tôi cảm động. Những học trò ngoan như thế làm tôi tin sau này các em sẽ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Quả thật bây giờ các em đã trưởng thành, đã chứng tỏ niềm tin và sự mong mỏi của tôi và các thầy cô ngày đó là đúng…”.

Tôi và cả lớp lặng người. Hơn 20 năm ra trường, lớp tôi không ai còn nhớ chuyện này, vậy mà thầy lại nhớ, chỉ vì đó là chuyện tốt.

Tôi còn nhớ lúc ấy đã gần thi tốt nghiệp nhưng tôi bị thầy chủ nhiệm tạm đình chỉ “chức” lớp trưởng. Sau đó, trường đã mời một số phụ huynh (trong đó có ba tôi) lên làm việc. Lý do: Trò nghịch của chúng tôi thật quá trớn đối với các thầy cô. Đã có ý kiến xầm xì đề nghị xem xét kỷ luật tới mức cấm thi tốt nghiệp đối với chúng tôi. Lúc ấy thầy hiệu trưởng chăm chú lắng nghe từng lời trình bày của các bên. Xong thầy nói: “Các em nhỏ dại, nhắc nhở vậy là được rồi, các anh chị (chỉ phụ huynh) về đừng la mắng các em nó nữa mà hãy nhắc nhở các em ôn bài cho hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH sắp tới”.

Thầy đã “gút” cho tương lai của chúng tôi như vậy, thay vì lập hội đồng kỷ luật rồi ra quyết định cấm thi!

Khi đáp từ tại buổi họp lớp, tôi đã kính cẩn nói với thầy hiệu trưởng của mình: “Thưa thầy, thầy làm chúng em thật cảm động! Thầy thật giống thầy hiệu trưởng Kô-ba-y-a-si trong truyện Tốt-tô-chan, cô bé bên cửa sổ!”.

2. Cô bé Tốt-tô-chan trong truyện Nhật Bản nói trên là một cô bé hồn nhiên, thông minh nhưng lại hay có những hành vi “vượt chuẩn”. Ấy vậy nhưng lần gặp nào, dù là để xử lý vấn đề do cô bé gây ra, thầy hiệu trưởng Kô-ba-y-a-si đều xoa đầu: “Em biết không, em thật là một cô bé ngoan!”.

Khi đến trường tiểu học đầu tiên, Tôt-tô-chan từng bị đuổi. Bởi bé luôn có những hành vi kỳ cục, không bình thường so với những đứa trẻ khác. Đến nỗi cô giáo chủ nhiệm đã phải mắng vốn với mẹ em rằng: “Con gái bà làm loạn cả lớp tôi. Tôi buộc phải đề nghị với bà chuyển em sang trường khác”.

Bà mẹ không hề nói với con mình rằng con bị đuổi học. Bà nhận thấy con bà không thể hiểu nổi những việc sai trái của nó. Bà cũng không muốn con mình sẽ mang những mặc cảm ấy đến trường. Bà lẳng lặng đi tìm cho con một trường khác. Và rồi ở ngôi trường mới, Tốt-tô-chan đã may mắn gặp được thầy hiệu trưởng Kô-ba-y-a-si, người luôn khen “em thật là một cô bé ngoan!”.

Có lẽ nhờ những lời khen ấy và cả cách dạy con tuyệt vời của bà mẹ mà Tốt-tô-chan đã dần dần trở thành cô bé ngoan nhưng vẫn giữ được nét tính cách độc đáo của mình…

Bất cứ khi nào đọc lại cuốn sách này tôi đều thấy xúc động như lần đầu. Tôi mong muốn bất cứ ai làm người lớn, là cha mẹ, là thầy cô… đều nên đọc cuốn này. Bởi nó mách cho chúng ta rằng để giáo dục một đứa trẻ thì cần phải khích lệ, động viên nhiều hơn là chỉ trích, quát nạt.

NGÔ THÁI BÌNH

Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ thương con cho roi cho vọt, thường luôn chỉ trích chứ không biết ngợi khen. Nhưng roi vọt định kiến chỉ làm con cái bị tổn thương chứ không giúp được những đứa trẻ lớn lên.

ThS HÀ TRUNG THÀNH

Kỹ năng dạy con “tâm phục khẩu phục”

- Khen: Luôn tìm điểm tốt để khen con. Khen con chân thành, hợp lý. Khen cụ thể và đúng lúc. Khen trước càng nhiều người càng tốt.

- Chê: Khi muốn chê con, phải nêu điểm tốt trước khi nói đến điểm hạn chế. Sau đó cha mẹ phải gợi ý, hướng dẫn làm thế nào để tốt hơn. Chỉ chê sự việc, không chê con người. Không có gì làm một đứa trẻ tổn thương bằng việc chê nhân cách của nó.

TS PHẠM THỊ THÚY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm