Khi con trẻ cô đơn...

Trong một buổi trò chuyện “Điều con muốn nói” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP.HCM tổ chức, một em học sinh đã bày tỏ: “Con ước gì cha mẹ dành ra một ngày để đi chơi với con. Lần cuối cùng con được đi chơi với cha mẹ là cách đây hai năm, lâu lắm rồi…”. Lời nói của em làm mọi người lặng đi.

Con muốn… bị ốm

Cậu bé đó tên TS (nay học lớp 6 ở quận 11). TS cho biết em đã rất cố gắng để cha mẹ có nhiều thời gian hơn cho gia đình: “Con đi học về là tự dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm. Cha mẹ con đi làm đến tối mới về. Có hôm cha mẹ chỉ mở lồng bàn coi rồi đậy lại, mẹ nói mệt quá ăn không nổi. Gia đình con ít khi được ăn cơm với nhau. Có một lần con nói cha mẹ nghỉ làm cuối tuần ở nhà chơi với con nhưng cha mẹ nói bận làm việc kiếm tiền để lo cho tương lai và lúc ốm đau”. Dù rất thương cha mẹ nhưng TS cho biết nhiều lúc em muốn… bị ốm để được cha mẹ ở bên cạnh một ngày. Nhưng ngay cả khi TS bị ốm, cha mẹ cũng chỉ nghỉ được một buổi chăm con rồi nhờ họ hàng đến giúp.

Bà Lê Thị Thanh Nhã, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa gia đình, chia sẻ trong một lần trò chuyện với học sinh lớp 5, bà hỏi các em có được thường xuyên ăn cơm với cha mẹ hay không. Chỉ có ba cánh tay trong số 38 học sinh rụt rè giơ lên. Một đứa trẻ nói với bà: “Con muốn ăn cơm chung với cha mẹ nhưng không được. Con đi học cả ngày, ăn cơm ở trường. Cha mẹ tối mới về, ai về trước ăn trước”. Một em học sinh khác cho biết em chỉ thường xuyên ăn cơm với cô giúp việc. Vì muốn được “nhõng nhẽo” với cha mẹ nên thỉnh thoảng em cũng bị… “bệnh giả vờ”. Chuyên gia Thanh Nhã đã giật mình khi nghe một em nhỏ dùng chính xác từ “cô đơn” để nói về cảm giác của mình.

Thiếu kết nối, trẻ mất phương hướng

Theo chuyên gia, khi những đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì, sự thiếu kết nối với cha mẹ dễ đẩy trẻ vào sự chông chênh, mất phương hướng và dễ sa ngã.

Bà Nguyễn Thị Hương (Viện Nghiên cứu phát triển TP) chia sẻ tham luận tại một hội thảo khoa học gần đây khi bà phỏng vấn một số thiếu niên ở Trường Giáo dưỡng số 4. Hầu hết các em nơi này đã bày tỏ sự trống trải của mình. “Ba mẹ em ly thân, em sống với mẹ, mẹ rất ít khi nói chuyện với em”. Một nam học sinh khác đã bị công an mời làm việc vì vi phạm pháp luật, mẹ của em vẫn không tin vì nghĩ rằng mình đã “giao con” cho nhà trường từ sáng đến tối, thời gian đó chị bận đi làm. Vấn đề lớn của cậu học sinh này là: “Mẹ ít khi ăn cơm chung hay trò chuyện với em”.

Trong hội thảo khoa học liên quan đến giá trị văn hóa tinh thần gia đình hiện nay vừa diễn ra, PGS-TS Đỗ Ngọc Anh (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa) cho rằng nhiều cha mẹ khi xưa nghèo khó, bây giờ họ có cơ hội kiếm tiền nên muốn bù đắp cho con cái thời gian không ở bên con bằng cách cho con nhiều tiền. Cuộc sống đầy đủ nhưng thiếu vắng tình thương đã đẩy nhiều đứa trẻ vào cô đơn và sa ngã.

Nhiều phụ huynh khi trò chuyện với các chuyên gia tư vấn tâm lý gia đình đã bày tỏ sự bất ngờ khi biết con trẻ nghiêm trọng hóa việc không được trò chuyện, vui chơi với cha mẹ. Một phụ huynh chia sẻ một buổi trò chuyện tại Nhà văn hóa Phụ nữ: “Thỉnh thoảng tôi đưa con đi chơi, con hay năn nỉ chơi thêm thì tôi nói để mai hoặc bữa sau chơi tiếp. Nói vậy thôi nhưng khi nào rảnh rang tôi mới làm vì tôi nghĩ mình bận rộn kiếm tiền cũng là vì con. Tôi nghĩ trẻ con đứa nào cũng ham chơi và nhanh quên mà không biết mình đã làm con buồn”.

Nếu muốn, sẽ có đủ thời gian

Trong một buổi trò chuyện, có một phụ huynh nói với tôi rằng: “Tôi có muốn dành thời gian cho con cũng không được vì công việc quá bận”. Một bà ngoại (đi nghe người ta bàn chuyện cha mẹ dạy cháu) đã đứng lên nêu ý kiến: “Tại anh không cảm thấy việc dành thời gian cho con là quan trọng, chứ nếu thực sự muốn anh sẽ có đủ thời gian”. Tôi hoàn toàn đồng ý với bà. Nếu cha mẹ thực sự hiểu con, họ sẽ có cách tạo ra thời gian dành cho con. Đừng để những đứa trẻ cô đơn trong chính gia đình của mình. Nhiều cha mẹ khi nhận ra và hối hận thì những đứa trẻ đó đã vuột khỏi tay họ.

LÊ THỊ THANH NHÃ,
chuyên gia nghiên cứu về văn hóa gia đình

Thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày một ít đi. Theo một báo cáo điều tra gia đình Việt Nam, có tới 62,9% bậc cha mẹ phía Bắc, 57,7% bậc cha mẹ phía Nam dành chưa đến 30 phút mỗi ngày để trò chuyện hoặc giải trí cùng con.

Theo TS ĐẬU THỊ ÁNH TUYẾT, ĐH Văn hóa TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm