TP.HCM cần sớm đồng bộ cơ chế, thể chế trong xây dựng chính quyền đô thị

(PLO)- Vấn đề cấp bách đặt ra trong xây dựng chính quyền đô thị sắp tới tại địa phương là hoàn thiện đồng bộ về thể chế và cơ chế chính sách đối với hoạt động của TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 31-5, Thành ủy TP.HCM có buổi làm việc với đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến nghiên cứu thực tế tại TP.HCM. Trong đó, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại địa phương nhận được sự quan tâm.

TP.HCM cần sớm hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế trong xây dựng chính quyền đô thị-thanh-uy-tphcm-chinh-quyen-do-thi (2).jpg
Đoàn công tác Học viện chính trị Quốc gia TP.HCM làm việc với Thành ủy TP.HCM. Ảnh: THANH THÙY

Sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách

Báo cáo với Đoàn công tác về nội dung vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM Bùi Thị Ngọc Trang cho biết, TP.HCM là đô thị hội tụ, tập trung nhiều tiềm năng, thế mạnh và thuận lợi so với các địa phương trong cả nước.

Quá trình lịch sử hình thành, phát triển cùng với nhiều yếu tố tác động như vị trí địa lý, nguồn lực con người, hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật, nguồn vốn, nguồn lực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, mối quan hệ với các TP lớn trong khu vực, quốc tế... tạo cho TP.HCM hội đủ những điều kiện, cơ sở quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển, trở thành đô thị trung tâm, giữ vị trí vai trò quan trọng đối với cả nước.

Bà Bùi Thị Ngọc Trang khẳng định, thời gian qua TP đã phát huy tốt những tiềm năng, nguồn lực vốn có; tập trung nỗ lực xây dựng hình thành phát triển chính quyền đô thị và mô hình chính quyền đô thị.

Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng bộ TP.HCM đã bắt đầu thực hiện từ năm 2005, ấp ủ trăn trở ý tưởng và đến năm 2020 sau hơn 15 triển khai đã được triển khai thực hiện.

Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP cho rằng, vấn đề cấp bách đặt ra trong xây dựng chính quyền đô thị sắp tới tại địa phương là hoàn thiện đồng bộ về thể chế và cơ chế chính sách đối với hoạt động của TP.

Ngoài ra, cần phải tiếp tục phát huy tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân cùng sự đồng thuận của các bên liên quan tham gia trong quá trình xây dựng chính quyền đô thị tại TP.

TP.HCM cần sớm hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế trong xây dựng chính quyền đô thị-thanh-uy-tphcm-chinh-quyen-do-thi (3).jpg
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: THANH THÙY

Trao đổi thêm, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, TP.HCM cũng mong muốn giống như các địa phương khác. Tuy nhiên, thực tiễn TP với địa bàn dân cư và quy mô phát triển có sự khác biệt.

Nhiều chuyên gia đã nghiên cứu và có nhiều ý kiến kết luận TP đang mang chiếc áo quá chật. Ông Hải cho biết, TP.HCM sẽ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 131 và kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Mong Trung ương tiếp tục quan tâm

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cũng chia sẻ, trên tinh thần “cả nước vì TP, TP vì cả nước”, TP.HCM rất mong muốn Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ tiếp tục có sự quan tâm cho sự phát triển TP như thời gian qua.

“TP mong muốn có sự thấu hiểu từ Trung ương, các bộ ngành, cũng như các cơ quan chức năng khác.

Hiện tại, TP có Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội. Đây là cơ sở pháp lý và thể hiện sự quan tâm của Trung ương. Khi một chính sách đi vào cuộc sống thì cần có thời gian. TP cũng đã bắt đầu và có kết quả ban đầu” - ông Nguyễn Hồ Hải chia sẻ.

Dù vậy, ông cho biết TP.HCM cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tháo gỡ các tồn đọng.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cũng khẳng định, TP.HCM luôn mong muốn sẽ là địa phương thực hiện thí điểm các chính sách mới của Trung ương. Gắn với việc tổ chức thí điểm là việc thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để phát huy hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

TP.HCM làm rất tốt việc bồi dưỡng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý

Phát biểu kết luận, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh yêu cầu, trên cơ sở thực tiễn tiếp tục xây dựng báo cáo kiến nghị gửi Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng về bốn nhóm nội dung chính gồm: việc nghiên cứu vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; việc xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cũng như là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; kinh nghiệm trong việc phân luồng trong giáo dục đào tạo và kinh nghiệm trong việc vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Về phát triển nguồn nhân lực, ông Hoàng Phúc Lâm đánh giá lãnh đạo TP đã dành sự quan tâm trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý. Trong đó, TP đặc biệt quan tâm bồi dưỡng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý.

“TP.HCM cần tổng kết để làm mô hình nhân rộng ra toàn quốc. Bởi vì suy cho cùng “cán bộ là gốc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong công tác cán bộ thì công tác huấn luyện cán bộ là công tác gốc”- ông Hoàng Phúc Lâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm