Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: 'Rất cần thiết có nghị quyết về đường sắt đô thị'

(PLO)- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định rất cần có một nghị quyết về đường sắt đô thị bởi một loạt vấn đề đặt ra như ngân sách, cơ chế (ủy quyền), đặc thù về hạ tầng giao thông, đấu thầu, huy động vốn...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-5, trong phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh chương trình năm 2024, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã nêu kiến nghị về việc cần có một nghị quyết của Quốc hội về đường sắt đô thị trong năm 2024.

Ông Nghĩa cho biết Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 49/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận đã nêu rõ “tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn như Hà Nội, TP.HCM; đồng thời hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP.HCM vào năm 2035”. Như vậy mục tiêu đề ra đến năm 2045 là chung nhưng riêng yêu cầu đối với hai TP lớn là phải hoàn chỉnh vào năm 2035.

nghia.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ở góc độ của TP.HCM, ông Trương Trọng Nghĩa nhận thấy rất có một loạt vấn đề đặt ra như ngân sách, cơ chế (ủy quyền), đặc thù về hạ tầng giao thông, đấu thầu, huy động vốn trong và ngoài nước. “Rất cần có một nghị quyết về đường sắt đô thị” – đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nghĩa, tại một hội thảo gần đây các đại biểu cho rằng để xây dựng hơn 200 km đường sắt đô thị ở TP.HCM sẽ cần tới 25 tỉ USD, tuy nhiên nếu có cơ chế hợp lý thì có thể huy động phần lớn vốn trong nước mà không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay nước ngoài.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng kiến nghị cần một nghị quyết về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, bởi theo ông Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị yêu cầu “sớm xây dựng thành công Trung tâm tài chính Quốc tế TP.HCM”.

“Đây là chuyện mới, chưa có tiền lệ nên cả Chính phủ và chính quyền TP.HCM rất cần cơ chế liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thu hút trong lĩnh vực tài chính, quan hệ tài chính đa quốc gia, phải có tư vấn, nghiên cứu thí điểm về vấn đề này để tránh việc phải hỏi đi hỏi lại, ngần ngại trong quá trình triển khai” – ông nói.

Ngoài ra, ông Trương Trọng Nghĩa còn đề nghị năm 2025 có nghị quyết tổng kết thi hành Nghị quyết 131/2020 về chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ông cho rằng việc tổng kết này nhằm đáp ứng những vấn đề mới phát sinh, những yêu cầu mới và nghiên cứu để áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác trên cả nước.

Theo quy hoạch, tại TP Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410 km. Còn TP.HCM có khoảng 220 km đường sắt đô thị và chỉ còn 12 năm để hoàn thành theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm