Nguồn cung nhà ở tại TP.HCM và các tỉnh lân cận xuống mức thấp nhất trong cả năm. Tỉ lệ tiêu thụ giảm khiến nhiều chủ đầu tư phải dời lịch mở bán từ tháng 8 sang tháng 9 để tăng thêm hiệu ứng truyền thông, marketing cho dự án.
Sức cầu thị trường căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang xuống thấp. |
Chủ đầu tư lo ngại vì sức mua kém
“Mặc dù hầu hết dự án chỉ thận trọng mở giỏ hàng dưới 150-200 căn nhưng sức cầu thị trường căn hộ vẫn tiếp tục giảm. Đặc biệt là tại TP.HCM, khi chỉ chiếm 27% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường trong tháng 8” - ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Group, cho biết.
Theo ông Thắng, vì sức cầu giảm nên hầu hết chủ đầu tư lựa chọn dời thời gian mở bán lại vào tháng 9 (thay vì tháng 8) như ban đầu để gia tăng thời gian truyền thông nhằm tối ưu hiệu quả bán hàng.
DKRA Group cho biết trong tháng 8, phân khúc căn hộ ở TP.HCM và các tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh) chỉ có một dự án mở bán mới, còn lại 10 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo.
“Mặt bằng giá sơ cấp và thứ cấp phân khúc căn hộ đang đi ngang với thanh khoản thị trường ở mức thấp trước động thái hạn chế giải ngân cho vay mua bất động sản (BĐS) của các ngân hàng thương mại” - báo cáo thị trường tháng 8 về thị trường TP.HCM và vùng phụ cận của DKRA Group nêu rõ.
Ngoài ra, DKRA Group cũng đưa ra thống kê không mấy sáng sủa khi tỉ lệ hấp thụ chung ở các dự án chạm đáy, thấp nhất trong hơn ba năm trở lại đây, dao động phổ biến chỉ 16%-26% giỏ hàng mở bán trong tháng.
Phân khúc nhà phố - biệt thự cũng ghi nhận việc khách hàng khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, cộng hưởng với tác động tâm lý tháng 7 âm lịch (tháng Ngâu) đã ảnh hưởng rất lớn đến sức cầu thị trường.
Lượng tiêu thụ phân khúc này duy trì ở mức thấp, chỉ đạt 22% (TP.HCM và các tỉnh lân cận), trong đó Đồng Nai chiếm tỉ trọng chủ yếu khoảng 77% dù nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn được các chủ đầu tư tung ra trong tháng như cam kết cho thuê, cam kết nhận chuyển nhượng lại, gia hạn giải ngân... nhằm kích cầu.
Mặc dù hầu hết dự án chỉ thận trọng mở giỏ hàng dưới 150-200 căn nhưng sức cầu căn hộ vẫn tiếp tục giảm.
Hy vọng khởi sắc cuối năm
“Thời gian tới, với khả năng việc hạn chế giải ngân cho vay mua BĐS được nới lỏng, thị trường có thể hồi phục vào thời điểm cuối năm nhưng sẽ khó có sự đột biến trong ngắn hạn” - ông Thắng nhận định.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cho rằng một trong những điều sẽ tác động tích cực lên thị trường BĐS là Chỉ thị 13 của Thủ tướng (ban hành cuối tháng 8 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững), theo đó phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, không siết tín dụng bất hợp lý, giật cục.
“VARS kiến nghị Chính phủ cần có chỉ thị nhiệm vụ cụ thể và giải pháp trọng tâm cho các bộ, ngành như sửa đổi luật liên quan, quy định về room tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động kiểm tra, giám sát nhà nước… VARS mong muốn có một thị trường BĐS lành mạnh, công bằng, an cư lạc nghiệp cho mọi người, mọi nhà…” - ông Đính nêu ý kiến.
Về góc độ khách hàng, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, nêu một trong những lý do sức mua thấp là các dự án mới hiện niêm yết giá khá cao, gấp 2-3 lần giá thứ cấp của dự án cùng phân khúc, cùng khu vực.
“Đây là rào cản lớn với khách mua vì họ không cảm nhận được tiềm năng sinh lợi hay giá trị thật. Cần phải nói thêm, các dự án mới giá cao dành cho ai? Có lẽ chỉ phù hợp cho những ai hưởng lợi mạnh mẽ từ cơn sốt đất vừa qua, họ có lợi nhuận để mua nhà phố, biệt thự… Còn người thu nhập thấp, trung bình hiện nay rất khó có khả năng mua nhà” - ông Việt nói.•
Diễn biến thị trường cuối năm
Theo DKRA Group, phân khúc nhà phố - biệt thự dự kiến nguồn cung và lượng tiêu thụ sẽ tăng nhưng không có nhiều đột biến, tập trung chủ yếu ở khu Đông TP.HCM.
Về BĐS nghỉ dưỡng, nếu điểm nghẽn về kiểm soát tín dụng không được tháo gỡ, dự kiến nguồn cung và sức cầu thị trường tiếp tục xu hướng giảm và tập trung chủ yếu ở những địa phương quen thuộc như Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đối với condotel, dự kiến nguồn cung và lượng tiêu thụ có thể tăng, phân bổ chủ yếu tại Bình Định và Bà Rịa-Vũng Tàu.