Trong báo cáo mới phát hành, S&P Global Market Intelligence cho biết, trong tháng cuối cùng của năm 2022, ngành sản xuất Việt Nam suy giảm mạnh hơn khi nhu cầu cả ở trong nước và nước ngoài đều giảm.
Theo đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống mức 46,4 điểm trong tháng 12-2022.
Chỉ số này lần thứ hai liên tiếp nằm dưới ngưỡng trung tính 50 điểm đã phản ánh các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục suy giảm. Trong tháng 11-2022, PMI của Việt Nam chỉ đạt 47,4 điểm.
Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế S&P Global Market Intelligence đánh giá, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong tháng 12-2022, một phần do nhu cầu khách hàng giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Mỹ.
Việc kiếm thêm các đơn đặt hàng mới có vẻ vẫn khó khăn cho đến khi những thị trường này khởi sắc, và một số công ty cho biết họ dự đoán nhu cầu vẫn yếu ít nhất là trong tương lai gần.
"Các nhà sản xuất đã nhanh chóng đối phó với tình hình sụt giảm số lượng đơn đặt hàng bằng cách giảm giá bán hàng để kích cầu. S&P Global Market Intelligence đang dự báo sản lượng công nghiệp tăng 6,8% cho năm 2023, một tỉ lệ tăng thấp hơn so với năm 2022” - ông Andrew Harker nói.