Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ở TP.HCM chuyển đổi số

(PLO)- Đẩy mạnh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số là giải pháp để kinh tế số TP.HCM đạt mục tiêu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM có mục tiêu phát triển kinh tế số cao hơn cả nước nên nhiệm vụ rất nặng nề. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, chia sẻ về những vấn đề cần giải quyết ngay để TP đạt được mục tiêu đề ra.

Doanh nghiệp sẽ dùng dịch vụ số giá rẻ

.Phóng viên: Theo bà, TP.HCM có điểm mạnh và hạn chế gì trên hành trình phát triển kinh tế số, hay rộng hơn là chuyển đổi số (CĐS)?

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM

+ Bà Võ Thị Trung Trinh (ảnh): Điểm mạnh của TP.HCM là các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin, các trường đại học lớn đào tạo công nghệ thông tin tập trung nhiều. Như vậy, TP có nguồn lực về hạ tầng công nghệ thông tin cũng như nhân lực phục vụ quá trình CĐS. Ngoài ra, TP.HCM đi tiên phong cả nước trong các lĩnh vực như xây dựng đô thị thông minh, chính phủ điện tử.

Trên hành trình CĐS, TP.HCM vẫn còn một số hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. TP có tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cao nhất cả nước, vậy nên mở thêm một hướng nữa là cung cấp nhiều dịch vụ hơn. Nhờ vậy, tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của TP sẽ cao hơn cả về số lượng lẫn chất lượng.

Bản chất của CĐS là thay đổi mô hình hoạt động dựa trên công nghệ số và dữ liệu lớn. Cần có sự đồng bộ liên thông kết nối dữ liệu giữa trung ương và địa phương. Cần tận dụng tối đa hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin thay vì phải làm lại nhiều lần hoặc phải sử dụng nhiều lần.

460.000

DN ở TP.HCM với hơn 95% là DN vừa và nhỏ cùng khoảng 300.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Có trên 50% DN ứng dụng công nghệ thông tin nhưng nhiều DN chỉ ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp độ cơ bản.

. Trong hành trình CĐS của TP.HCM, Sở TT&TT đóng vai trò quan trọng. Từ góc độ của sở, TP.HCM có chương trình hành động gì để hỗ trợ DN và người dân?

+ Đối với việc CĐS trong thời gian tới, TP.HCM tập trung vào ba nhóm công việc chính: Nhóm thứ nhất là nâng cao nhận thức và năng lực kinh tế số cho các DN. Đây là việc có thể làm thông qua những hội thảo, hoạt động của các hiệp hội. Đồng thời thực hiện những chương trình đào tạo trực tuyến để cung cấp thông tin trên các phương tiện, trong đó có cổng thông tin CĐS, tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận. Đây là những thông tin rất cơ bản về CĐS hướng tới DN nhỏ và vừa tại TP.HCM. Những DN này mong muốn CĐS nhưng thiếu nguồn lực nên không thể thực hiện được.

Nội dung thứ hai là hỗ trợ cụ thể cho các DN trong việc tiếp cận một số công nghệ nền tảng để CĐS.

Những công nghệ nền tảng này đến từ sự chung tay của các tập đoàn lớn cũng như các hiệp hội. Ví dụ: Ứng dụng kế toán điện tử hay hóa đơn, văn phòng điện tử. Chúng tôi đang làm việc với các đơn vị cung cấp để có chi phí thấp, DN chỉ tốn từ vài trăm ngàn đến 1-2 triệu đồng/tháng. Như vậy đảm bảo các DN tiếp cận được những công nghệ này thay vì duy trì một đội ngũ công nghệ thông tin, phải đầu tư phần cứng, phần mềm. Các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp luôn gặp rất nhiều khó khăn, việc tiết giảm chi phí, nhân lực càng là vấn đề cấp thiết.

Nội dung thứ ba là sẽ hoàn thiện các cơ sở pháp lý để hỗ trợ DN CĐS hiệu quả. Hiện nay, DN có thể sử dụng Quỹ phát triển KH&CN TP.HCM để làm nguồn ngân sách thực hiện CĐS. DN cũng có thể được tư vấn giải quyết những vướng mắc, khó khăn khi CĐS thông qua Trung tâm hỗ trợ và tư vấn CĐS TP.HCM.

Tuy vậy, CĐS là công việc phức tạp, đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía. Chủ các DN cần chủ động tìm đến các nguồn lực hỗ trợ, cải tiến mô hình hoạt động của mình.

Về phía quản lý, một số chính sách đã, đang được xây dựng để hỗ trợ DN, người dân. Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào việc làm sao để DN, người dân có những kiến thức, chuyên môn đúng về công tác CĐS. Tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận các nền tảng CĐS đang phổ quát trên thị trường. Để từ đó, DN dễ dàng thay đổi mô hình kinh doanh của mình.

Chuyển đổi số cần những chính sách hiệu quả và sự chủ động của doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chuyển đổi số cần những chính sách hiệu quả và sự chủ động của doanh nghiệp.
Ảnh: HOÀNG GIANG

. TP.HCM đặt mục tiêu lớn về CĐS nhưng kỳ vọng từ trung ương cùng dư luận thậm chí còn lớn hơn. TP.HCM còn thiếu điều gì để đáp ứng kỳ vọng?

+ TP.HCM ban hành chương trình CĐS sau khi chương trình CĐS của quốc gia được triển khai một tháng. Việc CĐS trong giai đoạn đầu quá chậm vì TP phải dồn lực cho công tác phòng chống dịch. Có một số nội dung hiện nay vẫn chưa triển khai kịp. Trung ương và dư luận kỳ vọng CĐS của TP phải tăng tốc, phải có những sản phẩm cụ thể để phục vụ người dân, DN.

Ngoài kế hoạch dài hạn, chúng tôi vẫn có những sản phẩm, dịch vụ để phục vụ trực tiếp và từ đây, người dân, DN dễ dàng cảm nhận được quá trình CĐS. TP đang hướng tới sử dụng hộ tịch điện tử, triển khai đăng ký kết hôn, khai sinh trên phiên bản điện tử, giúp người dân dễ dàng thực hiện các giao dịch dân sự. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là từ hành chính và quản lý chuyển sang phục vụ và quản trị. Phục vụ bằng cách nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công. Quản trị bằng cách sử dụng các dữ liệu, công nghệ để đảm bảo hoạt động của TP được tốt hơn. Tất cả nội dung trên đều nằm trong trọng tâm CĐS của TP.

Thống nhất dữ liệu từ trung ương tới địa phương

. Một số ý kiến đề xuất TP.HCM nên có viện nghiên cứu chuyên về CĐS, bà đánh giá việc này thế nào?

+ CĐS là một quá trình thay đổi không ngừng. Chúng ta có thể đặt những bài toán liên quan đến đổi mới, sáng tạo cho các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước triển khai thực hiện và đạt kết quả rất nhanh. Đó là cách tận dụng các nguồn lực vì không gian số không có giới hạn về địa lý. Bài toán của Việt Nam vẫn có thể giải được ở các quốc gia khác.

Theo tôi, thay vì lập một viện chuyên nghiên cứu CĐS, chúng ta có thể lập một trung tâm CĐS. Đây là mô hình mạng giúp DN và người dân có những trải nghiệm thông tin hữu ích để thực hiện CĐS.

. TP.HCM cần được tạo cơ chế và sự hỗ trợ như thế nào từ trung ương để đạt những mục tiêu trong CĐS?

+ Chúng tôi vẫn nhận được sự hỗ trợ quý báu từ trung ương, trong đó có Bộ TT&TT. Một số chính sách liên quan đến CĐS đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa trung ương và địa phương. Chúng tôi mong muốn trung ương chia sẻ dữ liệu quốc gia để thay vì TP phải lập thêm dữ liệu nữa, TP chia sẻ và khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu do các bộ, ngành triển khai. Chúng tôi đang xúc tiến việc này một cách cấp bách đối với những bộ, lĩnh vực như TT&TT, y tế, BHXH… để có cơ sở dữ liệu phục vụ công tác CĐS của TP. Đối với công tác CĐS, khâu dữ liệu rất quan trọng. TP rất cần cơ sở dữ liệu để CĐS nhanh.

. Bà có thể chia sẻ ví dụ cụ thể về lợi ích của việc sử dụng chung dữ liệu để người dân và DN cùng hiểu?

+ Trong công tác phòng chống dịch vừa qua, khi sử dụng PC-Covid, người dân ở TP.HCM có thể đi các nơi, kể cả nước ngoài. Nếu dữ liệu PC-Covid được chia sẻ lại cho không chỉ TP.HCM mà cả các tỉnh, thành thì rất dễ dàng có được thông tin hữu ích để phục vụ công tác phòng chống dịch. Chẳng hạn lúc cao điểm dịch, sau khi một F0 xuất hiện tại đâu đó, có thể nhanh chóng xác định được những ai từng đến địa điểm này để chủ động có những giải pháp.

Ví dụ trên cho thấy thay vì thu thập dữ liệu từ nhiều hệ thống, chúng ta chỉ cần thu thập vào một nơi và chia sẻ cho những đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo vệ nguồn dữ liệu. Tính riêng tư của dữ liệu rất quan trọng trong quá trình CĐS.

. Xin cám ơn bà.•

...............................

ÔngTRƯƠNG GIA BÌNH, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT:

Mong các trường có thêm môn học liên quan đến trí tuệ nhân tạo...

Chúng ta không thể làm gì với quá khứ nhưng có thể chọn tương lai. Tại sao chúng ta không chọn TP.HCM như một viên ngọc xanh trong thế giới mới?

20 năm trước, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam quá nhỏ bé, ngành phần mềm là số 0 và chúng ta mơ ước trí tuệ Việt Nam vươn tới thế giới. 20 năm sau, bức tranh hoàn toàn thay đổi. Chúng ta đã có sự lựa chọn thành công.

Bảy năm trước, Nguyễn Hà Đông đột nhiên trở thành biểu tượng của Google, giờ chúng ta đã có Nguyễn Thành Trung là người số 1 thế giới về GameFi. Đi đến các nước thì thấy Việt Nam là quốc gia triển khai chuyển đổi số quyết liệt nhất, trên khắp các tỉnh, thành.

Chúng ta có thể tự hào TP.HCM là ngọn cờ công nghệ thông tin của cả nước. 20 năm trước, từ số 0 chúng ta mơ vậy; 20 năm sau chúng ta mơ gì đây? Khi nói đến viên ngọc xanh, tôi muốn khẳng định TP là nơi tốt nhất để sống, làm việc trên nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

TP.HCM phải là TP trung tâm xây dựng TP thông minh khác, là TP kiến tạo một thế giới mới. Tôi hy vọng tất cả trường đại học, cao đẳng, phổ thông của TP năm học tới có thêm các môn học liên quan đến trí tuệ nhân tạo, metavers… Bằng cách như vậy, chúng ta có nguồn nhân lực lớn nhất thế giới.

Với năng suất lao động cao như vậy, đào tạo nhanh như vậy, sức sáng tạo lớn như vậy, số học viên đông như vậy, tại sao TP.HCM không trở thành một trung tâm sản xuất game công nghệ số của thế giới?

ĐẶNG MỸ CHÂU, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần VietLotus:

Cần phân định chuyển đổi số giữa doanh nghiệp và chính quyền

Các doanh nghiệp (DN) mong muốn lãnh đạo TP.HCM tạo điều kiện để tham gia quá trình chuyển đổi số. Nếu TP đưa ra các chiến lược mà DN không đồng hành thì sau này sẽ phải thay đổi khá nhiều. Đặc biệt, rất cần sự hiện diện của các DN về công nghệ có kinh nghiệm trong việc ứng dụng chuyển đổi số.

TP.HCM nên xây dựng cơ chế đặc biệt dành cho các DN. Nếu tham gia quá trình chuyển đổi số thì sẽ được lợi thế gì. Ưu tiên cho những DN đã ứng dụng chuyển đổi số về công nghệ, con người.

TP.HCM sẽ xây dựng các quy trình chuyển đổi số, tuy nhiên quy trình ứng dụng chuyển đổi số của DN hay chính quyền rất khác nhau. Bởi vì mô hình DN luôn thay đổi tùy vào tình hình thực tế, nguồn tài chính, nguồn lực, còn chính quyền có quy trình rất rõ ràng, cụ thể, ổn định. Cần phân định rõ sự khác biệt này để chuyển đổi số hiệu quả.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế số, các chính sách cần cởi mở hơn, nhanh chóng hơn, dù hiện nay đã nhanh chóng, cởi mở rất nhiều. So sánh với một số đô thị trong khu vực như Singapore, TP.HCM còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, một DN để nhận được hỗ trợ tài chính của Nhà nước và khu vực công thì phải trình bày nhiều thứ giấy tờ. Phần giải trình khiến DN lo sợ, do sau khi làm báo cáo giải trình thì không còn thời gian suy nghĩ và sáng tạo.

PGSNGUYỄN QUANG TRUNG, Trưởng Khoa quản trị ĐH RMIT:

Thực hiện đồng bộ bốn khâu quan trọng

Để thành công trong chuyển đổi số cần thực hiện các khâu theo quy trình một cách khoa học.

Thứ nhất, kêu gọi hành động: Thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ và quyết tâm đối với chuyển đổi số từ phía lãnh đạo tổ chức và DN. Cần truyền tải được thông điệp về sự quyết tâm chuyển đổi kèm với chiến lược rõ ràng.

Thứ hai, thí điểm kỹ thuật số: Tận dụng nguồn lực có sẵn để giả lập, thí điểm các giải pháp khả thi nhất. Dùng kết quả thử nghiệm làm cơ sở để xác định tiềm năng chuyển đổi số.

Thứ ba, huy động nguồn lực: Xây dựng và thực hiện các thí điểm kỹ thuật số cũng giúp xác định mục tiêu khả thi trên thực tế đối với mỗi tổ chức, DN. Điều này cũng thúc đẩy sự hiểu biết về cách sử dụng các dữ liệu theo thời gian thực như một tài sản tạo ra giá trị mới.

Thứ tư, năng lực quản lý chuyển đổi: Cần phân bổ đủ nguồn lực và phân quyền thực hiện các nhiệm vụ chính trong toàn tổ chức, DN.

Hãy loại bỏ tư tưởng phó thác hoàn toàn chuyển đổi số cho đội ngũ công nghệ thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm