Nhiều dự án công nghiệp nặng, bất động sản... làm suy thoái môi trường biển

(PLO)- Các tỉnh ven biển tập trung đầu tư quá nhiều dự án công nghiệp nặng, bất động sản ven biển, lấn biển, làm suy thoái môi trường biển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày 26 và 27-7, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng phối hợp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tổ chức hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ 5.

suy-thoai-moi-truong-bien-hoi-thao.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: TẤN VIỆT

Hội thảo năm nay có chủ đề Bảo tồn biển, thu hút sự tham gia của hơn 120 đại biểu từ Trung ương đến địa phương, trong nước và quốc tế, gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức xã hội.

Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng, thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Tuy vậy, ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đáng kể đến là việc khai thác quá mức, khai thác bằng các ngư cụ trái phép, ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Việt Nam cũng đang bị áp thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai khác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển ngày càng tinh vi và chưa được giải quyết triệt để.

Ông Phúc cho hay, các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người như: San lấp, lấn biển để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn.

suy thoái môi trường biển đà nẵng hội thảo
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng nước ta cần quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu bảo vệ lãnh hải và chiến lược phát triển kinh tế biển.

Hiện nay, các tỉnh quan tâm đến chiến lược phát triển kinh tế biển, nhưng lại tập trung đầu tư quá nhiều dự án công nghiệp nặng, bất động sản ven biển. Xây dựng nhiều công trình lấn biển, xả thải làm suy thoái môi trường biển, tất cả đã gây nên nhiều thách thức đối với mục tiêu bảo vệ lãnh hải.

Theo các đại biểu, mỗi khi phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa ven biển thì ô nhiễm môi trường sẽ gia tăng, suy thoái môi trường biển nghiêm trọng hơn, kéo theo trữ lượng hải sản suy giảm.

Công tác bảo tồn biển cần được quan tâm nhiều hơn, khai thác hải sản thông minh cần được xem trọng.

Phát triển bền vững kinh tế biển phải dựa trên nền tảng tri thức bản địa và khoa học hiện đại, không chỉ tập trung đầu tư vào các dự án quy mô lớn và thu hút được nhiều ngoại tệ.

Các đại biểu cũng bày tỏ quan ngại rằng mặc dù Việt Nam là quốc gia biển, nhưng công tác nghiên cứu khoa học về biển còn rất hạn chế. Đến nay hầu hết các ngành đào tạo liên quan đến biển trong cả nước đều tuyển sinh rất khó, chất lượng đầu vào suy giảm.

Do đó, Đảng và Nhà nước cần kiến thiết lại các chính sách vĩ mô nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực thực sự tốt. Đồng thời có chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lĩnh vực bảo tồn biển và phát triển bền vững đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm