Nhiều nhân viên y tế liên quan đến Việt Á được miễn trách nhiệm hình sự

(PLO)- Nhiều nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch mà liên quan đến vụ Việt Á được xử lý trong tinh thần nhân văn, nhân ái, nhân tình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong cuộc làm việc cung cấp thông tin về kết quả phiên họp 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm nay, 16-8, trả lời PLO, ông Nguyễn Văn Yên – Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đã chia sẻ chi tiết hơn về chủ trương phân loại xử lý với đối tượng trong vụ án liên quan đến Kit test Việt Á.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng (đứng) và Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đồng chủ trì cuộc làm việc thông báo kết quả phiên họp giữa năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng (đứng) và Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đồng chủ trì cuộc làm việc thông báo kết quả phiên họp giữa năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bối cảnh đặc biệt

“Chùm vụ án liên quan Việt Á xảy ra trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch. Tội phạm xảy ra đã được các cơ quan điều tra của trung ương, địa phương, quân đội làm rõ. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo 8 nội dung cụ thể và tất cả đã được làm rõ” – ông Yên nói.

Kết quả đến lúc này, cơ quan tố tụng trung ương và các địa phương đã khởi tố 33 vụ án/111 bị can, với 6 tội danh. Tất cả đều cơ bản đi đến kết thúc điều tra. Nhiều vụ án đã bước vào giai đoạn truy tố. Một số vụ đã được đưa ra xét xử, trong đó có vụ án xảy ra ở Quảng Ninh.

Cập nhật tiến độ đến lúc này, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan tố tụng đến cuối năm nay phải truy tố, xét xử hết chùm vụ án Việt Á này.

“Bối cảnh, điều kiện, hoàn cảnh vụ án xảy ra trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Nhiều vi phạm, sai phạm là vì mục tiêu chống dịch. Các vụ án lại liên quan nhiều người, từ cán bộ y tế Trung ương xuống địa phương, các doanh nghiệp. Vì lẽ đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành chủ trương chỉ đạo phân loại xử lý đối tượng. Đầy khoa học, biện chứng, hết sức nhân văn nhân ái nhưng rất nghiêm khắc như Tổng Bí thư nhiều lần nói”.

Cụ thể, theo ông Yên, quan điểm xuyên suốt trong xử lý chùm vụ án Việt Á là tập trung nghiêm trị những người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định đem lại lợi ích bất hợp pháp cho Việt Á. Nghiêm trị người chủ mưu, người cầm đầu, người tích cực thực hành, vì mục tiêu vụ lợi, đã chiếm hưởng giá trị lớn.

Những nhóm này đã được làm rõ.

Còn các nhóm khác thì quan điểm là phân hóa mạnh. Chẳng hạn, những người có hành vi phạm tội nhưng ở vai trò thứ yếu, phụ thuộc, thực hiện theo mệnh lệnh, đặc biệt không động cơ vụ lợi, không hưởng lợi; những người ở tuyến đầu chống dịch, vi phạm chủ yếu trong công tác đối thầu, trong bối cảnh cần có kit xét nghiệm ngay, chỉ biết làm vì việc chung… Những trường hợp như vậy thì được xem xét tha, miễn trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, theo ông Yên, Ban Chỉ đạo cũng thống nhất đánh giá là trong hoàn cảnh đại dịch như vậy thì rất nhiều trường hợp mua sắm không thể thực hiện theo hết trình tự luật định. Các vi phạm về đấu thầu, mua sắm đều gây hậu quả vật chất thì về nguyên tắc người vi phạm phải bồi thường. Nhưng có yếu tố khách quan như vậy thì kể cả trách nhiệm về mặt dân sự với hậu quả vật chất cũng không đặt ra.

“Đề nghị báo chí thông tin rõ để đội ngũ cán bộ y tế, những người có liên quan không may mà bị xem xét, xử lý hoặc đang xử lý hiểu là Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo hết sức quan tâm” – Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nói.

Sẽ tổng kết, đánh giá lại chính sách hình sự

Chủ trương phân hóa nói trên đã được Ban Chỉ đạo ban hành từ mấy tháng trước và PLO đã đưa tin. Tới phiên họp lần này, ông Yên cho biết các cơ quan tố tụng trung ương cũng như địa phương qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm thống nhất cao chủ trương này. Vụ án CDC ở Quảng Ninh mà các bị cáo là lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành địa phương được hưởng án treo là vận dụng đường lối phân hóa trách nhiệm như vậy.

“Rất nhiều nhân viên y tế được tha bổng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử trên cơ sở đường lối phân hóa này” – ông Yên chia sẻ với PLO.

Ngoài vụ Việt Á đã có chủ trương và đang áp dụng trong truy tố, xét xử, Thường trực Ban Chỉ đạo đã giao VKSND Tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan tố tụng trung ương nghiên cứu ban hành tiêu chí phân loại xử lý. Đây cũng là chùm vụ án mà nhiều nhân viên đăng kiểm trên cả nước bị khởi tố, nhưng xét về tính chất, hành vi của từng người mà sẽ được phân loại mạnh tương tự như Việt Á.

Ông Nguyễn Văn yên nói: Cuộc họp sáng nay, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC tiếp tục đánh giá chủ trương phân loại như với chùm vụ án Việt Á và tới đây là đăng kiểm, là hết sức cần thiết. Các đồng chí đều đề nghị tiếp tục phát huy kinh nghiệm thực tiễn này để mở rộng sang các vụ án khác.

"Có những thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì đánh giá toàn diện chính sách hình sự, được quy định trong Bộ luật Hình sự cũng như các quan điểm về xử lý vi phạm, tội phạm được thể hiện trong các văn bản khác của Đảng, Nhà nước.

Trên cơ sở đó đưa ra chủ trương, đường lối mới, phù hợp với tình hình hiện nay và các năm tiếp theo. Sau khi Ban Chỉ đạo thông qua và được Bộ Chính trị cho chủ trương thì sẽ nghiên cứu, sửa luật. Đây sẽ là những đóng góp lớn của Ban Chỉ đạo trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật”, ông nói.

Có điều kiện truy bắt bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Trong cuộc họp cung cấp thông tin, các cơ quan báo chí đặt câu hỏi về việc báo chí nước ngoài đưa tin Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC, người đã bị tòa án Việt Nam tuyên là có tội, với bản án 30 năm tù đã có hiệu lực pháp luật, ngoài ra còn đang là bị can trong một số vụ án khác, hiện đang ở Đức. Vậy các cơ quan tố tụng Việt Nam có manh mối gì về thông tin này không?

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trả lời:

“Chúng ta đã có bước tiến mới, xét xử được cả đối tượng bỏ trốn. Có hành vi phạm tội, chứng cứ rõ, thì bỏ trốn vẫn tuyên án được. Đây là tiền đề để truy bắt.

Nếu mới chỉ khởi tố, truy tố thôi thì truy bắt sẽ khó khăn. Còn đã được xét xử công khai, tòa án tuyên án có tội và bản án có hiệu lực pháp luật, nhất là tội phạm tham nhũng, thì không nước nào dung tha cả. Vì thế chúng ta sẽ có điều kiện để truy bắt”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm