Quyết định kháng nghị ký ngày 27-2 nhưng phải tới 13-4 Cục Thi hành án TP.HCM mới nhận được.
Năm 2010, từ đơn khởi kiện đòi lại nhà của bà T. (Việt kiều Mỹ), TAND TP.HCM và sau nữa là Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử buộc bà L. (người được bà T. ủy quyền quản lý nhà) phải trả lại nhà cho bà T.
Án có hiệu lực nhưng bà L. không tự nguyện giao nhà nên Cục Thi hành án (THA) dân sự TP.HCM đã ra quyết định cưỡng chế THA. Tuy nhiên, không như những trường hợp tương tự khác, việc cưỡng chế được tiến hành đến bốn lần mà hiện vụ việc vẫn chưa đâu vào đâu.
Lần 1 là ngày 26-4-2011. Trước đó, chấp hành viên (CHV) đã tổ chức họp với các cơ quan như công an, bệnh viện, UBND phường, điện lực... để chuẩn bị trục xuất toàn bộ người và tài sản trong căn nhà. Nhưng rồi cho rằng ngày đó gần lễ 30-4 và 1-5 nên chủ tịch UBND phường đề nghị dời đến tháng sau.
Lần 2 là ngày 26-5. Vào ngày này, khi đang tổ chức họp triển khai phương án cưỡng chế thì CHV nhận được điện thoại và bản fax từ TAND Tối cao yêu cầu hoãn THA trong thời hạn ba tháng “để có thời gian xem xét lại bản án theo khiếu nại của bị đơn”.
Lần 3 là ngày 21-12. Sau khi hết thời hạn tạm hoãn mà không nghe TAND Tối cao “nói năng” gì, hội đồng cưỡng chế lên phương án cưỡng chế lần thứ ba. Đại diện VKSND TP.HCM cũng thống nhất cưỡng chế theo kế hoạch. Đến lúc triển khai thì chủ tịch UBND quận 8 đề nghị dời sang năm sau “để ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương dịp cuối năm và để chính quyền có thêm thời gian động viên người phải THA tự nguyện thi hành”.
Lần 4 là ngày 1-3-2012. Sáng cùng ngày, khi hội đồng cưỡng chế họp bàn phương án cưỡng chế thì CHV cho biết vào ngày 29-2 CHV có nhận được điện thoại của một người xưng là phó chánh Tòa Dân sự TAND Tối cao thông tin “lãnh đạo TAND Tối cao đã quyết định kháng nghị đối với cả hai bản án sơ và phúc thẩm nhưng vì bận đi công tác nên chưa kịp ký văn bản ban hành”. Cũng theo CHV, vào thời điểm chuẩn bị cưỡng chế thì TAND Tối cao vẫn chưa gửi công văn về việc kháng nghị. Xét thấy không có đủ cơ sở tạm dừng cưỡng chế nên hội đồng đã triển khai lực lượng đến địa chỉ nhà cưỡng chế.
Bất ngờ, khi CHV sắp đọc quyết định cưỡng chế thì nhận được điện thoại của cơ quan là có công văn (bản fax) của TAND Tối cao (do vị phó chánh Tòa Dân sự trên ký) thông báo vào ngày 27-2 (tức trước hai ngày có cuộc gọi điện), chánh án TAND Tối cao đã ký quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm. Công văn này yêu cầu Cục THA dân sự TP.HCM tạm đình chỉ THA cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Trao đổi với PV, CHV Nguyễn Văn Quỳnh Giao, Cục THA dân sự TP.HCM, người được phân công thi hành bản án trên, cho biết: “Sáng 1-3, chúng tôi định phát loa yêu cầu bà L. và những người khác rời khỏi nhà để giao nhà cho chủ sở hữu thì phải dừng lại mọi việc. Điều đáng nói nữa là quyết định kháng nghị ký ngày 27-2 nhưng phải tới ngày 13-4 Cục THA dân sự TP.HCM mới nhận được. Sự trễ nải của TAND Tối cao đã khiến cơ quan THA và các cơ quan khác tốn kém rất nhiều thời gian, công sức trong việc lên kế hoạch cưỡng chế THA”.
Đòi nhà đã ủy quyền quản lý Theo án sơ thẩm, năm 1971, bà T. đứng tên mua căn nhà tại phường Chánh Hưng, quận 8 (nay là phường 4, quận 8), có chứng thực, trước bạ đầy đủ. Năm 1975, bà xuất cảnh qua Mỹ còn chồng bà ở lại. Năm 2002, chồng bà chết (không có di chúc) và bà đã ký hợp đồng ủy quyền cho bà L. quản lý căn nhà. Năm 2007, bà T. đòi bà L. trả nhà trong thời hạn 12 tháng nhưng bà L. không trả. Năm 2008, bà T. gửi đơn kiện yêu cầu TAND TP.HCM hủy hợp đồng ủy quyền và buộc bà L. cùng những người đang sống trong nhà phải trả nhà cho bà. Đồng thời, bà sẽ hỗ trợ cho bà L. 30 triệu đồng để tìm nơi ở khác. Phía bị đơn thì đề nghị nguyên đơn nhường 1/2 căn nhà. Tại tòa, bà L. cho biết bà với chồng bà T. là vợ chồng hợp pháp theo giấy chứng nhận kết hôn do UBND xã Giao Hòa, huyện Châu Thành (Bến Tre) cấp năm 1999. Ngoài ra, bị đơn còn xuất trình quyết định nhận nuôi con nuôi của bà và chồng nhưng việc nhận nuôi con nuôi lại diễn ra sau khi người chồng chết. Ngày 14-1-2010, TAND TP.HCM xử chấp nhận yêu cầu đòi nhà của nguyên đơn và ghi nhận sự tự nguyện hỗ trợ của nguyên đơn. Tòa này không chấp nhận quyết định nhận nuôi con nuôi nói trên, đồng thời kiến nghị UBND xã đã cấp giấy chứng nhận kết hôn cho bà L. xem xét lại việc cấp giấy này vì tại thời điểm cấp giấy phía bên nam đang là chồng của bà T. nên việc kết hôn với người khác là trái pháp luật. Ngày 23-6-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của hai bên tăng tiền hỗ trợ từ 30 triệu lên 150 triệu đồng và giữ nguyên các phần quyết định khác của án sơ thẩm. Đã giao đủ tiền Theo bản án phúc thẩm thì hai bên thống nhất giao nhà và tiền cùng một lúc nhưng phía bên tôi đã tự nguyện nộp trước 150 triệu đồng. Bản án có hiệu lực từ năm 2010 nhưng hết cơ quan này đến cơ quan khác ngăn cản việc THA. Mặc dù có đến ba tháng xem xét nhưng TAND Tối cao lúc đầu không kháng nghị đến giờ chót lại kháng nghị với nhiều việc làm như gọi điện, gửi công văn, gửi quyết định hết sức bất thường. Ông PHAN THANH TIỀN, đại diện của bà T. |
NGUYỄN QUỲNH