Nhiều hầm đường sắt cần sửa chữa lớn nhưng không đủ tiền

(PLO)- Cục Đường sắt Việt Nam cho biết cần hàng trăm triệu đồng để nâng cấp mỗi mét hầm đường sắt nhưng kinh phí bố trí hạn hẹp nên nhiều công trình chưa được sửa chữa kịp thời.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về thực trạng đầu tư hệ thống hầm đường sắt Việt Nam hiện nay, ông Trần Thiện Cảnh, Cục Trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho hay: “Trên hệ thống đường sắt quốc gia hiện có tổng số 39 hầm đường sắt. Trong đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam có 27 hầm, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) có 8 hầm, tuyến Kép (Bắc Giang) - Lưu Xá (Thái Nguyên) có 4 hầm. Hầm đường sắt cũng như kết cấu hạ tầng đường sắt nói chung, nguồn vốn, kinh phí bố trí hàng năm hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 40%-50% so với nhu cầu tính đủ theo định mức kinh tế - kỹ thuật”.

Cải tạo, nâng cấp mỗi mét hầm cần hơn 400 triệu đồng

ong canh.jpg
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục Trưởng Cục Đường sắt Việt Nam.

. Phóng viên: Hệ thống hầm đường sắt quốc gia phần lớn được xây từ thời Pháp, với kinh phí hạn hẹp như ông nói thì công tác duy tu, bảo dưỡng được tiến hành hằng năm ra sao, thưa ông?

+ Ông Trần Thiện Cảnh: Theo số liệu báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt vào tháng 6-2023, ước tính suất đầu tư để sửa chữa, nâng cấp hầm vào khoảng hơn 400 triệu đồng/m hầm, cùng với phương án thi công phức tạp. Nhu cầu để nâng cấp, cải tạo hầm là rất lớn, nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm không đủ khả năng cân đối để thực hiện sửa chữa, cải tạo.

Vì thế, công tác bảo trì đối với các hầm đường sắt chủ yếu tập trung thực hiện các công việc ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn giao thông. Cụ thể như: thực hiện đi tuần hầm theo quy trình để kịp thời phát hiện, xử lý các điểm trực tiếp gây mất an toàn; thực hiện bảo dưỡng đường sắt trong hầm; khắc phục, sửa chữa vá hư hỏng nhỏ của vỏ hầm; kiểm tra, vệ sinh, khơi thông thoát nước, khắc phục hư hỏng của hệ thống thông gió, điện ánh sáng.

. Hiện nay, một số hầm đã xuống cấp và cần sửa chữa, nếu chậm sửa chữa như hầm Bãi Gió sẽ khiến công tác này càng khó và tốn kém hơn. Vậy sau sự cố vừa qua, đơn vị có tiến hành rà soát, đánh giá lại chất lượng tất cả các hầm để sửa chữa khắc phục kịp thời, nhằm tránh thiệt hại lớn cho ngân sách cũng như ngành đường sắt không thưa ông?

Công tác kiểm tra, rà soát để thực hiện sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất kết cấu hạ tầng đường sắt nói chung, hầm đường sắt nói riêng để bảo đảm an toàn công trình, phục vụ nhu cầu vận tải là nhiệm vụ được chúng tôi thực hiện thường xuyên trong quá trình bảo trì. Tuy nhiên, như tôi nói do kinh phí bố trí hàng năm chưa đủ nên công tác sửa chữa, cải tạo các công trình đường sắt bị xuống cấp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Công nhân đang sửa hầm đường sắt Bãi Gió có tuổi thọ hơn 100. Ảnh: XUÂN HOÁT
Công nhân đang sửa chữa hầm đường sắt Bãi Gió có tuổi thọ hơn 100 năm Ảnh: XUÂN HOÁT

Trong bối cảnh đó, thời gian qua chúng tôi thực hiện việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các hầm trên đường sắt quốc gia với nhiều nguồn vốn khác nhau. Chẳng hạn sử dụng vốn tài trợ của Chính phủ Pháp để sửa chữa bốn hầm (số 7, số 9, số 10, số 13), trong dự án cải tạo hầm đường sắt khu vực đèo Hải Vân.

Các hầm trên được thực hiện với quy mô thay thế vỏ hầm cũ bị phong hóa, hư hỏng bằng vỏ hầm mới kết hợp mở rộng kích thước hầm. Thời gian hoàn thành đưa các hầm vào sử dụng năm 2006.

Chúng tôi cũng sử dụng ngân sách Nhà nước tiến hành sửa hai hầm (số 8, số 13). Trong đó, hầm số 8 được thực hiện với quy mô cải tạo, gia cố vỏ hầm, thời gian đưa vào khai thác, sử dụng năm 1998; hầm số 13 được kéo dài 50 m trong sau đợt sụt lở đất khu vực đèo Hải Vân, thời gian đưa vào khai thác, sử dụng năm 2008.

Hiện Bộ GTVT đang giao cho Ban Quản lý dự án 85 là chủ đầu tư thực hiện gia cố 10 hầm yếu (số 1, 2, 3, Phủ Cũ, Chí Thạnh, Babonneau, Vũng Rô 4, Vũng Rô 2, Vũng Rô 1, Bãi Gió), kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM

Song song kế hoạch trên, Cục Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng và đề xuất Bộ GTVT báo cáo cấp thẩm quyền ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp các hầm còn lại.

Cụ thể, chúng ta cần sửa chữa, cải tạo 11 hầm trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM với nhu cầu vốn 1.145 tỉ đồng; Dự án sửa chữa, cải tạo 8 hầm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng với nhu cầu vốn 805 tỉ đồng. Khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chúng tôi sẽ tổ chức triển khai sửa chữa công trình để bảo đảm an toàn cho công tác chạy tàu.

Ứng dụng công nghệ để theo dõi công trình hầm

. Để các hầm đường sắt đảm bảo an toàn cho công tác chạy tàu, ngành đường sắt có những giải pháp dài hạn nào để hạn chế những khó khăn trên không?

+ Như trên tôi đã nói, trước mắt chúng tôi sẽ sớm triển khai thực hiện dự án sửa chữa, cải tạo 11 hầm trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, 8 hầm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Hầm đường sắt cũng như kết cấu hạ tầng đường sắt nói chung đã xuống cấp qua thời gian dài khai thác sử dụng, để bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác sử dụng, Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan sẽ thực hiện ưu tiên cân đối thực hiện sửa chữa định kỳ, sửa chữa khẩn cấp bảo đảm an toàn các hạng mục công trình hợp lý, phù hợp với điều kiện khai thác, sử dụng.

Thêm vào đó, chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ quy trình bảo trì, quy trình tuần, gác để kịp thời phát hiện, xử lý các điểm trực tiếp gây mất an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, khuyến nghị các đơn vị trực tiếp bảo trì công trình ứng dụng khoa học công nghệ để kiểm tra, theo dõi công trình, hạng mục công trình.

Xin cảm ơn ông!.

Cần bố trí vốn để sửa chữa 12 hầm yếu

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa kiến nghị Bộ GTVT sau khi khắc phục xong sự cố sụt hầm Bãi Gió, các cấp có thẩm quyền cần xem xét ưu tiên bố trí dưới 500 tỉ đồng để gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu trên tuyến. Song song đó, có phương án xử lý 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm