Nhiều dự án tỉ USD hồi sinh

Khan hiếm quỹ đất sạch có vị trí đẹp để phát triển dự án tại TP.HCM, nhiều tập đoàn bất động sản (BĐS) đã lựa chọn phương án mua bán, sáp nhập (M&A) để làm sống lại những dự án “trùm mền” hàng chục năm qua.

Cú bắt tay của những ông lớn

Từng được kỳ vọng là tòa cao ốc biểu tượng của TP.HCM vào năm 2009, thế nhưng Saigon One Tower tọa lạc trung tâm TP chục năm qua vẫn là khối bê tông xám xịt dở dang.

Ngay sau khi về tay chủ mới là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land có văn phòng tại Singapore, TP.HCM, Hà Nội, dự án này đã đổi tên thành IFC One, Saigon. 

Một dự án sắp được hồi sinh khác là Kenton Node cũng có vị trí đắc địa là mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, một trong những tuyến đường huyết mạch của khu Nam Sài Gòn, hai mặt giáp sông. Dự án tọa lạc tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư, khởi công năm 2009.

Sau 13 năm xây dựng dở dang, mới đây dự án này được khởi động lại với cái bắt tay của Tập đoàn Novaland và chủ đầu tư cũ, đồng thời đổi tên thành Grand Sentosa. Novaland cam kết đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ dự kiến trong năm 2024.

Một thương vụ M&A đình đám khác đầu năm 2022 là siêu dự án tỉ USD có tên cũ là Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã về tay Tập đoàn Masterise Homes với tên mới là The Global City. Theo tìm hiểu, đây chính là dự án có quy mô rộng 117 ha, nằm cạnh khu phức hợp Saigon Sports City và tiếp giáp với cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Với tên gọi mới, dự án được định hướng trở thành một TP toàn cầu, mang tính biểu tượng của khu vực Đông Nam Á với nhiều phân khúc chung cư, thấp tầng, villa, nhà ở xã hội

Với lợi thế về quỹ đất rộng lớn, hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, dự án được kỳ vọng là một khu đô thị hiện đại, quy hoạch bài bản của TP.HCM.

Dự án Grand Sentosa được hồi sinh, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2024.
Ảnh: MINH LONG

Tác động lan tỏa

Đánh giá về những thương vụ M&A trên, TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, nhận định đó là thông tin tích cực, giúp hồi phục những dự án bị đình trệ, nợ xấu nhiều năm. Việc khởi động lại những dự án này giúp thay đổi bộ mặt đô thị, lấy lại mỹ quan cho TP, đồng thời tác động tích cực đến phát triển kinh tế.

Theo ông Nhân, đối với các đại gia M&A, vị trí của những dự án này là lựa chọn hàng đầu, thứ hai là kết nối giao thông, rồi đến cơ sở hạ tầng, dịch vụ và giá trị tiện ích. Dự án hội đủ các yếu tố như vậy thì các tập đoàn này mới bắt tay vào thương vụ.

“Những dự án này đã hoàn thành thủ tục pháp lý, giấy phép xây dựng, vấn đề còn lại chỉ là triển khai xây dựng. Vì vậy rất thuận lợi cho các chủ đầu tư mua lại. Giá bán của chủ đầu tư cũ cũng sẽ hợp lý trên cơ sở win - win đôi bên cũng có lợi” - ông Nhân đánh giá.

Vấn đề lớn nhất là đầu ra dự án, chủ đầu tư mới không chỉ cần dòng tiền lớn mà phải có tâm huyết, có thương hiệu tốt, tạo được uy tín và phải có đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp.

Phân tích thêm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia BĐS, cho rằng M&A là thương vụ của những doanh nghiệp chuyên nghiệp với nhau. Khi tiến hành M&A, hai bên sẽ tính toán về khả năng phục hồi dự án, khai thác dự án, vị thế của hai bên và cuối cùng là nguyên tắc quy luật cung cầu.

Điều đáng lo nhất trong các thương vụ này là dự án đã “trùm mền” quá lâu sẽ rất kén người mua. Vì thế, chủ đầu tư mới phải có thực lực, tạo ra những giá trị mới cho dự án.

“M&A những dự án đóng băng lâu năm, buộc chủ đầu tư cũ bán giá phải hợp lý, rẻ hơn thị trường cho chủ đầu tư mới. Để phục hồi những dự án này chủ đầu tư mới phải có uy tín, có chuyên môn để phát triển” - ông Hiển nói.

Dưới góc độ đô thị, TS Hiển cho rằng dự án đi vào hoạt động mới tạo được giá trị sử dụng, giá trị gia tăng, mang lại nhiều lợi ích cho TP.

Dự báo M&A bùng nổ trong năm 2022

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS mới đây của Colliers Việt Nam, năm 2021, BĐS vẫn là một trong những lĩnh vực có tổng giá trị giao dịch M&A cao nhất. Thêm vào đó, các giao dịch có giá trị trên 100 triệu USD ngày càng nhiều và doanh nghiệp trong nước cũng đóng vai trò chủ đạo.

Trong năm 2022, Colliers Việt Nam dự báo thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động với những thương vụ M&A. Các doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh sẽ rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng đã khiến không ít doanh nghiệp không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở, đành phải bán lại cho những doanh nghiệp mạnh hơn.

M&A giúp cho nguồn cung và thanh khoản được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới