Nhiều không gian mở để hoàn thiện chính quyền đô thị TP.HCM

(PLO)- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận TP đã đi một bước rất dài về tổ chức bộ máy chính quyền đô thị và có nhiều không gian mở để hoàn thiện mô hình này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-6, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát với UBND TP.HCM về thực hiện chương trình cải cách hành chính về cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ, giai đoạn 2022-2025.

Nhiều không gian mở để hoàn thiện chính quyền đô thị TP.HCM
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: THANH THÙY

Cải cách chế độ công vụ, công chức cải thiện rõ

Báo cáo tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết việc đánh giá công tác cải cách chế độ công vụ, công chức trên địa bàn đã có những chuyển biến, cải thiện rõ rệt; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng cao.

Số lượng đơn vị sự nghiệp của TP.HCM khá lớn nhưng TP chưa thể phân cấp cho các cơ quan cấp dưới thực hiện phê duyệt đề án sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết, làm kéo dài thời gian phê duyệt đề án. Trong thời gian chờ được phê duyệt đề án, các đơn vị không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết dẫn đến giảm nguồn thu của đơn vị sự nghiệp.

Điều này tạo thêm áp lực cho ngân sách địa phương để đảm bảo hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp công lập và phục vụ nhu cầu của người dân, học sinh, sinh viên. Đặc biệt là việc tổ chức giữ xe, căn tin và các dịch vụ hỗ trợ khác có thu phí ở khu vực y tế, giáo dục.

Bên cạnh đó, hiện biên chế sử dụng cao hơn so với biên chế được giao. Việc sắp xếp, sáp nhập tinh gọn bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập đạt tỉ lệ chưa cao, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Nguyên nhân là thực tế số lượng học sinh, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc y tế của người dân ở TP.HCM và khu vực lân cận hằng năm tăng rất nhiều.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đối với giáo dục và y tế còn nhiều khó khăn.

TP cho biết đang gặp áp lực về nhu cầu biên chế công chức hành chính. “Khối lượng công việc ngày càng tăng, số lượng biên chế công chức hiện nay tại các cơ quan, đơn vị không đáp ứng được nhu cầu công việc thực tế nên dẫn đến tình trạng nhiều công chức đã xin thôi việc do áp lực công việc, gây ảnh hưởng đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị” - báo cáo của UBND TP chỉ rõ.

Kiến nghị xem xét mục tiêu kép

Trao đổi với các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết dựa vào Nghị quyết 131 về chính quyền đô thị, TP đã xây dựng, tổ chức bộ máy có sự đổi mới, đưa thực tiễn của TP vào pháp luật, là địa phương thực hiện chính thức về chính quyền đô thị, không thí điểm.

Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 cho TP thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, TP có thêm cơ hội để tiếp tục sắp xếp bộ máy của cơ quan hành chính TP.

“Về tổ chức bộ máy, nếu đứng nhìn bên ngoài thì thấy không có gì cả nhưng về bản chất chúng ta đã đi một bước rất dài về tổ chức bộ máy chính quyền đô thị TP.HCM và đang có rất nhiều không gian mở để hoàn thiện chính quyền đô thị” - ông Hoan khẳng định.

Theo ông Hoan, TP.HCM có hàng trăm trường học từ mầm non tới THCS, THPT, trường ĐH do TP quản lý, cả viện nghiên cứu để thực hiện các nhiệm vụ… nên sẽ rất khó nếu yêu cầu TP.HCM giảm 10%.

“Nếu tính toán lại, có 13 triệu dân với 13.000 cán bộ nhà nước thì một người phục vụ gần 10.000 người. Nhu cầu khám chữa bệnh, nhu cầu học tập ngày càng tăng, năm nào cũng phải xây trường mới nhưng cũng phải gom lại để giảm đầu mối. TP.HCM đã báo cáo với Quốc hội để xem xét cho phù hợp với thực tiễn. Chúng ta trọng tính hiệu quả trong sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập là làm sao giảm chi ngân sách nhưng vẫn phục vụ tốt cho người dân” - ông Hoan nói.

Ông Võ Văn Hoan cho biết TP đã kiến nghị Trung ương xem xét mục tiêu kép, tức là vẫn giảm, gom những đầu mối nhỏ lẻ nhưng đồng thời phải có mục tiêu kèm theo là tăng tính tự chủ cho các đơn vị; phải có cơ chế phát huy tính tự chủ thì mới giải quyết được mục tiêu kép cho các đơn vị sự nghiệp công lập vừa đảm bảo được nhiệm vụ, vừa thực hiện mục tiêu giảm chi cho Nhà nước.

Hiện TP.HCM đang quản lý số biên chế công chức là 13.689 biên chế, gồm 9.954 biên chế công chức hành chính từ cấp huyện trở lên và 3.735 biên chế công chức hành chính làm việc tại các phường thực hiện chính quyền đô thị. Trong đó, biên chế công chức hành chính từ cấp huyện trở lên phân bổ năm 2023 là 9.945 biên chế; năm 2024 là 9.954 biên chế. Biên chế công chức hành chính tại các phường thực hiện chính quyền đô thị năm 2023 và năm 2024 là 3.735 biên chế.

Đến tháng 12-2023, TP.HCM còn 1.781 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, lĩnh vực y tế tổ chức lại 94 đầu mối, còn 78 đầu mối (giảm 16 đầu mối); lĩnh vực khoa học và công nghệ tổ chức lại 10 đơn vị xuống còn chín đơn vị; lĩnh vực văn hóa - thể thao có 32 đơn vị (đã giảm ba đơn vị, đạt 8,57%). Lĩnh vực bảo trợ xã hội năm 2021 có 29 đơn vị (giảm bốn đơn vị so với thời điểm năm 2017), đến năm 2022, sáp nhập một đơn vị là trung tâm giảm nghèo đa chiều TP do không đảm bảo điều kiện số người làm việc.

Đến năm 2023, TP.HCM có gần 12,5% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, như vậy về cơ bản TP đã đạt và vượt chỉ tiêu “có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị so với giai đoạn 2011-2015”.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng TP cần quan tâm sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm chỉ tiêu chung của toàn TP: “Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính” và “giảm tối thiểu bình quân 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021”.

Bà Lệ nhìn nhận việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đối với lĩnh vực giáo dục và y tế là vấn đề còn nhiều khó khăn. Số trường, số lớp hiện nay vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế; do gia tăng dân số cơ học, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến dôi dư số lượng cấp phó so với quy định mà việc bố trí công tác cho cán bộ, viên chức chưa kịp thời, dẫn đến việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đối với lĩnh vực giáo dục chưa đảm bảo lộ trình sắp xếp theo quy định.

Với ngành y tế, khi chuyển sang đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) đòi hỏi phải phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của BV. Tuy nhiên, năng lực quản lý, quản trị BV của một số cơ sở y tế công lập còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực quản lý, quản trị BV. Vì vậy, đòi hỏi cần có Hội đồng quản lý BV, tuy nhiên hiện nay Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn cụ thể nên cũng ảnh hưởng phần nào đến việc sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành y tế.

Cùng với đó, việc tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập phụ thuộc vào đề án sử dụng tài sản công mà hiện nay TP còn chậm trong phê duyệt các đề án của các đơn vị làm ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập…

Từ đó, bà Lệ đề nghị UBND TP vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đề án sử dụng tài sản công trên địa bàn TP để làm sao vừa đảm bảo theo quy định và vừa đáp ứng được nhu cầu thực tế của một đô thị lớn như TP.HCM.•

P2,3_Hinh_phu.jpg
Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: THANH THÙY

Gỡ khó trong sử dụng tài sản công

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến đề án sử dụng tài sản công. Theo đó, Sở Tài chính cho biết đến nay sở đã nhận 744 đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của các đơn vị sự nghiệp công lập, sở đã có ý kiến gửi về các đơn vị. Tuy nhiên, đến nay Sở Tài chính mới trình UBND TP.HCM năm đề án và có bốn đề án được UBND TP phê duyệt.

Theo Sở Tài chính, quá trình xây dựng góp ý các đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của các đơn vị sự nghiệp công lập còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sở Tài chính đề xuất UBND TP vận dụng Nghị quyết 98, ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP và chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Tiếp tục giữ vững kỷ luật, kỷ cương công vụ

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong công tác lãnh đạo, điều hành, thực thi công vụ giúp đội ngũ thực hiện đúng và tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nhưng vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chưa nghiêm các quy định, quy chế, kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực thi công vụ.

Năm 2022 có 11 cán bộ, 92 công chức và 85 viên chức bị xử lý kỷ luật; năm 2023 có tám cán bộ, 84 công chức và 145 viên chức bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay có chín lượt chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền đánh giá của chủ tịch UBND TP bị hạ mức đánh giá, xếp loại chất lượng hằng quý từ mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống hoàn thành tốt nhiệm vụ do chậm thực hiện xử lý phản hồi thông tin trên cổng 1022.

Đồng thời, giao nhiệm vụ của Sở Tài chính về việc có ý kiến, thẩm định đề án cho phòng, ban chuyên môn trực thuộc sở, ban ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP và phòng, ban chuyên môn thuộc UBND quận, huyện với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương.

Về việc quản lý, sử dụng tài sản công vào các mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP sẽ vận dụng Nghị quyết 98 để xem xét thực hiện phân cấp, ủy quyền theo quy định.

Ông Hoan cũng cho rằng với đề án phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công, cần có hướng dẫn để làm các thủ tục định giá, định hình khung giá để có cơ sở thực hiện. Thậm chí, TP cũng hướng tới việc lập hội đồng tại các BV, trường học. Theo ông Hoan, có hội đồng này thì mới quản trị tốt về cơ sở vật chất của đơn vị tự chủ chi thường xuyên… •

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm