Cuối tuần qua, chị HTNN đưa con gái chín tuổi đến tham dự chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, nhất là đối với những đứa trẻ ngang bướng của ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân (BV ĐH Y Dược) tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM.
Chị N. hy vọng sau khi cùng trò chuyện với chuyên gia, hai mẹ con sẽ hiểu nhau hơn. Chị cho biết con gái chị càng ngày càng tỏ ra ngang bướng, hay cãi người lớn. Khi nghe mẹ nói vậy, cô bé nói lại ngay: “Tại mẹ cứ la con hoài”. Chị N. lo lắng con gái có thể nổi loạn dữ dội như chị ngày xưa.
Khi phụ huynh quá nghiêm khắc
Chị N. chia sẻ mẹ chị là một người nghiêm khắc tới mức lạnh lùng. Mẹ chị chưa từng nói với chị một câu dịu dàng, yêu thương. Mỗi khi không vừa ý, bà thường chê trách con thậm tệ dù trong mắt nhiều phụ huynh, chị là một cô bé đảm đang, tháo vát. Mẹ chị còn bắt chị nghỉ chơi với cô bạn thân vì cô bạn đó “con nít mà bày đặt yêu đương”.
Từ chỗ sợ mẹ, dần dần chị trở nên bướng bỉnh rồi nổi loạn. Hễ mẹ chị yêu cầu làm điều gì, chị đều làm ngược lại. Hai mẹ con luôn ở tư thế đối đầu nhau. Nhiều lần chị bỏ sang nhà bạn giữa đêm để “cả nhà hoảng loạn chơi”. Nhưng chỉ có các dì hốt hoảng đi tìm, mẹ chị vẫn tỏ ra lạnh lùng, không hỏi chị một câu. Chị luôn so sánh mẹ với những người mẹ tâm lý của những đứa bạn, rồi đau khổ. Cảm giác cô đơn, buồn tủi theo đuổi mãi cho đến khi chị lập gia đình rồi có con.
ThS Vũ Cẩm Vân trao đổi với một số phụ huynh. Ảnh: HM
Chị cố gắng bù đắp cho con như một cách bù đắp cho tuổi thơ của mình. Chị làm hết mọi việc cho con chỉ với yêu cầu con chịu học, nghe lời mẹ. Nhưng bà ngoại của bé lại dạy cháu gái theo cách nghiêm khắc như trước kia dành cho con gái và theo đúng nếp xưa: Con gái phải dậy sớm, phải biết lo toan việc nhà… Chị và mẹ lại xung đột nhau vì “giành” nhau quyền được dạy cô gái bé bỏng trong nhà. Cô bé cũng trở nên bướng bỉnh, nhiều lúc cãi nhau tay đôi kịch liệt với cả bà và mẹ. Chị thấy hình bóng con gái trong tuổi trẻ của mình và lo lắng không nguôi.
Không ghi nhận và thấu hiểu con
Trao đổi với các bậc phụ huynh, ThS tâm lý Vũ Cẩm Vân chia sẻ có những đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc chỉ bởi cha mẹ không ghi nhận và thấu hiểu. Một trong những ca ThS Cẩm Vân đã điều trị tâm lý là một em học sinh giỏi và ngoan của một trường nổi tiếng thành phố. Từ học sinh giỏi cấp thành phố, em dần dần bỏ bê việc học, sa đà vào chơi game, có hôm em trốn ra tiệm chơi game đến khuya mới về. Cha mẹ càng rầy la, em càng tỏ ra bất cần.
Qua tiếp xúc trò chuyện, chuyên gia tâm lý nhận ra cậu học sinh này thường xuyên bất an, chán nản. Em đã luôn cố gắng học tập để cha mẹ vui lòng nhưng khi em đạt giải nhì trong một cuộc thi, mẹ em chỉ hỏi: “Sao không đạt giải nhất?”. Cảm giác không được cha mẹ trân trọng, không được ghi nhận khiến em đánh mất động lực học tập vì “học giỏi cũng vậy” và dần trở nên cá biệt. Em cũng không giao tiếp được với bạn bè.
ThS Cẩm Vân đã gặp gỡ người mẹ và biết rằng chị rất thương con nhưng vì tính cách chị cầu toàn quá mức, chị luôn muốn con chị phải giỏi nhất, hoàn hảo nhất nên ít khi bày tỏ sự hài lòng. Qua tham vấn của chuyên gia, chị đã điều chỉnh cách cư xử với con, nhìn nhận đánh giá tích cực về con. Sau một thời gian, cậu học sinh đã ổn định tâm lý, dần “cai” game để quay lại việc học.
Những nguyên tắc dạy trẻ ngang bướng Theo ThS Vũ Cẩm Vân, để cảm hóa những đứa trẻ ngang bướng, cha mẹ cần: - Tạo mối quan hệ gắn bó, an toàn với con. - Thiết lập những nguyên tắc trong gia đình và luôn nhất quán trong cách dạy con. - Lắng nghe và cho con cơ hội được bộc lộ cảm xúc. - Không dán nhãn con là “vô dụng”, “hư”, “xấu xa”. - Không áp đặt con, cho con cơ hội lựa chọn. - Đặt niềm tin vào con. - Khích lệ, khen ngợi con đúng cách. - Kiềm chế cảm xúc tiêu cực, làm gương cho con. ______________________________ Nhiều đứa trẻ trở nên bướng bỉnh là bởi chúng cảm thấy không được yêu thương. Những tổn thương đó có thể kéo dài và dữ dội nếu cha mẹ quá nghiêm khắc, khó gần, trẻ sẽ không tìm thấy nơi tin cậy để chia sẻ. Cha mẹ cần phải thay đổi cách cư xử với con, phải gần gũi và làm bạn với con. Trong gia đình, để tránh những xung đột khi dạy con, người lớn cần xác định những giới hạn và nhất quán trong cách dạy trẻ. ThS tâm lý lâm sàng VŨ CẨM VÂN |